08/02/2010 - 22:27

Tea Party làm gì ở Mỹ?

- Quang cảnh đại hội của Tea Party chẳng khác một “Tiệc Trà”. Ảnh: AP

Các phương tiện truyền thông của Mỹ và phương Tây ngày 7-2 đưa tin, Tea Party vừa kết thúc kỳ họp 3 ngày tại khách sạn Opryland sang trọng của thành phố Nashville thuộc tiểu bang Tennessee của Mỹ. Đây được coi là đại hội đầu tiên của Tea Party sau một năm thành lập. Trong phiên bế mạc, người ta thấy có cả sự xuất hiện của cựu ứng cử viên Phó tổng thống của đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2008, bà Sarah Palin, thông báo bà đang xem xét khả năng ra tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2012…

Theo hãng tin Anh BBC, thành viên của Tea Party đến từ khắp nơi trên đất Mỹ như Hawaii, Maine và Texas, nhưng đa số là người da trắng, có tư tưởng bảo thủ, vốn bất đồng với các chính sách chi tiêu và điều hành của chính phủ, sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể để bảo vệ lợi ích của bản thân họ. Đại hội vừa diễn ra của Tea Party có khoảng 300 người tham gia, thấp hơn dự kiến ban đầu là 600 đại biểu. Theo BBC, sở dĩ nhiều người bỏ cuộc vì chẳng kham nổi khoản “lệ phí” gây quỹ lên tới 550 USD/người, chưa kể các khoản chi phí đi lại, lưu trú. Mục đích của đại hội là bàn luận, chọn ra một vị thủ lĩnh mới và những thành viên lãnh đạo có khả năng ứng cử vào quốc hội lưỡng viện Mỹ trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, Tea Party đã cho thấy họ chỉ là một nhóm lỏng lẻo, tập hợp những người đến dự “Tiệc Trà” cho vui hơn là hoạt động của một đảng phái đúng nghĩa.

Được thành lập cách đây một năm từ cư dân mạng xã hội qua Internet, Tea Party tuyên bố theo đường lối của Boston Tea Party, một phong trào ra đời năm 1773 nhằm phản đối chính sách áp đặt thuế của thực dân Anh tại Mỹ. Trong hoàn cảnh hiện tại, Tea Party chủ trương hạn chế quyền hành và cắt giảm chi tiêu công của chính phủ. Tea Party phản đối nhiều chính sách của Tổng thống Barack Obama, trong đó có gói kích thích kinh tế trị giá 787 tỉ USD và dự luật cải cách y tế.

Những người sáng lập Tea Party tuyên bố không ủng hộ đảng Cộng hòa hay Dân chủ, và cũng chẳng phải là một đảng độc lập. Họ nói họ đại diện cho những người trung lập, phi đảng phái. Thế nhưng, nhiều thành viên chủ chốt của Tea Party có quan điểm bảo thủ, từng là thành viên của đảng Cộng hòa. Họ chủ trương chống dân nhập cư và có tư tưởng phân biệt chủng tộc. Điều đó giải thích vì sao các thành viên của Tea Party đã không bỏ phiếu ủng hộ ông Obama, một người Mỹ gốc châu Phi trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008. Và trong việc ông Scott Brown đắc cử Thượng Nghị sĩ ở Massachusetts vừa qua, chính Tea Party đã vận động cử tri hậu thuẫn cho ứng cử viên Cộng hòa.

Mối quan hệ gần gũi giữa Tea Party và đảng Cộng hòa càng lộ diện rõ hơn khi các nhà tổ chức đã mời bà Sarah Palin, cựu ứng cử viên phó tổng thống năm 2008 của đảng Cộng hòa, đến diễn thuyết trong ngày cuối cùng của đại hội với số tiền thù lao lên tới cả trăm nghìn USD. Sarah Palin đã lên án chính sách của Tổng thống Obama và tuyên bố sẽ ra tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2012, nếu Tổng thống Obama “không thay đổi một cách triệt để” các chính sách đó.

PHÚC KIẾN (Theo BBC, WSJ, Lexpress)

Chia sẻ bài viết