15/02/2018 - 11:06

Kỷ niệm 50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Thấm sâu bài học về vai trò lãnh đạo của Đảng và thế trận lòng dân 

Cách đây 50 năm, vào thời điểm giao thừa Tết Mậu Thân năm 1968, quân và dân ta đã bất ngờ, đồng loạt tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở một loạt đô thị trên toàn miền Nam. Cuộc Tổng tiến công đã làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, mở ra cục diện mới trên chiến trường, làm phá sản chiến lược Chiến tranh cục bộ, buộc đế quốc Mỹ phải chuyển hướng chiến lược, xuống thang chiến tranh…

* Tình thế mới và chủ trương của Đảng

Sau 10 năm (1954-1964) thế chân thực dân Pháp nhảy vào xâm lược miền Nam Việt Nam và sau 4 năm (1961-1964) tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, nhưng vẫn không dập tắt được phong trào cách mạng miền Nam, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Mỹ  ồ ạt đưa quân của Mỹ và chư hầu vào miền Nam; mở rộng hoạt động không quân và hải quân, ném bom bắn phá miền Bắc để gây áp lực hòng làm giảm sự chi viện từ miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Bằng sức mạnh của chính nghĩa, quân và dân miền Nam đã làm thất bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967 của Mỹ - ngụy, bẻ gãy hai gọng kìm “tìm diệt” và “bình định”. Chiến công của quân và dân ta trên cả hai miền Nam, Bắc, cùng với khí thế phong trào đấu tranh của quần chúng dâng cao đã làm xuất hiện tình thế mới trên chiến trường có lợi cho ta.

- Tháng 10-1967, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương họp mở rộng và quyết định chuyển hướng tiến công chiến lược vào các đô thị trên toàn miền Nam.

- Tháng 12-1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt, chính thức thông qua Kế hoạch chiến lược năm 1968 và nhiệm vụ của quân và dân ta, chủ trương chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới.

- Tháng 1-1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (khóa III) đã nhận định: địch thất bại một bước rất cơ bản trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đang lúng túng, bị động về chiến lược, chiến thuật. Do đó, ta phải tranh thủ thời cơ “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới - thời kỳ tiến công và nổi dậy, giành thắng lợi quyết định”, tạo ra bước ngoặt lớn của cuộc chiến tranh.

* Diễn biến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Trên chiến trường miền Nam

Sau thất bại nặng nề trong chiến dịch mùa khô 1966 - 1967, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn  đưa thêm 10 vạn quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam Việt Nam. Đầu năm 1968, số quân chiến đấu của Mỹ ở miền Nam đã vượt quá nửa triệu tên, chưa kể sự yểm trợ của trên 20 vạn quân Mỹ có mặt ở Thái Lan, Phi-líp-pin, Nhật Bản, Guam, Hạm đội 7, cùng với gần 60 vạn quân Ngụy Sài Gòn, gần 7 vạn quân các nước đồng minh của Mỹ.

Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (gọi tắt là cuộc TTC 1968), ta chủ động tiến hành công tác nghi binh, đặc biệt là chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh. Hoạt động nghi binh đã làm cho lực lượng địch bị căng kéo, kế hoạch quân sự và thế bố trí lực lượng của địch trên chiến trường bị đảo lộn, tạo ra sơ hở để ta tiến hành cuộc TTC 1968 bất ngờ ở một loạt đô thị trên toàn miền Nam.

     Các mẹ, các chị gói bánh chuẩn bị lương thực cho cuộc tổng tấn công... Ảnh: T.L

 

Vào đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Mậu Thân 1968, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi bài thơ chúc Tết của Bác Hồ: “Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua. Thắng trận tin vui khắp nước nhà. Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ, Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”. Trong bài thơ này, lời kêu gọi “Tiến lên!” chính là hiệu lệnh mở màn cho cuộc TTC 1968. Đúng lúc đó, các lực lượng vũ trang (LLVT) của ta từ vĩ tuyến 17 tới Mũi Cà Mau đã đồng loạt nổ súng, giáng cho quân xâm lược Mỹ và chư hầu những thiệt hại vô cùng nặng nề.

Từ 0 giờ 30 phút đến 1 giờ 15 phút ngày 30-1-1968 (đêm giao thừa Tết Mậu Thân theo lịch miền Nam), quân ta đồng loạt tiến công vào thị trấn Tân Cảnh, thị xã Kon Tum (Kon Tum), thị xã Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), thị xã Plây Cu (Gia Lai), thành phố Qui Nhơn (Bình Định), thành phố Đà Nẵng, thị xã Hội An...

Cùng thời gian này, các lực lượng bộ binh, đặc công, pháo binh, biệt động của ta cũng tập trung đánh vào các mục tiêu trọng yếu của địch ở Sài Gòn - Gia Định, Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt, Tây Ninh, Bến Tre, Kiến Tường, Định Tường, Gò Công, Biên Hòa, Mỹ Tho, Cần Thơ, Trà Vinh, Châu Đốc, Vĩnh Long, Cà Mau, Sóc Trăng, Rạch Giá, Kiên Giang,...

Sài Gòn - Gia Định, trung tâm đầu não chỉ đạo toàn bộ bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ - ngụy tại miền Nam Việt Nam, là trọng điểm lớn nhất của cuộc TTC 1968. Ngay từ phút đầu nổ súng, biệt động ta đã đồng loạt đánh vào các mục tiêu: Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hoà, Bộ Tư lệnh Hải quân, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài Phát thanh, tòa Đại sứ Mỹ. Cùng với lực lượng biệt động, các tiểu đoàn mũi nhọn của ta trang bị gọn nhẹ, từ các bàn đạp vùng ven, nhanh chóng tiến vào nội đô trên các hướng. Các căn cứ quân sự, trụ sở quân đội và chính quyền Sài Gòn ở Biên Hòa, Bình Dương, Hậu Nghĩa, Long An... cũng bị tấn công.

Bị tấn công đồng loạt, bất ngờ, địch lúc đầu choáng váng. Chúng dồn về mặt trận đô thị, bỏ ngỏ vùng nông thôn. Nắm thời cơ, LLVT tại chỗ hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy giải phóng nhiều vùng rộng lớn.

Sau đợt 1, ta mở đợt tiến công mùa hè (đợt 2) từ tháng 5-1968, đánh vào 30 thành phố, thị xã, quận lỵ, chi khu; 27 bộ tư lệnh từ quân đoàn đến trung đoàn; 40 sân bay; nhiều kho tàng và các trục đường giao thông thủy bộ của địch. Từ ngày 17-8-1968, ta mở đợt tấn công thứ 3, chủ yếu tấn công bằng pháo và đánh vào các căn cứ quân sự, chống phản kích ở 27 thành phố, thị xã, 100 thị trấn, huyện lỵ, chi khu, 107 sân bay, 30 kho hậu cần lớn, 6 bộ tư lệnh sư đoàn Mỹ - ngụy.

Trong cuộc TTC 1968, quân và dân ta đã đánh vào 4 trong 6 thành phố lớn, 37 trong số 44 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, 8 trong 11 bộ tư lệnh sư đoàn quân đội Sài Gòn, 2 bộ tư lệnh biệt khu, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mỹ cùng nhiều bộ tư lệnh lữ đoàn, trung đoàn, chi khu và hàng trăm căn cứ quân sự địch bị tiến công đồng loạt. Ta đã tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn quân địch, trong đó có 4 vạn quân Mỹ, 600 ấp chiến lược, giải phóng thêm 100 xã với hơn 1,6 triệu dân.

Trên mặt trận Tây Nam Bộ và Cần Thơ

- Cùng với các mặt trận Sài Gòn - Gia Định, Huế, Đà Nẵng,… mặt trận Tây Nam Bộ cũng diễn ra rất ác liệt. Ở mặt trận này, Khu ủy Tây Nam Bộ chọn thành phố Cần Thơ (tỉnh Cần Thơ) làm trọng điểm 1, Vĩnh Long là trọng điểm 2.

Trong đợt 1 TTC 1968, tại Cần Thơ, Tiểu đoàn Tây Đô, Tiểu đoàn 307, Tiểu đoàn 303, Tiểu đoàn 309 cùng các lực lượng địa phương đồng loạt nổ súng tiến công các mục tiêu quan trọng của Mỹ- ngụy như: Sở Chỉ huy Vùng 4 chiến thuật, Tiểu khu Phong Dinh, Sở Chỉ huy lực lượng quân trấn Cần Thơ, Trung tâm chỉ huy Địa phương quân vùng 4, Đài Phát thanh, Cư xá tình báo và cố vấn Mỹ, sân bay Lộ Tẻ, Tòa lãnh sự Mỹ, sân bay Trà Nóc, căn cứ Trung đoàn 2 thiết giáp, căn cứ Liên đoàn Biệt động quân số 42, 44...

Tại Vĩnh Long, quân ta đánh vào sân bay và một phần trận địa xe M.113; đánh chiếm một phần quận mới, pháo kích vào tiểu đoàn pháo quân Sài Gòn ở Long Hồ; đánh chiếm khu vực ngã ba Cần Thơ, cắt đứt quốc lộ 4 và liên tỉnh lộ 7, khu vực truyền tin Hoa Lư, bao vây hậu cứ Tiểu đoàn 43 quân biệt động, khống chế Dinh Tỉnh trưởng, Ty Cảnh sát, Tiểu đoàn Bảo an, chiếm bến phà Mỹ Thuận, cắt đứt đường chiến lược trên bộ là quốc lộ 4 suốt 22 ngày .

Ở Trà Vinh, bộ đội tỉnh chiếm một số cơ quan, chính quyền địch ở thị xã. Ở Sóc Trăng, Tiểu đoàn Phú Lợi tiến công khu trung tâm thị xã. Tại Rạch Giá, Tiểu đoàn 207, Đại đội hỏa lực 616 phối hợp với đặc công tiến công, diệt hàng trăm quân địch.  Ở Cà Mau, Tiểu đoàn U Minh và các đại đội vũ trang tiến công thị xã, quân dân huyện Năm Căn giải phóng toàn huyện. Đây là huyện đầu tiên ở Tây Nam Bộ được giải phóng trong cuộc TTC 1968.

Ở mặt trận Tây Nam Bộ, trong đợt 1, các LLVT giải phóng đã đưa chiến tranh vào hang ổ, sào huyệt đầu não địch ở các đô thị. Cùng lúc đó, ở nông thôn, các LLVT tại chỗ làm nòng cốt cho quần chúng nổi dậy, bằng ba mũi quân sự, chính trị, binh vận bao vây đồn bót, giải phóng nhiều xã, ấp.

Vào đợt 2, tình hình Tây Nam Bộ rất khó khăn, do quân số bị thiệt hại nặng nên không thể tiến công vào nội đô và kéo địch ra vùng nông thôn để tiêu diệt. Trong đợt 3, chiến sự ở Tây Nam Bộ diễn ra khi quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn triển khai kế hoạch bình định, lấn chiếm. Đợt này, ở mặt trận Tây Nam Bộ, hoạt động chủ yếu của ta là chống càn, đánh phản kích, bình định cấp tốc của địch.

- Ở Cần Thơ, theo kế hoạch đã định, lúc 0 giờ ngày 29-1-1968 (đúng giao thừa Tết Mậu Thân), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy và Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Cần Thơ, quân ta đã triển khai kế hoạch tấn công vào thành phố Cần Thơ theo bốn hướng do Tiểu đoàn Tây Đô, Tiểu đoàn 307, Tiểu đoàn 303 và các đơn vị vũ trang thành phố phụ trách. Các cánh quân triển khai thần tốc vượt Lộ Vòng Cung và theo nhiều hướng tiến vào chiếm lĩnh các vị trí xuất kích.

Ngay trong đêm 30 Tết, ta diệt 8 đồn ở xã Giai Xuân, quét gần hết đồn bót trên Lộ Sóng Lươn. Hai xã Mỹ Khánh, Giai Xuân căn bản được giải phóng, “mở cửa được Vòng Cung” cho các lực lượng ta vào Lộ Vòng Cung và từ đó tấn công vào thành phố Cần Thơ. Từ ngày mùng 1 đến mùng 4 Tết, lực lượng ta tấn công vào thành phố, đánh vào trung tâm đầu não của địch gồm: Tòa lãnh sự Mỹ, cơ quan tình báo Mỹ, tiểu khu Phong Dinh, nhà Nguyễn Văn Mạnh - Thiếu tướng Tư lệnh Vùng IV chiến thuật,... Sau 4 ngày chiến đấu ác liệt, quân ta tạm thời rút lui và trụ lại ở vùng ven theo Lộ Vòng Cung để củng cố lực lượng; chuẩn bị cho đợt tấn công tiếp theo.

Từ sau Tết Mậu Thân 1968, địch tăng cường lực lượng đánh phá ác liệt, dùng mọi thủ đoạn bạo tàn hòng quét sạch lực lượng cách mạng ra khỏi Lộ Vòng Cung. Ngoài quân đội, máy bay càn quét, bắn phá, địch còn dùng máy bay B52 ném bom rải thảm trong và ngoài Vòng Cung, làm cây cối trơ trụi, tiêu điều. Đây là lần đầu tiên đế quốc Mỹ sử dụng B52 tại vùng Tây Nam Bộ. Chiến sự trên tuyến Lộ Vòng Cung tiếp diễn vô cùng ác liệt và kéo dài đến tháng 5-1968 mới tạm lắng xuống. Trong thời gian này, ta với địch quần nhau, giành giật từng tấc đất, từng người dân. Đây là cuộc chiến tiêu biểu nhất ở miền Tây Nam Bộ về quy mô và tính chất ác liệt.

Trong cuộc TTC 1968 (từ tháng 2 đến 5-1968), quân dân Cần Thơ phối hợp với lực lượng Khu đã loại khỏi vòng chiến đấu 25.000 quân địch, thu 600 súng các loại; diệt và bức rút 56 đồn bót, phá hủy 288 máy bay, đánh chìm hàng chục tàu chiến; giải phóng 4 xã với 10.000 dân 1.

* Di sản để lại

Cuộc TTC 1968 có ý nghĩa lịch sử to lớn, mở ra cục diện mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta; đánh dấu sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc đế quốc Mỹ phải chuyển sang chiến lược phòng ngự trên toàn chiến trường, phải ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Hội nghị Pa-ri, chấm dứt ném bom miền Bắc không điều kiện, mở đầu thời kỳ xuống thang chiến tranh. Sự kiện này chứng minh sức mạnh của phong trào cách mạng của quần chúng và sức mạnh của chiến tranh nhân dân ở miền Nam.

Cuộc TTC 1968 là một biểu tượng sáng ngời về tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo; là một chủ trương chiến lược đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh: nghệ thuật nắm bắt thời cơ để chủ động giáng đòn quyết định, làm chuyển biến cục diện chiến tranh; nghệ thuật tiến công bằng cách đánh chiến lược mới, tạo thế bất ngờ, đưa chiến tranh vào thành thị; là nghệ thuật tổ chức, bố trí và sử dụng lực lượng “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy ít địch nhiều”, “lấy chất lượng cao thắng số lượng đông”, lấy trí tuệ của con người Việt Nam để chiến thắng vũ khí và trí tuệ của bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ.

Bài học lớn mà Cuộc TTC 1968 để lại  là khát vọng về độc lập, tự do và hòa bình cho Tổ quốc, là niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong hoạch định đường lối và chỉ đạo chiến lược, là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, là tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả.

Trên chiến trường Lộ Vòng Cung - Cần Thơ, một trong những bài học quý giá mà cuộc TTC 1968 để lại là bài học về xây dựng “thế trận lòng dân”. Mặc dù là nơi cửa ngõ của Cần Thơ, sát các cơ quan đầu não Vùng IV chiến thuật của địch nhưng nhờ nhân dân che chở, đùm bọc, các chi bộ Đảng trong và ngoài Lộ Vòng Cung vẫn có điều kiện hoạt động, bám trụ, lãnh đạo quần chúng đấu tranh với địch. Nhân dân ở Lộ Vòng Cung, dù luôn bị địch càn quét, bắt bớ, tàn sát, hủy hoại vườn tược, nhà cửa, vẫn một lòng tin tưởng Đảng, cùng với các đảng viên bám trụ, củng cố, gầy dựng phong trào, xây dựng các cơ sở bí mật đưa người và vũ khí vào nội ô để LLVT chiến đấu. Điều đó cho thấy, trong bất kỳ tình huống nào, hệ thống chính trị các cấp và LLVT cũng phải “bám dân, gần dân, sát dân”, dựa vào “thế trận lòng dân” để giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

50 năm đã qua, chiến tranh đã lùi xa nhưng tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và những bài học to lớn mà cuộc TTC 1968 để lại có giá trị như một di sản quý báu và vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

     Tuyến lộ Vòng Cung hôm nay. Ảnh: H.B

Tài liệu tham khảo

1. Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975-Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

2. Ban Chỉ đạo và Tổ chức các ngày lễ lớn tỉnh Hậu Giang, Vòng Cung Cần Thơ Xuân 1968, xuất bản năm 1992.

3. Ban Tuyên giáo Trung ương, Đề cương tuyên truyền 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

4. Ban Tuyên giáo Trung ương, Hướng dẫn số 50 – HD/BTGTW về tuyên truyền kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

5. Thành ủy Cần Thơ - Bộ Tư lệnh Quân khu 9 - Tạp chí Cộng sản, Kỷ yếu hội thảo khoa học: “Lộ Vòng Cung Cần Thơ – Vành đai lửa”, ngày 20-12-2017.

 

Chia sẻ bài viết