11/12/2017 - 22:02

Thách thức và cơ hội việc làm cho sinh viên 

Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đòi hỏi lực lượng lao động phải giỏi tay nghề, có kỹ năng toàn diện và thái độ lao động tích cực. Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT&TT) Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tập trung tìm giải pháp để sinh viên có cơ hội việc làm cao, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Năng động, không ngừng tự học

Buổi tọa đàm với chủ đề “Cơ hội và thách thức của sinh viên IT  trong cuộc CMCN 4.0” do Khoa CNTT&TT, Trường ĐHCT vừa tổ chức, thu hút hàng trăm sinh viên trong và ngoài Trường ĐHCT tham dự, nêu lên những băn khoăn rất thực tế. Chỉ trong khoảng 1 giờ nhưng rất nhiều câu hỏi của sinh viên đặt ra xoay quanh thách thức của CMCN 4.0 trong vấn đề việc làm và đào tạo; các kỹ năng cần thiết; phương pháp học tiếng Anh tốt, cách rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm…

Sinh viên đặt câu hỏi với doanh nghiệp tại buổi tọa đàm “Cơ hội và thách thức của sinh viên IT trong cuộc CMCN 4.0”. Ảnh: B.KIÊN

Nguyễn Đăng Khoa, sinh viên K40, Khoa CNTT&TT, Trường ĐHCT nêu thắc mắc: “Ngoài chuyên môn, em phải học thêm những gì để đáp ứng thị trường lao động của cuộc CMCN 4.0, sau khi tốt nghiệp?”. Còn Đỗ Minh Hậu, sinh viên năm thứ 4, ngành CNTT, Trường ĐHCT, bày tỏ băn khoăn: “Khó khăn hiện nay tính ứng dụng và cập nhật của kiến thức và tính hiệu quả trong phương pháp học của sinh viên, phương pháp hướng dẫn của giảng viên. Khoa CNTT&TT có giải pháp gì để giải quyết những khó khăn này?”. Một sinh viên của Trường ĐH An Giang cho rằng, phần lớp công ty tuyển dụng IT đưa ra nhiều tiêu chí; trong đó có kỹ năng tin học, ngoại ngữ và tư duy toán học… Trong khi đó, ở trường sinh viên chưa được hướng dẫn nhiều về tư duy toán học.

Giải đáp phần nào thắc mắc, ông Lê Minh Thắng, Trưởng nhóm Phát triển phầm mềm, công ty Renesas, chia sẻ: Khi bước vào thế giới phẳng, mọi người đều được đánh giá như nhau, với tiêu chuẩn chung. Là cựu sinh viên ĐHCT, từng tham gia phỏng vấn sinh viên IT, ông Thắng nhận thấy, nhược điểm của sinh viên là thiếu sự tự tin, rụt rè trong giao tiếp. Muốn cải thiện, sinh viên phải luôn nỗ lực rèn luyện chuyên môn và kỹ năng mềm. Ông Thắng nói: “Để đáp ứng thị trường lao động trong bối cảnh CMCN 4.0, các bạn phải không ngừng học hỏi, rèn luyện để cập nhật thường xuyên thông tin, kiến thức mới. Có định hướng nghề nghiệp rõ ràng trong 5 - 10 năm tới để phấn đấu”. Anh Phạm Hoàng Nhật, Quản lý dự án của công ty DEK, cho rằng: Ở trường ĐH, sinh viên được cung cấp kiến thức nền, cơ bản về chuyên ngành CNTT. Sau khi tốt nghiệp, thực tế công việc đòi hỏi sinh viên phải tiếp tục tự đào tạo. Những sinh viên biết cách tư duy và giải quyết vấn đề sẽ làm việc hiệu quả, muốn thế phải không ngừng tự học nâng cao chuyên môn và kỹ năng mềm.

Tạo cơ hội cho sinh viên

Khoa CNTT&TT, Trường ĐH Cần Thơ là một trong 7 khoa CNTT trọng điểm của Việt Nam. Hiện nay, khoa có 77 giảng viên (trong đó có 4 PGS, 23 tiến sĩ), với khoảng 3.300 sinh viên đại học và 120 học viên cao học. Hằng năm, có khoảng 400 sinh viên tốt nghiệp, với trên 70% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Thời gian qua, Khoa CNTT&TT luôn chú trọng hợp tác với các công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT&TT. Từ năm 2013 đến nay, hằng năm, khoa tổ chức thường niên 2 sự kiện, trong đó có sự kiện Khám phá tri thức CNTT. Qua đó tạo cơ hội để doanh nghiệp chia sẻ thông tin, kiến thức về lĩnh vực CNTT cho sinh viên, giảng viên, góp phần tạo động lực nâng cao chất lượng dạy và học. Đồng thời khẳng định mối quan hệ hợp tác chiều sâu giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Ông Phan Nguyễn Mạnh, đại diện công ty Fujinet, cho biết: Khoa CNTT&TT tạo điều kiện cho sinh viên năm thứ 3, 4 thực hành thực tập tại doanh nghiệp; qua đó tiếp cận, làm quen với công nghệ mới. Bản thân sinh viên cũng tự rèn luyện chuyên môn, kỹ năng khác (ngoại ngữ, giao tiếp, làm việc nhóm). Sinh viên giỏi tay nghề, ngoại ngữ tốt, thường có việc làm với mức lương không thua kỹ sư nước ngoài.

Hiện tại, Khoa CNTT&TT đã ký kết hợp tác trao đổi sinh viên với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan. Trong nước, khoa đã ký kết hợp tác trao đổi sinh viên với trường ĐH Việt Pháp (USTH- Hà Nội). Đồng thời kết hợp với các công ty phần mềm tổ chức khóa huấn luyện tân binh (Fresher) cho một số sinh viên năm cuối… Theo PGS.TS Trần Cao Đệ, Trưởng Khoa CNTT&TT, Trường ĐHCT: Khoa có vai trò nòng cốt trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho ĐBSCL và khu vực phía Nam. Khoa đang nỗ lực xây dựng chất lượng đào tạo theo các chuẩn mực của các trường đại học tiên tiến và tuân thủ các tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục trong khu vực và thế giới.

Các năm qua, khoa đã thực hiện tự kiểm định các chương trình đào tạo theo chuẩn AUN, tự kiểm định một chương trình theo chuẩn ABET và đang tiếp tục quy trình thực hiện kiểm định ngoài (do đơn vị khác đánh giá) chương trình này. PGS.TS Trần Cao Đệ nói: Trước sự phát triển của cuộc CMCN 4.0, khoa sẽ tăng cường hợp tác cùng các doanh nghiệp để cải tiến chương trình đào tạo, xây dựng các chương trình chất lượng cao nhằm đáp ứng tốt thị trường lao động. Đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp về chất xám lẫn tài lực, thông qua học bổng khuyến học, khuyến tài…

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết