27/02/2010 - 09:31

KỶ NIỆM 55 NĂM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27/2/1955 - 27/2/2010)

Tập trung dồn sức làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe người dân

Năm 2010 là năm cuối của kế hoạch 5 năm (từ năm 2006-1010), nhiều chính sách lớn của Nhà nước liên quan trực tiếp đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân đã đi vào thực tiễn, phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2010) phóng viên báo Cần Thơ ghi nhận ý kiến của ông Lê Hùng Dũng, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ và Tiến sĩ bác sĩ Đặng Quang Tâm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (đơn vị trực thuộc Bộ Y tế) về những điểm mới trong chiến lược phát triển sự nghiệp y tế của địa phương, đơn vị.

* Ông Lê Hùng Dũng, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ: Phát huy xã hội hóa để phát triển sự nghiệp y tế thành phố

Năm 2009, ngành Y tế thành phố đã cố gắng giải quyết các vấn đề nổi lên của y tế cơ sở, như sự quá tải và chất lượng điều trị của các bệnh viện, của công tác bảo hiểm y tế, khống chế và giải quyết tình trạng phát sinh dịch bệnh không có ca mắc cúm A H5N1, tả, bạch hầu, uốn ván sơ sinh. Đặc biệt là khống chế được sự lây lan của dịch cúm A H1N1. Phối hợp với các ban, ngành đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm trên lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm,... So với 15 chỉ tiêu mà Chính phủ giao cho ngành Y tế cả nước thì TP Cần Thơ đã đạt được 14 chỉ tiêu (chỉ tiêu chưa đạt là số giường bệnh/vạn dân).

Năm 2010 là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm (từ năm 2006-2010), ngành y tế thành phố cố gắng hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu của chương trình y tế quốc gia nhằm tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo. Ngành y tế thành phố sẽ phát huy tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế, Thường trực UBND thành phố về các vấn đề: Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Xác định công tác y tế dự phòng là mũi nhọn để kiểm soát dịch bệnh bằng giải pháp phát huy vai trò nòng cốt của y tế cơ sở kết hợp với các đoàn thể quần chúng ở địa phương để thực hiện hệ thống cảnh báo dịch và xử lý sớm ổ dịch (đặc biệt là các bệnh dịch nguy hiểm như:SARS, cúm A H5N1, cúm A (H1N1), tả, sốt xuất huyết); hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong. Chú trọng 2 dự án thuộc chương trình mục tiêu y tế quốc gia mới triển khai là Phòng chống bệnh đái tháo đường và bệnh tăng huyết áp. Xem lĩnh vực y tế học đường là chiến lược chăm sóc sức khỏe cho thế hệ rường cột của đất nước, thời gian qua thành phố thực hiện công tác này còn mang tính phong trào, năm nay sẽ phối hợp với ngành giáo dục đưa tiêu chí hướng dẫn học sinh phòng tránh các bệnh học đường như cong vẹo cột sống, cận thị vào tiêu chí thi đua của các trường chuẩn Quốc gia để nhân rộng mô hình giáo dục sức khỏe cho học sinh tự độ tuổi mầm non. TP Cần Thơ đã có hệ thống khu công nghiệp, lực lượng công nhân lao động phát triển ngày càng nhiều nhưng công tác chăm sóc sức khỏe cho công nhân tại các khu công nghiệp còn thiếu và yếu. Ngành y tế sẽ tích cực phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố và các cơ quan chức năng tích cực hỗ trợ các khu công nghiệp xây dựng trạm y tế, có đủ y, bác sĩ để vừa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho công nhân, vừa thực hiện công tác tuyên truyền hướng dẫn công nhân chủ động chăm sóc sức khỏe cho bản thân, phòng tránh bệnh nghề nghiệp.

Để làm tốt các mục tiêu này, ngành y tế thành phố sẽ phát huy giải pháp xã hội hóa y tế, trên cơ sở vừa sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí được cấp, vừa tranh thủ các chương trình viện trợ liên kết hợp tác để đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại cho các bệnh viện, đồng thời, tranh thủ các chương trình liên kết đào tạo chuyển giao khoa học kỹ thuật của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ và các viện, trường trong và ngoài nước để đào tạo bổ sung nguồn bác sĩ cho y tế cơ sở, đào tạo sau đại học cho lực lượng bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện. Chú trọng công tác giáo dục đạo đức tư tưởng cho đội ngũ y, bác sĩ, đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ, xây dựng môi trường làm việc khoa học - chuẩn xác - đoàn kết để nâng cao chất lượng điều trị, giảm phiền hà cho bệnh nhân và thân nhân. Đổi mới tư duy quản lý trong lực lượng cán bộ lãnh đạo, phát huy hiệu quả công tác quản lý tài chính theo Nghị định 43 của Chính phủ, công tác quản lý tài chính phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng nhân viên y tế lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế. Đồng thời, thực hiện đúng và đầy đủ các chế độ dành cho y bác sĩ, khuyến khích y bác sĩ tham gia phong trào nghiên cứu khoa học do đơn vị phát động theo tinh thần không ngừng học tập để kịp thời nắm bắt các tiến bộ trong nền y học của thế giới, nâng cao chất lượng điều trị tại cơ sở. Củng cố hệ thống thanh tra y tế chuyên trách, thanh tra y tế kiêm nhiệm và thực hiện giải pháp sổ tay thanh tra theo từng lĩnh vực để phục vụ cho công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống tham nhũng và chống lãng phí, tiết kiệm dần dần đạt mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ trong hệ thống y tế công lập và kiểm soát chặt chẽ hoạt động của hệ thống phòng mạch tư, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y như từ mẫu”...

* Tiến sĩ bác sĩ Đặng Quang Tâm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ: Nỗ lực làm tốt vai trò bệnh viện trung tâm ĐBSCL

Bệnh viện Đa khoa Trung ương (BVĐKTƯ) Cần Thơ hiện có 600 giường bệnh, nhưng bệnh viện phải kê thêm 150 giường vì lượng bệnh nhân điều trị nội trú luôn ở mức trên 700 người. Hiện nay, bệnh viện đã thực hiện được 21 kỹ thuật cao về lâm sàng và cận lâm sàng, như: khảo sát siêu âm bụng, tim thai, mạch máu, tuyến vú, tuyến giáp bằng máy siêu âm màu 3-4 D, kỹ thuật chụp cộng hưởng từ hạt nhân, chụp cắt lớp điện toán trên máy Lightspeed VCT 64 dãy đầu dò, ly tâm chẩn đoán và cellblock, xét nghiệm sinh học phân tử (PCR), thực hiện được quy trình khảo sát ấu trùng giun chỉ trong máu,... Về ngoại khoa, bệnh viện đã mổ được u phổi, u trung thất, u não, u màng não, thực hiện được kỹ thuật phẫu thuật nội soi sau phúc mạc để cắt chởm nang thận, lấy sỏi niệu quản, lấy sỏi bể thận, tạo hình khúc nối bể thận - niệu quản. Trong năm 2009, BVĐKTƯ đã chuyển giao kỹ thuật điều trị cho 7 bệnh viện ở ĐBSCL, cụ thể: kỹ thuật khám, chẩn đoán, chỉ định phẫu thuật và kỹ thuật mổ bệnh lý thoát vị bẹn, trĩ, dò hậu môn, nứt hậu môn cho BVĐK Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang; kỹ thuật đặt Catheter đo áp lực tĩnh mạch trung tâm, kỹ thuật đặt khí quản cấp cứu, chuyển viện an toàn cho BVĐK Châu thành A; kỹ thuật phẫu thuật Laser Jac cho BVĐK Hậu Giang; kỹ thuật mổ ruột thừa cho BVĐK Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang; kỹ thuật nội soi đại tràng cho BVĐK TP Cần Thơ; kỹ thuật cấp cứu và điều trị nội khoa tim mạch cho BVĐK Thới Lai, TP Cần Thơ; kỹ thuật mổ trĩ, thoát vị bẹn đặt mảnh ghép, dò hậu môn, nứt hậu môn cho BVĐK Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Trong khuôn khổ công tác chỉ đạo tuyến, BVĐKTƯ Cần Thơ còn cử 13 lượt cán bộ luân chuyển cho 7 bệnh viện này. Việc giúp bệnh viện các tỉnh trong vùng nâng cao chất lượng điều trị, BVĐKTƯ Cần Thơ sẽ giảm áp lực bệnh nhân, nâng cao được chất lượng công tác chăm sóc - điều trị bệnh, đồng thời, bệnh viện có thể sắp xếp cho lực lượng bác sĩ tham gia các khóa đào tạo sau đại học ở các viện, trường trong và ngoài nước. Dự kiến, Quý III-2010 BVĐKTƯ Cần Thơ sẽ thực hiện được kỹ thuật mổ tim hở và kỹ thuật can thiệp mạch vành vào cuối năm 2010, đây là vấn đề có ý nghĩa đối với những bệnh nhân nghèo mắc phải các căn bệnh hiểm nghèo không còn phải lên TP Hồ Chí Minh điều trị.

M.Nguyệt (thực hiện)

Chia sẻ bài viết