03/03/2013 - 17:30

Đồng bằng sông Cửu Long

Tất bật chống hạn, xâm nhập mặn

Hiện toàn bộ hệ thống cống ngăn mặn ở Trà Vinh đã được đóng kín để trữ ngọt, bảo vệ an toàn cho vụ lúa đông xuân. 

Hạn hán, đặc biệt là xâm nhập mặn bắt đầu diễn ra gay gắt ở ĐBSCL, tác động lớn đến đời sống và sản xuất của người dân. Lo ngại nhất là tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt; nhiều diện tích lúa đông xuân, vườn cây ăn trái đặc sản bị đe dọa năng suất. Các địa phương ở ĐBSCL đang khẩn cấp triển khai các giải pháp phòng chống.    

* Thiếu nước ngọt nghiêm trọng

Năm nay, ĐBSCL xuất hiện tình trạng mặn xâm nhập rất bất thường - sớm và sâu vào nội đồng. Điển hình là tỉnh Bến Tre, thông thường đến đầu tháng 5, mặn mới bao phủ cả tỉnh. Nhưng nay, mới cuối tháng 2, mặn xâm nhập rất phức tạp. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, đến ngày 28-2, ranh mặn 1‰ trên 3 sông lớn là Hàm Luông, Cửa Đại và Cổ Chiên vào sâu trong đất liền từ 57-68km. Gần như toàn bộ “đảo dừa” chìm trong nước mặn. Hiện tại, ranh mặn 4‰  trên sông Hàm Luông đã và sâu 50km; đặc biệt mặn 1-3‰ trên sông Hàm Luông tiến đến vương quốc trái cây đặc sản, hoa kiểng-cây giống Chợ Lách. Trên sông Cửa Đại mặn 4‰ vào sâu gần 50km, đến xã Quới Sơn – Tân Thạch thuộc huyện Châu Thành; ở sông Cổ Chiên mặn 4‰ vào tận xã Nhuận Phú Tân – Hưng Khánh Trung (khoảng 55 – 60 km).

Người dân nhiều địa phương ở Bến Tre đang phải dùng nước máy nhiễm mặn. Một số nơi còn nước ngọt thì giá đắt đỏ. Ông Trần Văn Năm ở thị trấn Ba Tri (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), cho biết: “Nước máy bị nhiễm mặn. Ở đây có hơn 10 xe bồn chở nước ngọt từ các giếng đổi cho bà con đang chạy hết công suất. Tùy quãng đường vận chuyển giá nước ngọt từ 30.000-70.000 đồng/m3”. Người dân sinh sống ở các xã: Vĩnh Hòa, An Hiệp, Tân Xuân, An Đức, Bảo Thạnh, Bảo Thuận… không có giếng nước ngọt thì phải đến thị trấn Ba Tri đổi nước về xài… Trên địa bàn huyện Ba Tri có Nhà máy nước sạch Tân Mỹ, công suất 320 m3/giờ, phục vụ cho cư dân 13 xã, thị trấn, với khoảng 8.000 hộ cũng đã bị nhiễm mặn và nhiều khả năng sẽ vượt mức 1‰ vì tình trạng xâm nhập mặn còn diễn biến gay gắt. Cùng cảnh khó, người dân các xã Thạnh Trị, Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước... thuộc huyện Bình Đại đang “khát” nước ngọt trên diện rộng. Nhà máy nước thô ở xã Thạnh Trị lấy nước từ sông Ba Lai về phục vụ cho hơn 1.000 hộ dân các xã Thạnh Trị, Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước… nhưng vẫn không đảm bảo vì sông Ba Lai đã bị nước mặn tấn công. Nhà máy nước tư nhân Trung Thành công suất 150 m3/giờ, phục vụ hơn 4.400 hộ dân thị trấn Bình Đại và một số hộ xã lân cận với giá nước sạch 10.000 đồng/m3 nhưng không đáp ứng nổi nhu cầu của người dân.

* Khẩn cấp ngăn mặn cứu lúa, vườn cây đặc sản

Nhiều diện tích lúa đông xuân 2012 – 2013 ở các địa phương đang bị mặn đe dọa nghiêm trọng. Toàn huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh có khoảng 12.400ha lúa đông xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng. Do mặn xâm nhập xuất hiện sớm hơn so với các năm trước nên chính quyền địa phương đã đóng tất cả các cống đầu mối như La Bang, Trà Kha, Hàm Giang, Trà Cú, Mù U, Vàm Buôn, Bắc Trang để trữ nước ngọt phục vụ sản xuất. Ông Nguyễn Văn Kệ, cán bộ Phòng Quản lý khai thác thủy lợi (Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý Khai thác Công trình Thủy lợi tỉnh Trà Vinh), cho biết: “Từ tháng 12-2012, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh chỉ đạo các cơ quan trực thuộc khẩn trương triển khai kế hoạch phòng, chống mặn. Hiện toàn bộ các cống đã được đóng và kiểm soát, đo độ mặn hằng ngày. Cuối tháng 2, độ mặn đo được tại các cống cao nhất dao động từ 5-12‰, nặng nhất là cống Bến Chùa (huyện Cầu Ngang), cống Vàm Trà Vinh (TP Trà Vinh), cống Vàm Cầu Quang (huyện Cầu Quang) và cống Cần Chông (huyện Tiểu Cần). Độ mặn hiện nay cao hơn từ 2 - 5‰ so với cùng thời điểm năm trước. Điều đáng lo nhất hiện nay là trên địa bàn huyện Trà Cú và Cầu Ngang còn nhiều diện tích sản xuất lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh do dân tự ý xuống giống, khó có nguồn nước ngọt phục vụ khi vào đỉnh điểm hạn mặn”.

Tỉnh Bến Tre hiện có khoảng 21.000ha lúa đông xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh tập trung tại các huyện Thạnh Phú, Bình Đại, Ba Tri cần được bảo vệ. Lo ngại lớn nhất là hệ thống cống đập, công trình thủy lợi ở các địa phương này chưa được đầu tư khép kín, nước mặn có điều kiện xâm nhập vào vùng ngọt hóa. Trước tình hình này, Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và đề nghị UBND các huyện bám sát diễn biến của nước mặn xâm nhập để kịp thời vận hành các công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt hợp lý; đảm bảo cung cấp nước tưới cho lúa và hoa màu. Khuyến cáo người dân các vùng chưa có đê bao trữ ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, cho biết: “Ngành nông nghiệp cùng nông dân trong huyện đang khẩn trương triển khai các biện pháp chóng chống, bảo vệ an toàn cho 9.845ha vườn cây ăn trái đặc sản và vườn ươm cây giống, hoa kiểng. Trong đó, có 4.000ha ở các xã Phú Sơn, Vĩnh Hải, Hưng Khánh Trung, Vĩnh Thành... có nguy cơ cao... Hiện tại, ngoài đập Bến Bè đang gấp rút hoàn tất, toàn bộ hệ thống cống đập ngăn mặn trên địa bàn huyện đang được nâng cấp, gia cố và đóng lại để trữ nước ngọt đảm bảo phục vụ sản xuất...”.

Nước mặn theo sông Cái Lớn qua khỏi địa bàn tỉnh Kiên Giang đã xâm nhập tới nhiều địa phương ở huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, đe dọa hàng ngàn ha lúa đông xuân. UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương có phương án sẵn sàng ứng phó. Đặc biệt, chú trọng giải pháp khẩn trương đắp các đập thời vụ và đóng các cống ngăn mặn trên các tuyến đê thuộc dự án Ô Môn-Xà No và dọc sông Cái Lớn... Trong khi đó, tỉnh Kiên Giang đã cho đóng toàn bộ hệ thống 27 cống ngăn mặn để bảo vệ hàng trăm ngàn ha lúa đông xuân ở vùng tứ giác Long Xuyên.

Bài, ảnh: Thanh Huy

Chia sẻ bài viết