18/08/2016 - 21:08

Thân thiện, khó thăng hoa!

Cố vấn nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Aung San Suu Kyi đang có chuyến thăm Trung Quốc 5 ngày. Đây là quốc gia đầu tiên bên ngoài khu vực Đông Nam Á mà bà Suu Kyi chọn đến thăm kể từ khi Liên minh Dân chủ Toàn quốc Myanmar do bà lãnh đạo giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11-2015 và chính thức nắm quyền lãnh đạo vào tháng 4-2016. Điều đó cho thấy bà coi trọng mối quan hệ giữa Myanmar với nước láng giềng Trung Quốc.

Theo giới phân tích, một trong những mục tiêu quan trọng mà bà Suu Kyi hướng đến trong chuyến thăm Trung Quốc lần này là tìm kiếm sự giúp đỡ của Bắc Kinh khi Chính phủ Myanmar khởi động đàm phán hòa bình, giải quyết xung đột ở miền bắc Myanmar giữa quân đội nước này với các nhóm dân tộc thiểu số có vũ trang, trong đó có hai nhóm sắc tộc Kachin và Ma xuất xứ từ Trung Quốc. Hai nhóm này được cho nhận vũ khí từ bên kia biên giới và đã từ chối ký thỏa thuận ngừng bắn hồi năm ngoái do chính quyền quân đội dàn xếp. Một nhà đàm phán Myanmar lúc đó cáo buộc Bắc Kinh đã dùng ảnh hưởng của họ để gây áp lực lên hai nhóm này không ký kết thỏa thuận.

Đó là lý do thời gian qua Myanmar chủ động mời Trung Quốc tham gia tiến trình hòa bình trên. Nhiều quan chức cấp cao Trung Quốc như Bộ trưởng An ninh Quốc gia Cảnh Huệ Xương, Ngoại trưởng Vương Nghị khi đi thăm Myanmar đều tập trung thảo luận vai trò "kiến tạo hòa bình" của Bắc Kinh tại Myanmar.

Tuy nhiên, quan hệ truyền thống giữa hai nước bắt đầu lạnh nhạt sau khi Myanmar quyết định tạm dừng triển khai dự án xây dựng đập thủy điện gây tranh cãi trên sông Irrawaddy vào năm 2011. Đập Myitsone có chi phí đầu tư lên tới 3,6 tỉ USD do Trung Quốc tài trợ và 90% sản lượng điện sẽ xuất khẩu sang Trung Quốc. Giới chuyên gia cảnh báo việc xây con đập này sẽ gây ra những tác động xấu đến môi trường khó có thể khắc phục được.

Trước chuyến đi Trung Quốc của bà Suu Kyi, chính quyền Myanmar đã thành lập một ủy ban 20 thành viên nhằm xem xét, đánh giá lại các dự án thủy điện trên sông Irrawaddy. Dẫu vậy, tương lai đập Myitsone khó được khôi phục. Khi còn là thủ lĩnh phe đối lập, bà Suu Kyi đã mạnh mẽ phản đối dự án này. Đa số người dân Myanmar cũng không ủng hộ dự án do Trung Quốc nắm quyền kiểm soát.

Giới phân tích cho rằng chính sách đối ngoại của Myanmar sẽ thân thiện hơn với Trung Quốc. Tuy nhiên, để mối quan hệ ấy "thăng hoa" là điều không hề dễ dàng.

KIẾN HÒA (Theo AP, Nytimes)

Chia sẻ bài viết