07/03/2016 - 21:24

Đồng bằng sông Cửu Long

Tập trung cao độ chống hạn và xâm nhập mặn

Sáng 7-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng làm việc với các tỉnh, thành phố ĐBSCL về công tác phòng, chống xâm nhập mặn. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hạn hán và xâm nhập mặn tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân ĐBSCL. Các địa phương trong vùng cần tập trung cao độ và có những giải pháp trước mắt và lâu dài ứng phó với thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử này.

Ảnh hưởng lớn đến sản xuất và dân sinh

Theo Bộ NN&PTNT, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng ĐBSCL. Nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống người dân của 9/13 tỉnh, thành phố trong khu vực (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau và Hậu Giang) bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điển hình như tỉnh Bến Tre có hơn 70% diện tích gieo trồng lúa bị thiệt hại; Cà Mau, Kiên Giang bị ảnh hưởng sớm từ cuối năm 2015 nên diện tích lúa bị thiệt hại của 2 tỉnh này gần 85.000ha.

Thống kê chưa đầy đủ của Bộ NN&PTNT từ các địa phương vùng ĐBSCL, từ cuối năm 2015 đến nay, toàn vùng có gần 139.000ha lúa bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó có khoảng 86.000ha bị thiệt hại trên 70% năng suất; 43.000ha thiệt hại từ 30-70% năng suất và còn lại là thiệt hại dưới 30% năng suất. Các tỉnh bị thiệt hại nhiều là Cà Mau (trên 49.340ha), Kiên Giang (trên 34.000ha), Bạc Liêu (trên 11.450ha)… Ước tổng thiệt hại lên đến 215 tỉ đồng. Hiện nay, các địa phương vùng ĐBSCL đã và đang đẩy mạnh thu hoạch vụ lúa đông xuân 2015-2016, nên dự kiến hạn hán, xâm nhập mặn có thể chỉ ảnh hưởng thêm khoảng 46.000ha lúa trong thời gian tới. "Tuy nhiên, nếu tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài đến hết tháng 6-2016, toàn vùng ĐBSCL sẽ có khoảng 500.000ha lúa hè thu không thể xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước. Trong đó có khoảng 350.000ha thuộc các vùng chịu ảnh hưởng nước trời, phải chờ mưa và đủ nước rửa mặn mới xuống giống được ở khu vực ven biển đến 70km thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng… và khoảng 150.000ha thuộc các vùng sản xuất lúa ở phía Nam quốc lộ 1A cách biển 70km thuộc các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Trà Vinh..,"- ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cảnh báo.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với các tỉnh, thành phố ĐBSCL về công tác phòng, chống xâm nhập mặn. Ảnh: T. LONG

Không chỉ ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa, hiện nay, thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến một số khu vực sử dụng nước mặt, nhất là các vùng chưa được cấp nước tập trung ở các khu vực ven cửa sông, ven biển, như: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu. Hiện có khoảng 155.000 hộ gia đình (trong đó có 144.000 hộ chưa được cấp nước tập trung với khoảng 575.000 người bị thiếu nước sinh hoạt. Đặc biệt, toàn tỉnh Bến Tre hiện nay chỉ còn 4 xã (huyện Chợ Lách) nguồn nước sinh hoạt chưa bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn. Ngoài ra, do hạn hán, nguồn nước cạn kiệt, nhiều khu vực rừng trong vùng đang nằm trong mức độ cảnh báo cháy cao (cấp 4, cấp 5) đặc biệt là hai cánh rừng lớn U Minh Thượng và U Minh Hạ. Nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL do nắng nóng kéo dài, lượng nước bốc hơi lớn, thiếu nước ngọt bổ sung ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng của tôm nuôi và nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất cao.

Giải pháp trước mắt và lâu dài

Do được cảnh báo về khả năng xuất hiện sớm của hạn hán, xâm nhập mặn và phạm vi ảnh hưởng rộng nên các địa phương vùng ĐBSCL, nhất là các tỉnh ven biển đã chủ động triển khai các giải pháp ứng phó. Nhiều địa phương, như: Tiền Giang, Long An, Trà Vinh… đã điều chỉnh lịch thời vụ đông xuân 2015-2016 sớm hơn từ 20-30 ngày so với lịch thời vụ hằng năm để tránh mặn. Đồng thời, khuyến cáo người dân sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chịu mặn, theo hướng dẫn của Cục Trồng trọt. Một số địa phương đã chủ động ứng trước vốn dự phòng để triển khai đắp đập tạm, nạo vét kênh mương, tổ chức bơm chuyền, vận chuyển, lắp đặt các điểm cấp nước công cộng tại các khu vực thiếu nước ngọt. Tỉnh Kiên Giang đã chủ động đắp 82/89 đập tạm. Tỉnh Tiền Giang đã đầu tư 16 thuyền bơm công suất 32.000m3/h để bơm nước ngọt bổ sung cho vùng ngọt hóa Gò Công và tổ chức bơm chuyền 2-3 cấp tại 650 điểm bơm. Tỉnh Bến Tre đã triển khai phương án chuyển nước ngọt bằng sà lan cho toàn tỉnh (trước mắt là 3 huyện ven biển là Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại). Tỉnh Sóc Trăng đang triển khai các phương án cấp nước, tổ chức các điểm cấp nước công cộng miễn phí tại 2 huyện Trần Đề và Vĩnh Châu; tiếp tục có giải pháp hỗ trợ máy nước lọc đến các hộ ở các vùng bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng…

Về giải pháp cấp bách trong thời gian tới, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho rằng: Đối với việc cấp nước tưới, các địa phương cần thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, tổ chức giám sát, dự báo xâm nhập mặn đến từng cửa đập lấy nước để vận hành, điều tiết công trình nhằm ngăn mặn, trữ ngọt hiệu quả vào hệ thống. Tăng cường thông tin, tuyên truyền thường xuyên về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đến các cấp, các ngành, người dân để chủ động trong sản xuất, sinh hoạt… Tổ chức các biện pháp lấy nước và trữ nước: đắp đập ngăn mặn, nạo vét hệ thống kênh mương, lắp đặt trạm bơm dã chiến, sẵn sàng bơm lấy nước ngọt, trữ vào hệ thống kênh mương, đồng ruộng khi có nguồn nước có độ mặn cho phép… Về cấp nước sinh hoạt, sử dụng các phương tiện lưu động cung cấp nước cho người dân các khu vực không có nước ngọt phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Cung cấp trang thiết bị phục vụ cấp và trữ nước cho các hộ gia đình ở những khu vực bị ảnh hưởng mặn, nhưng không thể cấp nước bằng công trình tập trung, như: hỗ trợ bồn nhựa trữ nước, máy lọc nước hộ gia đình, hóa chất xử lý…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, về lâu dài, Bộ NN&PTNT kết hợp với các ngành liên quan tiến hành rà soát điều chỉnh quy hoạch sản xuất, quy hoạch thủy lợi, quy hoạch đê sông, chống sạt lở cửa biển, bờ biển. Đồng thời nghiên cứu đưa ra các giải pháp chống sụt, lún đất cho ĐBSCL để thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng như hiện nay. "Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng như hiện nay là do việc khai thác sử dụng nước ngầm một cách manh mún, không kiểm soát như thời gian qua. Vì vậy, thời gian tới, các ngành hữu quan cần kiểm soát việc khai thác, lưu giữ và sử dụng nước ngầm một cách hợp lý; tăng khả năng khai thác nguồn nước mặt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Các nhà khoa học đẩy mạnh việc nghiên cứu, lai tạo và khuyến cáo nông dân sử dụng các giống cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu; trong đó có hạn hán và xâm nhập mặn… Cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ vào ĐBSCL nhằm tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông nghiệp cũng là cách ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến ngày càng nghiêm trọng như hiện nay"- ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, đề xuất.

Hà Triều

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Huy động cả hệ thống chính  trị chống hạn, xâm nhập mặn, không để thiếu nước sinh hoạt, ổn định cuộc sống của người dân

Chỉ đạo công  tác phòng chống xâm nhập mặn tại TP Cần Thơ vào sáng 7-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: Trước mắt, các địa phương vùng ĐBSCL cần đảm bảo nguồn nước ngọt hợp vệ sinh cho người dân sử dụng, như: dẫn nước, chở nước, đắp đập trữ nước ngọt… Không thể để người dân thiếu nước trong sinh hoạt. Huy động cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, coi chống hạn hán, xâm nhập mặn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để cùng người dân tìm các giải pháp bảo vệ sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra, từ đó ổn định cuộc sống của người dân. Những diện tích đã thiệt hại, đề nghị các địa phương nhanh chóng thống kê, cập nhật, rà soát các thiệt hại và đề xuất Chính phủ hỗ trợ ngay theo các quy định hiện hành. Ngân hàng Nhà nước cần tổ chức khoanh, giãn nợ đối với những diện tích đã không thể thu hoạch hoặc thiệt hại lớn; đồng thời, chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với những trường hợp không có nguồn vốn để tái sản xuất. Về lâu dài, ngành chức năng cần liên tục cập nhật tình hình hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL; đồng thời đưa ra những dự báo, kịch bản cụ thể. Từ đó, các bộ ngành hữu quan, các địa phương tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành, địa phương; kiến nghị điều chỉnh quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL phù hợp với tình hình mới. Trong đó, đặc biệt chú ý quy hoạch hạ tầng thủy lợi của vùng ĐBSCL có khả năng ngăn mặn, giữ ngọt, chống sạt lở...; phải phù hợp phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản… thích ứng với biến đổi khí hậu. Trên cơ sở các quy hoạch này, tổ chức, sắp xếp các dự án ưu tiên để thực hiện một cách đồng bộ và có hiệu quả. Các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng phải đề cao trách nhiệm, năng động sáng tạo đề xuất các cơ chế, chính sách và giải pháp phát huy lợi thế, tiềm năng vùng ĐBSCL; đồng thời, khắc phục khó khăn, thách thức để thúc đẩy toàn vùng phát triển.
Tại  cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao… khẩn trương soạn thảo công hàm gửi đến các nước thượng nguồn sông Mê Kông để chia sẻ thông tin về nguồn nước, điều tiết các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho hạ lưu trên cơ sở phát triển ổn định, lâu dài và cùng hưởng lợi.

T.Long (ghi)

Chia sẻ bài viết