17/10/2018 - 20:36

Thách thức cho tân HLV trưởng Monaco 

Kể từ 15-10, huyền thoại Thierry Henry chính thức dẫn dắt CLB Monaco, thay thế Leonardo Jardim vừa bị sa thải. Tuy nhiên, nhiệm vụ của tân thuyền trưởng 41 tuổi không đơn thuần là trục vớt con tàu đắm.

Thierry Henry, khi là cầu thủ có biệt danh “Đứa con của Thần gió”, từng khoác áo Monaco giai đoạn 1994-1999, ra sân tổng cộng 141 trận ở mọi đấu trường, trong đó 1 lần vô địch giải quốc nội năm 1997. Ảnh: Foot01

Trước khi về Monaco, Henry làm trợ lý cho Roberto Martinez tại đội tuyển Bỉ từ năm 2016 và chưa bao giờ ngồi ghế HLV trưởng tại bất cứ CLB nào. Hợp đồng dẫn dắt Monaco 3 năm chỉ đến sau khi kế hoạch dẫn dắt hai CLB Bordeaux và Aston Villa của cựu tiền đạo Arsenal lần lượt đổ vỡ 1 tháng trước đó. Henry đến với Monaco trong bối cảnh đội bóng Công quốc khởi đầu mùa giải mới với thành tích tệ hại, thua cả 3 trận tại UEFA Champions League (UCL) và Siêu cúp nước Pháp. Còn ở giải vô địch quốc gia Ligue 1, họ chỉ thắng 1 trận sau 9 vòng đấu, rớt xuống vị trí 18/20.

Tại Ligue 1 mùa giải này, các trận đấu của Monaco trên sân nhà Stade Louis- II thường có trung bình 8.800 khán giả. Con số này ở mùa giải 2017-2018 và 2016-2017 (Monaco đăng quang) lần lượt là 9.243 và 9.428. Số lượng khán giả đến sân thấp không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu bán vé mà còn cả chuyện thu hút tài trợ. Ba mùa bóng gần đây cho thấy Monaco phụ thuộc rất nhiều vào “bầu sữa” bản quyền truyền hình và lợi nhuận từ các vụ chuyển nhượng cầu thủ. Cụ thể, bản quyền truyền hình chiếm gần 70% thu nhập của đội chủ sân Stade Louis-II, còn “tiền lời” kiếm được sau khi bán cầu thủ là 167 triệu Euro.

Thật ra, Monaco từng là “mỏ vàng” với nhiều tài năng bóng đá. Mùa giải 2013-2014, Chủ tịch CLB Dmitry Rybolovlev làm dậy sóng thị trường chuyển nhượng thế giới khi bỏ ra hàng trăm triệu Euro mua về những ngôi sao mới nổi và thậm chí ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, bao gồm Radamel Falcao, James Rodriguez, Dimitar Berbatov và Sergio Romero. Đi kèm với tiền chuyển nhượng kỷ lục là mức lương “khủng” mà khó cầu thủ nào có thể chối từ. Mùa giải đó, Monaco chỉ về đích thứ 2 tại Ligue 1. Canh bạc của ông chủ người Nga phản tác dụng và thậm chí kết thúc bằng cuộc điều tra của UEFA về vi phạm luật Công bằng Tài chính (FFP). Kết quả là Monaco bị trừng phạt, để rồi phải trở về với truyền thống đào tạo và bán cầu thủ tài năng của mình.

Thế mới có chuyện những “viên ngọc thô” như Kylian Mbappe, Thomas Lemar, Benjamin Mendy, Bernardo Silva hay Fabinho sau khi được “mài giũa” đều lần lượt rời Monaco để cập bến mới. Qua đó, CLB này cũng nổi danh là địa chỉ trung chuyển các ngôi sao đến những đội bóng lớn. Tuy vậy, bán đi quá nhiều cầu thủ trụ cột đã ảnh hưởng đáng kể đến thành tích của Monaco, mà rõ nhất là mùa giải này.

Nếu không cải thiện thành tích và điểm số (hiện chỉ có 6 điểm), đội bóng của cựu tuyển thủ Pháp không thể leo lên vị trí cao hơn trên bảng xếp hạng Ligue 1 để có vé dự UCL mùa tới. Mất suất UCL đồng nghĩa thu nhập của đội bóng sụt giảm, trong khi thế hệ các ngôi sao tiềm năng cũng thiếu sân chơi tầm cỡ để thể hiện. Khi đó, các cầu thủ cũng bị “rớt giá” trên thị trường chuyển nhượng. Henry phải tìm cách khởi động danh tiếng chiêu mộ tân binh của Monaco, nhưng quan trọng là giữ chân được những trụ cột chính.

BÌNH DƯƠNG (Theo Forbes, NY Times)

Chia sẻ bài viết