18/02/2014 - 09:09

Tham vọng “Con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc

Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều (phải) tiếp Ngoại trưởng Sri Lanka Gamini Lakshman tại Bắc Kinh hôm 11-2. Ảnh: Xinhua

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Ngoại trưởng Vương Nghị trong buổi tiếp phái đoàn quan chức Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) mới đây đã bày tỏ nguyện vọng hợp tác với GCC nhằm thúc đẩy việc xây dựng "Vành đai kinh tế con đường tơ lụa" xuyên châu Á và châu Âu, trong đó có việc phát triển "Con đường tơ lụa trên biển" kết nối Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Các quốc gia GCC đều tỏ ra hoan nghênh ý tưởng của Bắc Kinh, và một số nước đã tuyên bố sẽ chung tay xây dựng "Con đường tơ lụa" mới này.

Khái niệm "Con đường tơ lụa trên biển" lần đầu xuất hiện trong chuyến công du của ông Tập Cận Bình đến Đông Nam Á hồi tháng 10 năm ngoái. Trong dịp này, người đứng đầu Trung Quốc đã có bài phát biểu trước Quốc hội Indonesia, kêu gọi tăng cường hợp tác hàng hải giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Trước mắt, Trung Quốc có kế hoạch đầu tư gần 2 tỉ USD nâng cấp cảng Kuantan ở Malaysia và sau đó có thể là ở Campuchia. Yang Baoyun, giáo sư Đông Nam Á học tại Đại học Bắc Kinh cho biết "Con đường tơ lụa trên biển" mới sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho các nước láng giềng dọc theo tuyến đường này, và sẽ là động lực cho sự thịnh vượng của toàn bộ khu vực Đông Á. Theo trang tin trực tuyến The Diplomat, "Con đường tơ lụa trên biển" cũng sẽ liên kết với các "chuỗi ngọc trai" sẵn có, đó là mạng lưới các cảng biển ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương của Trung Quốc. Hiện Bắc Kinh đang đầu tư vào các hải cảng như Colombo (Sri Lanka) và Gwadar (Pakistan). Ngoại trưởng Sri Lanka Gamini Lakshman hồi tuần rồi đã có chuyến thăm Trung Quốc, gặp gỡ người đồng cấp Vương Nghị và Phó Chủ tịch Lý Nguyên Triều. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hai nước đã đồng ý "mở rộng tối đa hợp tác hàng hải và cùng nhau xây dựng "Con đường tơ lụa trên biển" của thế kỷ 21".

Bắc Kinh nhấn mạnh rằng việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng hàng hải trong khu vực sẽ giúp thúc đẩy kinh tế phát triển và mang đến nhiều lợi ích cho các quốc gia mà Trung Quốc đầu tư vào. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh, mục tiêu của Bắc Kinh trong việc tạo ra "Vành đai kinh tế con đường tơ lụa" là nhằm "hợp nhất tất cả các mối hợp tác hiện hữu, đặc biệt là trong lĩnh vực kết nối với các nước láng giềng cũng như các nước trong khu vực và tạo điều kiện cho tất cả mọi người chia sẻ cơ hội phát triển".

Tuy nhiên, giới phê bình cho rằng dưới chiêu bài "Con đường tơ lụa trên biển", Bắc Kinh đang thiết lập một loạt các căn cứ quân sự trên khắp Ấn Độ Dương.

TRÍ VĂN (Theo The Diplomat, Telegraph, AFP)

Trung Quốc xây dựng quân cảng tại Hồng Công

Công trình xây dựng cảng gây nhiều tranh cãi của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) dọc theo cảng Victoria lịch sử của Hồng Công đã được phê duyệt trong bối cảnh bất ổn ngày càng tăng về vai trò của Bắc Kinh tại thuộc địa cũ của Anh này.

Tờ Telegraph cho biết khoảng 19.000 ý kiến chính thức về việc xây dựng quân cảng đã được trình lên giới chức Hồng Công, tuy nhiên chỉ có 20 ý kiến (khoảng 0,1%) tỏ ra ủng hộ. Trước đó, ít nhất bốn nhà hoạt động ủng hộ độc lập đã đột nhập vào các doanh trại của PLA ở Hồng Công, vẫy cờ thời thuộc địa và kêu gọi hủy bỏ dự án này. PLA sau đó đã tổ chức một cuộc diễn tập quân sự lớn tại cảng Victoria. Khi đó, hai tàu khu trục và các máy bay trực thăng đã được điều đến khu vực. Động thái này được xem như lời nhắc nhở rằng Bắc Kinh luôn nắm trong tay quyền lực cao nhất tại Hồng Công.

Căng thẳng giữa Trung Quốc đại lục và Hồng Công đã gia tăng trong những tháng gần đây. Một số cư dân Hồng Công đã phát động các cuộc biểu tình để bày tỏ sự thất vọng của họ về vấn đề sinh kế và cải cách chính trị của Trung Quốc. Một cuộc khảo sát do Đại học Hồng Công tiến hành hồi tháng 6-2013 cho thấy chỉ có 33% người Hông Công tự hào khi trở thành công dân Trung Quốc - tỷ lệ thấp nhất kể từ năm 1998, một năm sau khi Hồng Công trở về với đại lục.

Chia sẻ bài viết