23/01/2018 - 08:21

Tập huấn nâng cao năng lực cán bộ khuyến nông và bảo vệ thực vật 

Thời gian qua, Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững TP Cần Thơ” (VnSAT) đã đẩy mạnh tập huấn nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ trồng trọt và bảo vệ thực vật, khuyến nông các quận, huyện trong vùng dự án. Qua đó, lực lượng cán bộ này có thể truyền đạt các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đến nông dân nhanh chóng và hiệu quả hơn, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất lúa hàng hóa, tăng thu nhập…

Cán bộ kỹ thuật tham gia lớp tập huấn TOT đang thực hành tại đồng ruộng. Ảnh: ANH KHOA

Cán bộ kỹ thuật tham gia lớp tập huấn TOT đang thực hành tại đồng ruộng. Ảnh: ANH KHOA

Năm 2017, VnSAT tập trung xây dựng nhóm nông dân và ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật sau tập huấn kỹ thuật; tập trung các giải pháp giảm giống gieo sạ, xây dựng mô hình cơ giới hóa; hỗ trợ hợp tác xã (HTX) nâng cao năng lực sản xuất; thực hiện tốt giám sát, đánh giá để thúc đẩy phong trào ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nông dân… Để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thuận lợi, Dự án VnSAT đã tổ chức 7 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ kỹ thuật của hệ thống khuyến nông và bảo vệ thực vật, nâng tổng số lên 12 lớp tập huấn tính từ khi triển khai dự án với 240 học viên tham dự. Đây là lực lượng nòng cốt phục vụ tốt trong quá trình tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân; giúp dự án mở được 451 lớp đào tạo kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” trong năm 2017, với 21.586 lượt nông dân tham gia, diện tích 25.317ha.

Gần đây, Dự án VnSAT bổ sung thêm 2.650 nông dân ở quận Thốt Nốt (gồm phường Trung Kiên, Tân Hưng và Thới Thuận); qua đó nâng tổng số nông dân của thành phố tham gia dự án lên 27.650 nông dân, với diện tích 32.907ha (gồm 4 quận, huyện: Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ và Thốt Nốt). Năm 2018, Dự án VnSAT cũng dự kiến đào tạo 311 lớp “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” cho nông dân. Ngoài ra, hỗ trợ hạ tầng cho 17 tổ chức nông dân, hỗ trợ thiết bị cho 6 tổ chức nông dân, hỗ trợ thiết bị chung cho 500ha lúa của nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Năm 2018, dự án cũng tiếp tục quan tâm mở các lớp tập huấn cho các cán bộ kỹ thuật của hệ thống khuyến nông và bảo vệ thực vật (lớp TOT). Theo đó, Dự án VnSAT đang mở một lớp TOT (địa điểm tại xã Trường Thắng, huyện Thới Lai) nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ kỹ thuật của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông; Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông quận, huyện thuộc vùng dự án. Lớp tập huấn này có luôn ruộng lúa thực hành 2.000m2, diễn ra trong vòng 12 tuần, đến nay đã đi đến tuần thứ 7, với 23 cán bộ kỹ thuật tham gia. Các cán bộ kỹ thuật chủ yếu được tập huấn nâng cao các kiến thức như: quy trình sản xuất theo giai đoạn sinh trưởng của cây lúa có kết hợp thực hành đồng ruộng, phân tích hệ sinh thái, trao đổi, thảo luận... Ngoài ra, lớp tập huấn còn đào tạo giảng viên để phục vụ cho lớp tập huấn nông dân (lớp FFS). Song song với lớp tập huấn huấn luyện giảng viên (TOT) cho các bộ kỹ thuật này, Dự án cũng tổ chức 7 lớp tập huấn FFS (tập huấn kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”) phục vụ cho lớp TOT, thời gian tập huấn cũng diễn ra đồng thời 12 tuần. Trong đó, 2 lớp FFS ở Thới Lai, 2 lớp ở Thốt Nốt, 2 lớp ở Cờ Đỏ và 1 lớp ở Vĩnh Thạnh. Các cán bộ tham gia lớp tập huấn TOT trực tiếp giảng dạy lớp FFS, truyền đạt lại các kỹ thuật sản xuất tiên tiến cho nông dân…

Ông Đặng Văn Hiền, Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Thới Lai, giảng viên chính lớp TOT, cho biết: Lớp tập huấn này giảng viên đã ôn lại những kiến thức cơ bản cho cán bộ kỹ thuật. Đồng thời, đào tạo cho cán bộ kỹ thuật phương pháp, kỹ năng huấn luyện nông dân, có kinh nghiệm đứng lớp và tự tin trước đám đông. Tham gia lớp tập huấn, các cán bộ kỹ thuật cũng được tiếp cận các chuyên đề bổ ích như: về sinh trưởng của cây lúa, sử dụng phân bón, quản lý dịch hại, cho nông dân thấy được thuốc bảo vệ thực vật độc hại và ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường để hạn chế sử dụng…

Anh Nguyễn Thanh Bình, cán bộ Trạm Khuyến nông quận Thốt Nốt, tham gia lớp tập huấn TOT, cho rằng: Tham gia lớp học đã nắm chắc hơn kiến thức về quá trình phát triển của cây lúa; kỹ thuật giảm giống, phân và thuốc bảo vệ thực vật, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận. Lớp học rất bổ ích cho cán bộ kỹ thuật, vừa tham gia lớp học TOT vừa thực hành giảng lại cho nông dân lớp FFS nên dễ dàng truyền đạt các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân áp dụng hiệu quả…

Năm 2018, ngành nông nghiệp thành phố xác định tăng cường vận động, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để giúp nông dân thay đổi nhận thức sản xuất lúa theo hướng bền vững; quan tâm đầu tư hạ tầng cho nông dân, do Dự án VnSAT đưa ra tiêu chí phải có ít nhất 50% nông dân áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng” hoặc “1 phải, 5 giảm” thì mới đầu tư. Các địa phương cần quan tâm chọn địa chỉ tập huấn và địa chỉ đầu tư, xác định ngay cả trên bản đồ. Dự kiến có 13.660 lượt nông dân hưởng lợi trực tiếp từ Dự án VnSAT, tăng thêm lợi nhuận trên mỗi ha sản xuất của hộ nông dân khoảng 20%...

ANH KHOA

Chia sẻ bài viết