21/12/2009 - 09:41

Thắm đượm nghĩa tình

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Cần Thơ đã tổ chức nhiều hoạt động: mít tinh, họp mặt, về thăm lại chiến trường xưa, chăm lo gia đình chính sách... qua đó góp phần thắp sáng thêm truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tô đậm thêm nghĩa tình quân dân cá - nước...

Trong bầu không khí rộn ràng kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng tôi cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) thành phố Cần Thơ về thăm Khu di tích Giàn Gừa ở ấp Nhơn Khánh (xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền). Đường về Khu di tích xanh rợp bóng cây, không khí trong lành, mát dịu. Các thành viên trong đoàn ai cũng thích thú, cảm động khi một quần thể gừa tỏa rộng trên diện tích hơn 3.000m2 hiện ra. Những ngọn, nhánh, rễ gừa quyện chặt với nhau như cùng nương tựa vào nhau để sinh sôi nảy nở, chở che bộ đội. Chúng tôi bất chợt nhớ câu thơ “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” mà nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài thơ Việt Bắc. Nhiều cán bộ và bà con cố cựu ở địa phương kể rằng, trải qua hai thời kỳ kháng chiến, giàn gừa từng chở che cho bộ đội trước những trận càn quét khốc liệt của quân thù. Hay tin bộ đội về thăm di tích Giàn Gừa, ông Nguyễn Văn Liên, một trong những gia đình có công với cách mạng, đã dậy từ sáng sớm để đón khách. Ông kể: “Trong những năm kháng chiến, nhất là giai đoạn đầu những năm 1970, địch triển khai chiến dịch đánh phá ác liệt khu vực lộ Vòng Cung, chúng tăng cường càn quét, đốt phá nhà dân, triệt hạ cây cối, vườn tược ở những nơi nghi ta đóng quân, cách ly người dân ra khỏi vùng kháng chiến nhằm cắt đứt liên lạc giữa quần chúng với tổ chức cách mạng. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, người dân nơi đây không quản ngại hy sinh, bám đất bám làng để chở che cách mạng. Cùng với người dân địa phương, gia đình tôi đã đào hầm nuôi chứa, tiếp lương thực cho bộ đội. Giờ đón bộ đội về thăm lại di tích xưa, người dân chúng tôi còn gì vui bằng”.

Trong buổi họp mặt ấm tình quân - dân dưới Giàn Gừa rợp bóng mát, các má, các chú xúc động nhắc lại những chuyện cũ ngày kháng chiến. Qua từng câu chuyện, tôi càng hiểu sâu sắc hơn về tấm lòng của người dân ở khu di tích Giàn Gừa đối với cách mạng, với bộ đội Cụ Hồ. Đại tá Huỳnh Thanh Phương, Thành ủy viên, Chính ủy Bộ CHQS thành phố, khẳng định: “Trong thành tích chung của lực lượng vũ trang có sự đóng góp to lớn của nhân dân, nhất là nhân dân ở những vùng căn cứ kháng chiến đã đùm bọc chở che cho cán bộ, bộ đội. Giữa lúc nguy hiểm lại là lúc các cán bộ, bộ đội vững lòng nhất vì được sống giữa lòng dân, được dân tin yêu và che chở”. Không khí buổi họp mặt càng đầm ấm, thắm tình quân dân. Các đồng chí lãnh đạo Bộ CHQS thành phố, lãnh đạo các sở, ngành, các cấp dành thời gian đến thăm hỏi sức khỏe, chuyện làm ăn, tình hình sản xuất của từng gia đình chính sách. Dịp này, các đồng chí lãnh đạo gửi đến các gia đình những phần quà thay cho những lời tri ân. Nhận phần quà các đồng chí lãnh đạo vừa trao, ông Nguyễn Văn Che, ở ấp Nhơn Khánh, bày tỏ niềm phấn khởi trước sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và tình cảm quân - dân gắn bó của các cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang. Ông nói: “Chính tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của các cán bộ, chiến sĩ, các sở, ngành càng thắt chặt thêm tình quân - dân máu thịt”.

Đại tá Huỳnh Thanh Phương ân cần thăm hỏi và tặng quà cho các gia đình chính sách ở ấp
Nhơn Khánh (xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền). Ảnh: NGỌC QUYÊN. 

Chúng tôi lại cùng các y, bác sĩ của Ban Quân y, Bộ CHQS thành phố, tiếp tục “hành quân” đến chùa Sammakimes ở xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, để khám bệnh cho bà con thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo. Khác hẳn thường ngày, nét tĩnh lặng của chùa Sammakimes bị phá vỡ bởi tiếng trò chuyện râm ran của bà con. Có mặt tại chùa từ sớm, bà Trần Thị Măng, 70 tuổi, nói trong niềm vui: “Nghe chính quyền địa phương thông báo có lực lượng quân y về khám bệnh cho dân nên tôi mừng lắm. Nhà tôi cách đây gần 7 cây số, hằng ngày chỉ có một chuyến đò dọc đi về. Vì vậy, từ sáng sớm tôi đón đò ra đây chờ. Nhìn thấy các bác sĩ đem theo nhiều máy móc, thuốc men đến, tui và bà con vui trong bụng lắm...”. Không để người dân chờ lâu, các y, bác sĩ nhanh chóng bắt tay vào việc. Chỉ trong phút chốc, khuôn viên của chùa trở thành các phòng khám dã chiến. Trời càng về trưa, cái nắng càng gay gắt, mặc dù đã thấm mệt nhưng các y, bác sĩ vẫn cẩn thận khám bệnh, kê toa và tận tình hướng dẫn bà con cách uống thuốc. Để có được những buổi khám bệnh cho bà con hôm nay các y, bác sĩ Ban Quân y đã thu xếp công việc tại đơn vị, thậm chí có người tranh thủ làm thêm vào giờ nghỉ trưa, buổi tối để được tham gia cùng đồng đội. Bác sĩ trẻ Lê Văn Giác tâm sự: “Có đến những vùng ngoại thành còn nhiều khó khăn, mới hiểu hết nỗi vất vả của bà con nghèo. Vì vậy, mỗi khi đơn vị tổ chức những chuyến khám và phát thuốc miễn phí, các y, bác sĩ đều tích cực tham gia, góp sức mình chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân...”. Rời phòng khám, cầm bọc thuốc trên tay, ông Trương Văn Chơi, cứ tấm tắc khen: “Hổm rày trời trở lạnh, tôi liên tục bị đau nhức chân tay. Do không có tiền, nên tui chưa đi khám bệnh. Hôm nay được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tui mừng lắm. Các cô chú khám bệnh chu đáo, lại hướng dẫn sử dụng thuốc rất kỹ. Chắc bệnh tình của tui sẽ được thuyên giảm”. Bà con đến khám bệnh, ai cũng tỏ ra vui mừng khi trên tay có được những viên thuốc nghĩa tình đáng quí.... Khi bệnh nhân cuối cùng ra về thì trời cũng đã xế chiều. Khẽ lau vội những giọt mồ hôi còn đọng trên trán, bác sĩ Phạm Văn Bồi, Chủ nhiệm Ban Quân y, Bộ CHQS thành phố, nói: “Trong dịp này, chúng tôi sẽ kết hợp với Sở Y tế TP Cần Thơ, Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang tổ chức khám bệnh, phát thuốc cho khoảng 2.400 gia đình chính sách, gia đình nghèo tại địa bàn bốn xã Vĩnh Bình, Trường Xuân, Thạnh Phú và Giai Xuân. Qua đó, góp phần chăm sóc sức khỏe cho các gia đình chính sách, hộ nghèo...” .

Cùng các hoạt động về lại chiến trường xưa, thăm khu di tích, tặng quà gia đình chính sách... trong dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ CHQS thành phố kết hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trao hàng chục căn nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Chúng tôi đến thăm căn nhà bà Nguyễn Thị Quyền, gần 60 tuổi, ở khu vực 5, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, một trong những gia đình vừa được trao nhà tình nghĩa. Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng căn nhà còn thơm mùi vôi mới, bà xúc động nói: “Có được căn nhà rộng rãi, khang trang là mơ ước lớn nhất của tôi. Được quan tâm chăm lo như vầy, tôi mãn nguyện lắm”.

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ CHQS thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành tặng 200 phần quà cho các gia đình chính sách, khám và cấp thuốc miễn phí  cho trên 2.400 bà con thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo; bàn giao 10 căn nhà tình nghĩa.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Trường Thành, không chịu nổi cảnh ngày ngày giặc càn quét, bắt dân vô cớ, nhà cửa, trường học bị thiêu rụi, nên 17 tuổi cô gái Nguyễn Thị Quyền đã tình nguyện tham gia cách mạng tại địa phương. Năm 1969, do hoạt động bị lộ, cô thoát ly gia đình, làm cán bộ giao liên của Huyện đội Ô Môn. Hòa bình lập lại, bà Quyền công tác tại Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Ô Môn, động viên các con tích cực tham gia công tác ở địa phương. Đang nói chuyện, có tiếng í ới gọi trước cửa nhà. Té ra là bà con hàng xóm đến thăm hỏi, người gửi bà Quyền hôp bánh, người tặng gói trà, góp phần cùng bà ăn mừng nhà mới. Ánh mắt bà Quyền lóng lánh nước vì vui mừng, xúc động: “Những năm đầu mới giải phóng, do không có nhà cửa, đất đai canh tác nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Năm 1991, Nhà nước đã xét cho gia đình tôi một nền nhà, tôi dùng hết số tiền tích cóp được để cất căn nhà cây lá. Đến nay thì căn nhà đã quá xuống cấp, mưa dột nát. Trong lúc gia đình đang lo lắng không có tiền để sửa nhà, thì một lần nữa tôi được chính quyền địa phương xét cất nhà tình nghĩa. Mấy năm nay, nhờ có chính quyền địa phương hỗ trợ, khi thì khám phát thuốc miễn phí, lễ tết tặng quà, tình cảm đó tôi không thể nào quên được và cũng thật mãn nguyện trong tuổi già”.

Cũng như bà, chú Cao Văn Dũng, con liệt sĩ Cao Văn Tân, ở khu vực Hòa An A, phường Thới Hòa, quận Ô Môn, cũng rất phấn khởi pha lẫn xúc động trước căn nhà tình nghĩa vừa hoàn tất. Chú tâm sự: “Nhờ ơn Đảng, chính quyền, tui mới có được căn nhà này, đó là ước mơ lớn nhất của đời tui. Tôi không thể ngờ từ mảnh đất bị giặc đốt, phá xơ xác ngày xưa nay lại mọc lên một căn nhà đẹp như thế này, căn nhà mà tôi vẫn hằng mơ ước. Nhưng điều tôi mừng nhất là Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo cho các gia đình chính sách. Nghĩa tình đó sẽ mãi mãi thắt chặt niềm tin của người dân một lòng hướng về Đảng, cách mạng”.

***

Danh sách trên tay tôi vẫn còn dài về những hoạt động của cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố trong dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam đầy ý nghĩa này. Những hoạt động không chỉ là sự tri ân, mà còn để giáo dục cho thế hệ trẻ tình yêu quê hương đất nước, về truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, từ đó ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Khang Quyên Lam

Chia sẻ bài viết