07/12/2015 - 20:40

Tập trung định danh vị trí việc làm cho giáo viên mầm non

Cùng với các địa phương khác, TP Cần Thơ tập trung triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16-3-2015 quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở mầm non công lập (gọi tắt là Thông tư 06). Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện, các quận, huyện gặp một số khó khăn, rất cần ngành chức năng và địa phương hỗ trợ…

* Đồng loạt triển khai

Thông tư 06 quy định cụ thể, rõ ràng khung danh mục vị trí việc làm và định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; tỷ lệ giáo viên/lớp, bổ sung biên chế thủ quỹ, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị làm cơ sở xây dựng Đề án Vị trí việc làm. Ngành giáo dục tổ chức triển khai Thông tư 06 cho các cơ sở giáo dục mầm non. Đồng thời chỉ đạo các trường mầm non, mẫu giáo rà soát biên chế trẻ và dự kiến biên chế nhóm/lớp năm học 2015-2016. Qua đó đơn vị xây dựng danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc. Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Sở Nội vụ, UBND các quận, huyện tổ chức triển khai Thông tư 06 và chỉ đạo Phòng Nội vụ, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) các quận, huyện hướng dẫn các trường thực hiện việc xác định danh mục vị trí việc làm và số người làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non. Đầu năm học này, huyện Cờ Đỏ xây dựng và trình UBND huyện phê duyệt Đề án Vị trí việc làm gửi về Sở Nội vụ thẩm định. Ngành GD&ĐT triển khai thông tư đến các trường mầm non, mẫu giáo, đồng thời rà soát biên chế, dự kiến biên chế nhóm lớp cũng như dựa trên thực tế số trẻ đang học ở trường để chỉ đạo sắp xếp nhóm lớp.

Cô và các bé Trường Mầm non thị trấn Thới Lai (huyện Thới Lai) trong giờ chơi ghép hình.

Theo Thông tư 06, nhóm vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ hỗ trợ, phục vụ: kế toán, văn thư, y tế, thủ quỹ nhưng chỉ có thể bố trí tối đa không vượt quá 2 người, theo đó đồng nghĩa với việc kế toán kiêm văn thư, y tế phải kiêm thủ quỹ. Vì thế, các địa phương linh động trong việc sắp xếp khung vị trí việc làm đối với các vị trí dôi dư. Thay vì trước kia 4 vị trí, nay theo Thông tư 06 chỉ còn 2. Cụ thể, sau khi sắp xếp theo quy định, huyện Cờ Đỏ dư 13 nhân viên văn thư, ngành giáo dục giới thiệu học trung cấp sư phạm mầm non để phục vụ các trường mầm non, mẫu giáo. Phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều tích cực tham mưu để địa phương luân chuyển bố trí vị trí việc làm phù hợp. Quận Cái Răng cũng khẩn trương sắp xếp "tối đa" giáo viên chỗ thừa sang thiếu…

* Nhiều khó khăn

Quá trình triển khai thực hiện Thông tư 06 đầu năm học 2015-2016 gây khó khăn cho một số cơ sở giáo dục mầm non tại các quận đô thị trung tâm thành phố, nhất là quận Ninh Kiều. Một số trường quận trung tâm đô thị thiếu phòng lớp nên đầu năm học đã thực hiện bố trí, sắp xếp bình quân 30 trẻ/lớp (3-4 giáo viên/nhóm lớp). Nếu thực hiện chia tách trẻ thành nhiều nhóm lớp theo quy định 15 đến 25 trẻ/nhóm lớp và quy định định mức 2,5 giáo viên/lớp thì các cơ sở giáo dục mầm non ở các quận trung tâm đô thị không đủ số phòng lớp, giáo viên; số lượng trẻ dôi dư ở các cơ sở giáo dục mầm non không thể bố trí, sắp xếp trong tình trạng này. Trong khi đó một số địa phương còn thiếu giáo viên mầm non, cụ thể quận Ô Môn thiếu 32 giáo viên; Bình Thủy thiếu 7 giáo viên mầm non; huyện Cờ Đỏ thiếu 31 giáo viên… Đối với việc sắp xếp, bố trí đối với các chức danh kế toán, văn thư, y tế, thủ quỹ tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập theo Thông tư 06 gặp nhiều khó khăn. Quận Ninh Kiều có 4 vị trí kế toán, văn thư, y tế, thủ quỹ, trước đây bố trí 3 người nhưng quy định Thông tư 06 bố trí 2 người, còn phần dôi dư được luân chuyển phù hợp. Quận Thốt Nốt có 15 trường mầm non, mẫu giáo bố trí đủ số người cho 4 chức danh. Nếu thực hiện Thông tư 06, địa phương dư 15 biên chế…

Việc ngưng tuyển dụng nhân viên kế toán, y tế trong tình hình hiện nay sẽ ảnh hưởng công tác chăm sóc sức khỏe học đường và không đáp ứng tiêu chuẩn công nhận trường đạt chuẩn quốc gia… Thầy Trần Ngọc Lĩnh, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Cái Răng, nói: "Năm 2016, 2 trường trên địa bàn quận có 2 kế toán về hưu, nhưng hiện chủ trương không tuyển kế toán. Nhân viên kế toán rất quan trọng, trường không có kế toán việc thực hiện đề án tự chủ kinh phí sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác tham mưu quản lý kinh phí của đơn vị đã được giao quyền tự chủ. Nhưng nếu hợp đồng bên ngoài bằng kinh phí của đơn vị không đúng quy định". Việc tạm thời ngưng tuyển viên chức làm công tác tài chính kế toán tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập sẽ dẫn đến tình trạng thiếu người làm việc tại một số đơn vị. Hiện nay, một số trường mới thành lập chưa tuyển vị trí kế toán trường học nên gặp vướng mắc. Ông Nguyễn Duy Bình, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, nói: Sở Nội vụ phối hợp với UBND các quận, huyện sắp xếp, điều chuyển chức danh kế toán các cơ sở giáo dục mầm non khác dôi dư ra sau khi sắp xếp theo quy định Thông tư 06, đến công tác tại các đơn vị mới thành lập phù hợp thực tế để giải quyết khó khăn, vướng mắc tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn".

Phát biểu tại buổi giám sát thực hiện Thông tư 06 trên địa bàn thành phố, bà Trần Thị Xuân Mai, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố, kết luận: "Trước mắt, các tổ chức giáo dục mầm non cần sắp xếp giáo viên theo các nhóm tuổi theo quy định Thông tư 06, đồng thời báo cáo cụ thể số giáo viên dôi dư và thiếu đối với từng nhóm tuổi. Các đơn vị bố trí 4 vị trí: kế toán, thủ quỹ, văn thư và y tế chỉ bố trí 2 người làm kiêm nhiệm (kế toán kiêm văn thư; y tế kiêm thủ quỹ). Các trường mầm non, mẫu giáo thiếu vị trí kế toán và y tế vẫn tiếp tục tuyển đủ để đảm bảo công việc.

Bài, ảnh: M.Hoàng

Chia sẻ bài viết