03/09/2018 - 15:43

Tập trung giúp bậc học mầm non vượt khó

Thiếu trường lớp, giáo viên bậc học mầm non - đó luôn là nỗi lo của quận, huyện ở TP Cần Thơ vào đầu năm học mới. Tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 của giáo dục mầm non TP Cần Thơ vừa qua, những người làm công tác giáo dục cho biết đang thực thi nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này, đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ.

Các bé Trường Mầm non Tuổi Ngọc đang chơi trò nấu ăn. Ảnh: NGỌC NGÂN

Nhiều năm qua, ngành giáo dục TP Cần Thơ và các quận huyện luôn nỗ lực đầu tư cho bậc học mầm non. Năm học 2016-2017, ngành giáo dục thành phố tham mưu UBND TP Cần Thơ hỗ trợ 8 bộ đồ chơi cho 8 nhóm trẻ độc lập ở khu công nghiệp, khu chế xuất, trị giá gần 600 triệu đồng. Năm học 2017-2018, hỗ trợ 4 bộ đồ chơi cho 4 nhóm trẻ độc lập ở khu công nghiệp, khu chế xuất, với kinh phí 320 triệu đồng. Quan trọng hơn là đầu tư xây dựng mới một số điểm trường theo hướng chuẩn hóa. Theo cô Thiệu Thị Kim Chi, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ, quy mô trường lớp ngày càng được mở rộng, khang trang. Năm học 2017-2018, thành phố công nhận 7 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số 101 trường đạt chuẩn mầm non của thành phố đạt chuẩn, tỷ lệ 55,8%. Thành phố có 5.644 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên bậc học mầm non; trong đó có 3.707 giáo viên (hơn 97% đạt chuẩn). Năm học 2017-2018, giáo dục mầm non có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được nâng lên, có 100% trường, nhà trẻ thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Tất cả 85 xã, phường, thị trấn của thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Tuy nhiên, giáo dục mầm non hiện vẫn đối mặt một số khó khăn. Thành phố còn 3 trường mầm non, mẫu giáo ở 3 quận, huyện (Cái Răng, Phong Điền, Vĩnh Thạnh) chưa có hiệu trưởng; một số địa phương chưa chú trọng công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ quản lý, giáo viên mầm non ở các cơ sở mầm non ngoài công lập; định biên giáo viên trên nhóm, lớp chưa đảm bảo đúng quy định… Theo bà Nguyễn Thị Huệ, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cờ Đỏ, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp còn thấp, nhưng huyện vẫn thiếu 32 biên chế giáo viên. Tương tự, huyện Vĩnh Thạnh đang trong tình trạng thiếu 79 giáo viên mầm non. Theo bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy, khó khăn của quận là thiếu giáo viên ở cơ sở mầm non ngoài công lập. 

Những khó khăn trên đã được các địa phương giải quyết bằng nhiều biện pháp linh động, uyển chuyển. Năm học 2018-2019, huyện Cờ Đỏ tạm thời cho các trường hợp đồng giáo viên để có thể đảm bảo hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ. Còn ông Nguyễn Văn Liếng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Để khắc phục khó khăn chuyện thiếu giáo viên, từ năm học 2017-2018 ngành hợp đồng giáo viên có trình độ chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy. Năm 2018-2019, được sự cho phép ngành giáo dục thành phố, ngành giáo dục huyện tiếp tục chủ động hợp đồng với giáo viên mầm non, với 2 đợt tuyển (40-50 giáo viên) giáo viên hợp đồng. Còn ở Bình Thủy, ngành mạnh dạn sắp xếp lại mạng lưới trường lớp bậc học mầm non, phân cấp sâu để các trường phát triển.

Năm học mới, giáo dục mầm non TP Cần Thơ sẽ nỗ lực thực hiện hiệu quả 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp trọng tâm của ngành. Trong đó đẩy mạnh phát triển trường lớp; nâng cao chất lượng hoạt động, triển khai hiệu quả Trường Điển hình đổi mới ở 4 trường trong năm 2018. Bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, chỉ đạo: Các đơn vị phải nỗ lực huy động trẻ ra lớp, đảm bảo an toàn cho trẻ về thể chất, tinh thần; tăng tỷ lệ trẻ học bán trú, kể cả trẻ ngoài công lập. Đội ngũ giáo viên phải đạt chuẩn; nếu giáo viên hợp đồng không đạt chuẩn, đơn vị phải dừng hợp đồng, giáo viên trong biên chế không đạt chuẩn phải điều chuyển sang nhiệm vụ khác.

NGỌC NGÂN

Chia sẻ bài viết