10/01/2011 - 09:09

Tết sinh viên trúng mùa làm thêm

Không ít sinh viên (SV) các trường cao đẳng, đại học tranh thủ thời gian ngoài lịch học đi làm thêm: nhân viên chạy bàn quán ăn, quán cà phê, bán quần áo, giúp việc nhà... Nhất là mùa giáp Tết này, SV tìm được nhiều việc làm thêm hơn ở các cơ sở kinh doanh - dịch vụ. Các bạn tự kiếm tiền để dành cho việc học hay sắm sửa quần áo, quà Tết cho gia đình song song với việc tích lũy kinh nghiệm...

* Thử sức

Bạn Lê Thị Tố Quyên, SV năm thứ tư lớp Du lịch A2, Trường Đại học Cần Thơ, hớn hở khoe: “Từ cuối tháng 11-2010 em được nghỉ học 1 tháng nên nhận việc làm thêm nhiều hơn để kiếm tiền mua đồ Tết và quà về cho gia đình. Trong tháng này, em được trả lương gần 3 triệu đồng”. Tố Quyên làm cộng tác viên cho các công ty du lịch ở TP Cần Thơ từ năm thứ hai đại học. Công việc chủ yếu là hướng dẫn khách du lịch đến tham quan 2 chợ nổi Cái Răng và Phong Điền, khu du lịch Mỹ Khánh... Mỗi chuyến đi, cô được công ty du lịch trả thù lao từ 60.000 đến 80.000 đồng. Tuy kinh tế gia đình không khó khăn nhưng Quyên vẫn thích đi làm thêm. Tố Quyên tâm sự: “Làm cộng tác viên du lịch là cơ hội để em rèn luyện kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh với du khách nước ngoài và có kinh nghiệm để dễ xin việc làm khi ra trường. Dịp Tết, nếu được các công ty du lịch mời tham gia, em sẽ nhận lời và như vậy sẽ không về quê ở Sóc Trăng mà ở lại Cần Thơ ăn Tết”. Lịch làm thêm dày đặc nhưng Tố Quyên không sao lãng việc học. Năm thứ nhất, cô đạt danh hiệu SV giỏi, từ năm thứ hai đại học đến nay là SV xuất sắc, nhận được học bổng của trường (vào mỗi học kỳ), học bổng Lương Định Của của Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng... Trước đây, Tố Quyên là học sinh giỏi của Trường THPT Trần Văn Bảy, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng.

 Sinh viên Đỗ Hoàng Long (đứng bên phải, vị trí thứ 2) đang làm vệ sinh văn phòng.

Đến một quán ăn gia đình trên đường Nguyễn Văn Linh, quận Ninh Kiều, chúng tôi tình cờ biết bạn Mai Thị Trang, SV năm thứ ba lớp Luật Thương mại, Trường Đại học Cần Thơ, đang làm thêm ở đây. Trang vui vẻ cho biết: “Được nghỉ học 1 tháng, em đến đây xin chạy bàn từ 16 giờ đến 22 giờ mỗi ngày. Em mới lãnh lương được hơn 700.000 đồng. Em sẽ dùng số tiền này mua giáo trình học tập và sắm quần áo Tết. Vậy là Tết này khỏi xin tiền gia đình rồi!”. Vốn sinh ra trong một gia đình khá giả ở xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, Trang chưa từng lao động cực nhọc nên Trang muốn đi làm thêm để trau dồi kỹ năng giao tiếp. Những năm học vừa qua, Trang luôn đạt danh hiệu SV giỏi và xuất sắc và được nhận học bổng mỗi học kỳ của trường. Cũng tại quán ăn Trang đang làm, chúng tôi làm quen với một nhân viên bảo vệ - bạn Ngô Hoàng Lộc, SV năm thứ nhất lớp Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ. Lộc cho biết: “Mỗi tháng em nhận lương 1,2 triệu đồng, được bao ăn chiều, nếu tăng ca được trả thêm mỗi giờ 5.000 đồng”. Quê của Lộc ở xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Cuộc sống gia đình không khó khăn, nhưng Lộc đi làm thêm vì thích được tự lập.

Còn với bạn Nguyễn Thị Ngọc Diễn, SV năm thứ ba lớp Sư phạm Sinh kỹ thuật nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ, có chuyến đi làm thêm ở huyện Tam Nông và thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp từ đầu tháng 1 này. Diễn được một công ty có trụ sở ở đường Trần Văn Khéo, quận Ninh Kiều, nhận làm nhân viên hỗ trợ các quầy hàng hội chợ. Mỗi ngày, Diễn nhận tiền lương 150.000 đồng và hỗ trợ tiền ăn 50.000 đồng. Diễn tươi cười nói: “Làm thêm 2 ngày em lãnh được gần 500.000 đồng. Em sẽ mua quà cho gia đình, chắc là cha mẹ rất thích”. Hai năm đầu đại học, Diễn thử qua nhiều việc làm thêm: nhân viên bán hàng mỹ phẩm, chạy bàn quán cà phê... Sang năm thứ ba, lịch học nhiều (Diễn học thêm ngành hai - đại học Tài chính ngân hàng) nên cô bớt việc làm thêm, tập trung cho việc học.

Đối với SV Trần Thị Huệ, lớp Văn học 4B, Trường Đại học Tây Đô: “Em đi làm thêm để dành tiền bỏ ống heo, mỗi ngày bỏ ống ít nhất 5.000 đồng, đúng 1 năm mới khui. Tết này em lấy tiền khui ống để đi du lịch”. Huệ đang làm công cho một quầy bán quần áo ở chợ An Bình, mỗi ngày làm việc từ 15 giờ đến 22 giờ, được trả công 30.000 đồng. Ít ai biết được Huệ là con gái của một gia đình khá giả ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Cô rất thích đi làm thêm, hết việc này lại bắt sang công việc khác. 2 năm nay, Huệ đi làm nhiều việc: nhân viên bán hàng mỹ phẩm, quản lý tiệm Internet, dạy kèm... Huệ dành tiền làm thêm để tự trang trải sinh hoạt và mua quà tặng cha mẹ.

* Học đi đôi với hành

Bà Phạm Thị Thanh Lan, Giám đốc Công ty Dịch vụ và Địa ốc Đất Phương Nam (ở quận Ninh Kiều), cho biết: “Bình quân mỗi năm Công ty có khoảng 200 sinh viên tham gia làm “oshin”, nhưng đến đầu tháng 1 năm nay đã có khoảng 300 sinh viên. Bình thường mỗi ngày có khoảng 70 sinh viên trực tiếp làm dịch vụ “Oshin thời đại”, nhưng từ tháng 12-2010 đến nay, mỗi ngày có trên 100 sinh viên đi làm. Do sắp đến Tết Nguyên đán nên khách hàng thuê làm việc nhiều hơn”. Các SV tham gia dịch vụ này sẽ làm các công việc như: làm sạch các xưởng sản xuất, văn phòng, nhà ở, lau chùi cửa kính, tổng vệ sinh các công trình sau xây dựng... Trước khi làm việc, SV được công ty tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng sử dụng máy móc, giao tiếp với khách hàng. Đầu tuần, sinh viên đến công ty đăng ký ngày làm, để lại số điện thoại, khi có việc cần thì giám sát của công ty gọi. Mỗi ngày làm việc 8 giờ, SV được trả lương từ 60.000-70.000 đồng và được thưởng thêm tiền làm đạt chuẩn, nếu đi xa có tiền xăng, bao ăn trưa.

Bạn Đỗ Hoàng Long, SV năm cuối lớp Cơ khí chế tạo máy, Trường Đại học Cần Thơ, làm việc tại dịch vụ “Oshin thời đại”, cho biết: “Mỗi ngày làm việc em được trả công 70.000 đồng, bao ăn trưa. Công việc thường làm của em là dọn dẹp vệ sinh văn phòng, nhà cửa, di dời các công trình sau xây dựng...”. Hoàn cảnh gia đình khá khó khăn, cha mẹ làm 2 công ruộng, nuôi hai anh em Long ăn học (em trai Long đang là SV năm thứ hai, Trường Đại học Cần Thơ). Thấy cha mẹ quá vất vả lo cho hai anh em nên Long quyết định đi làm thêm. Với những công việc tương tự, Nguyễn Văn Mộng, SV lớp Thú y, Trường Đại học Tại chức Cần Thơ, mỗi tuần nhận việc 3-4 ngày. Mộng là con thứ tám trong gia đình có 9 anh chị em ở xã Phú Tân, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau và cũng gặp khó khăn về kinh tế. Mỗi tháng gia đình gởi cho Mộng 800.000 đồng, trong đó đóng tiền trọ hết 400.000 đồng. Để gia đình không phải nặng lo cho mình, Mộng làm thêm cho dịch vụ “Oshin thời đại” được hơn 1 năm nay.

Chị Trần Thị Mỹ Hồng, giám sát công trình của dịch vụ “Oshin thời đại”, cho biết: “Nhiều khách hàng rất thích thái độ làm việc lịch thiệp, nhã nhặn, có ý thức trách nhiệm cao của sinh viên. Đôi lúc các bạn còn được khách thưởng thêm tiền. Sinh viên chịu khó đi làm thêm là điều rất đáng quý. Đây là hành trang để sau này các bạn quen với môi trường làm việc của xã hội”.

Bài, ảnh: LÊ NGỌC

Chia sẻ bài viết