18/08/2017 - 15:25

Tham vọng của Trung Quốc tại Sri Lanka 

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Công), trong khi chính quyền Trung Quốc khẳng định thỏa thuận mua lại cổ phần cảng nước sâu Hambantota của Sri Lanka hoàn toàn chỉ là hợp đồng thương mại, thì giới phân tích cho rằng động thái này nằm trong nỗ lực lớn hơn của Bắc Kinh là thách thức ưu thế của hải quân Mỹ tại Ấn Độ Dương và ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực.

Cảng Hambantota nằm trên vị trí chiến lược nhìn ra Ấn Độ Dương. Ảnh: The Indian Express

Cảng Hambantota nằm trên vị trí chiến lược nhìn ra Ấn Độ Dương. Ảnh: The Indian Express

Theo thỏa thuận ký hết hồi tháng 7, công ty cảng biển thương mại Trung Quốc (CMPort) đã chi 1,12 tỉ USD cho Chính phủ Sri Lanka để mua lại 70% cổ phần cảng Hambantota (số còn lại thuộc về Cơ quan Quản lý cảng Sri Lanka-SLPA). Thương vụ này bao phủ lên một khu vực lớn gấp đôi thành phố Macau và bao gồm luôn kế hoạch phát triển một khu công nghiệp lân cận. Theo công ty quốc doanh Trung Quốc, cảng biển ở phía Nam Sri Lanka sẽ được phát triển thành “một cảng biển công nghiệp và dịch vụ lớn”. Đây cũng là lần thứ 2 Trung Quốc thu mua cổ phần cảng biển tại Sri Lanka, bởi nước này hồi năm 2013 đã lấy được 85% cổ phần tại cảng Colombo nằm trên bờ biển phía Tây của Sri Lanka.

Cường quốc Ấn Độ Dương

Ngoài các cảng biển ở Sri Lanka, Trung Quốc cũng đã mua lại các dự án cảng biển khác ở Myanmar, Pakistan và Sudan. Những động thái này làm gia tăng đồn đoán rằng chính quyền Bắc Kinh có mục tiêu thiết lập một loạt căn cứ hải quân, hay “một chuỗi ngọc trai” trải dài từ Trung Đông đến Trung Quốc. Hiện Bắc Kinh đã thành lập một căn cứ hải quân như vậy ở Djibouti thuộc vùng Sừng châu Phi, mặc dù mô tả nó như là một cơ sở hậu cần.

Theo giáo sư Madhav Das Nalapat đến từ Khoa địa - chính trị và quan hệ quốc tế thuộc Đại học Manipal (Ấn Độ), thương vụ mới của Trung Quốc khiến Mỹ bận tâm nhiều hơn cả Ấn Độ. “Một khi phát triển hoàn chỉnh, cảng Hambantota sẽ ảnh hưởng đến ưu thế hiện nay của Mỹ tại Ấn Độ Dương. Trung Quốc đang trở thành một cường quốc ở Ấn Độ Dương (không chỉ ở Nam Á mà còn ở Vịnh Ba Tư) và đây là một thách thức đối với Mỹ”- ông Nalapat nói. 

Hiện 80% lượng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển từ Trung Đông thông qua eo biển Malacca - tuyến đường thủy đi qua giữa 3 nước Indonesia, Malaysia và Singapore, đồng thời kết nối Ấn Độ Dương với Biển Đông. Vì thế, giáo sư Wang Dehua ở Trung tâm nghiên cứu quốc tế của thành phố Thượng Hải nhận xét: “Với quyền sở hữu cảng Hambantota, Trung Quốc có thêm một tuyến đường thay thế hoặc trạm neo đậu cho các tàu biển của họ ở Ấn Độ Dương”.

Tiền Trung Quốc và nợ của Sri Lanka

Về phần Chính phủ Sri Lanka, việc bán cổ phần tại cảng Hambantota không phải là lựa chọn tối ưu nhất nhưng có thể là sự lựa chọn duy nhất đối với nước này. Bởi hiện tại, Sri Lanka đang chật vật với nợ nước ngoài ngày càng tăng, trong đó phần lớn từ Trung Quốc. Vào năm 2006, tổng số nợ nước ngoài của Sri Lanka chỉ có 10,6 tỉ USD nhưng đã tăng tới gần 140% chỉ trong thập kỷ vừa qua. Cuối năm 2016, số nợ nước ngoài của Sri Lanka đã chạm mốc 25,3 tỉ USD, chiếm 34% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. 

Đáng chú ý, khoảng 13% số nợ nước ngoài của Sri Lanka  - tương đương với 3,3 tỉ USD - đến từ Trung Quốc, mà hầu hết mới phát sinh trong thập kỷ vừa qua. Đặc biệt, các khoản nợ từ Trung Quốc lại là tiền đầu tư vào phát triển các vị trí chiến lược của Sri Lanka, đang mang lại cho Bắc Kinh một số quyền kiểm soát đối với các khu vực đó. Chiến lược của Trung Quốc là thiết lập quyền lực tại khu vực Nam Á thông qua ngoại giao kinh tế, điều mà Ấn Độ đang theo dõi sát sao. 

ĐÔNG PHONG (Theo Diplomat, SCMP)

Chia sẻ bài viết