22/04/2018 - 16:05

Tham vọng của ông Macron

Giới phân tích gần đây cho biết Pháp dưới thời Tổng thống trẻ tuổi Emmanuel Macron đang theo đuổi chính sách ngoại giao đầy tham vọng, đó là khôi phục vị thế và ảnh hưởng tại Trung Đông. Nói cách khác là làm nhà “môi giới quyền lực” cho khu vực nhiều bất ổn này.

Pháp cùng Mỹ và Anh hôm 14-4 đã nã 105 tên lửa vào 3 cơ sở ở Syria được cho có liên quan tới chương trình vũ khí hóa học của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Ông Macron trong một tuyên bố cho biết đã “thuyết phục” người đồng cấp Mỹ Donald Trump triển khai cuộc tấn công này và duy trì sự hiện diện quân sự ở Syria sau khi xảy ra vụ tấn công nghi bằng khí độc tại thị trấn Douma, cướp đi sinh mạng của hàng chục người. Nhà lãnh đạo xứ gà trống Gaulois cũng nói rằng ông sẵn sàng đóng vai trò trung gian giữa Mỹ và Nga - đồng minh thân cận của Tổng thống al-Assad, và tìm một giải pháp chính trị bền vững cho Syria.

Nói về cuộc không kích này, ông Macron tuyên bố một cách tự tin rằng “Tôi ngang cơ với (Tổng thống Nga Vladimir) Putin”.

Cuộc tấn công nhằm vào Syria hôm 14-4 là quyết định quân sự quan trọng đầu tiên của ông Macron kể từ khi lên nắm quyền tháng 5-2017, nhưng đây không phải là lần đầu tiên nhà lãnh đạo trẻ này can thiệp vào các cuộc xung đột và khủng hoảng ở nước ngoài. Những năm gần đây, Pháp đã nhanh chóng can thiệp quân sự vào các cuộc xung đột ở châu Phi như tại Libya, Mali và Cộng hòa Trung Phi. “Ông Macron cực kỳ cơ hội và đang lấp đầy khoảng trống do Mỹ và Anh để lại ở Trung Đông. Ông đang xác lập vị trí của Pháp như một nhà kiến tạo trong khu vực cùng với Nga” - Olivier Guitta, giám đốc điều hành công ty tư vấn rủi ro địa chính trị GlobalStrat, nhận định.

Chẳng hạn, hồi tháng 11-2017, Paris từng đóng vai trò nhà trung gian hòa giải sau khi Thủ tướng Lebanon Saad Hariri bất ngờ thông báo từ chức khi đang ở thăm đồng minh Saudi Arabia. Lý do được đưa ra là có âm mưu ám sát nhắm vào ông. Song, giới lãnh đạo Lebanon cáo buộc Saudi Arabia bắt ông Hariri làm con tin. Tổng thống Macron ngay lúc đó đã vội vã bay sang Saudi Arabia gặp Thái tử Mohammed bin Salman nhằm giúp ổn định tình hình. Kết quả là ông Hariri một tuần sau đó đã rút đơn xin từ chức, từ đó giúp giảm căng thẳng chính trị giữa Lebanon và Saudi Arabia.

Một tháng sau đó, ông Macron lại đến Qatar trong nỗ lực hòa giải cuộc khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh mà theo đó Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain cắt quan hệ ngoại giao và phong tỏa Qatar vì cho rằng nước láng giềng tài trợ cho “khủng bố” và duy trì quan hệ với kẻ thù trong khu vực là Iran.

Gần đây nhất, ông Macron hôm 21-4 đã điện đàm với người đồng cấp Palestine Mahmoud Abbas, trong đó khẳng định Paris sẽ nỗ lực nối lại tiến trình hòa đàm giữa Palestine và Israel.

Còn nhớ trong phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại sau khi nhậm chức, Tổng thống Macron từng tuyên bố: “Pháp bây giờ không còn trong tình cảnh như hồi giữa thập niên 1970 khi tự nhận mình là “cường quốc bậc trung, được bảo vệ và hỗ trợ bởi những cường quốc lớn chia sẻ cùng giá trị”. Pháp phải trở lại vai trò một cường quốc vĩ đại”.

TRÍ VĂN (Theo Aljazeera)

Chia sẻ bài viết