16/06/2018 - 18:51

Tập cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh 

Nghiên cứu cho thấy thói quen ăn uống của trẻ cần được phát triển từ sớm, thậm chí lúc còn là em bé trong bụng mẹ. Trong bài viết trên trang sức khỏe Daily Mail mới đây, các nhà nghiên cứu chia sẻ một số “chiến lược” hữu ích để phụ huynh có thể tập cho con mình thói quen ăn uống lành mạnh từ nhỏ.

Cùng ăn với trẻ là một trong những cách giúp trẻ học thói quen ăn uống lành mạnh từ cha mẹ.
Cùng ăn với trẻ là một trong những cách giúp trẻ học thói quen ăn uống lành mạnh từ cha mẹ.

Tập thói quen ăn uống từ… trong bụng mẹ. Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia đã theo dõi chế độ ăn của các bà mẹ lúc mang thai, sau đó so sánh chế độ ăn giữa các mẹ và các bé vào lúc 2-3 tuổi để xem thời điểm nào thì thói quen ăn uống của mẹ ảnh hưởng đến trẻ nhiều nhất. Kết quả cho thấy, chế độ ăn của người mẹ lúc mang thai thực sự tác động đến khẩu vị của trẻ trong những năm đầu đời. Mối liên hệ này càng được củng cố nếu mẹ duy trì thói quen ăn uống lành mạnh lâu dài.

Làm gương cho trẻ. Nghiên cứu cũng phát hiện cách ăn uống của người cha ảnh hưởng đến cách ăn uống của con cái ở giai đoạn trẻ học tiểu học. Điều đó chứng tỏ các ông bố cần làm gương cho trẻ trong việc xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh, chẳng hạn như giảm tiêu thụ các loại đường, muối, thực phẩm kém dinh dưỡng, đồng thời tăng cường các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng vốn có lợi cho sức khỏe. Theo nghiên cứu, người cha ăn ngon miệng, trẻ cũng sẽ ăn ngon miệng, đặc biệt nên chú trọng thực đơn có nhiều loại trái cây, rau củ giàu đạm.

Ăn đúng, ăn đủ. Theo các chuyên gia, ăn uống lành mạnh là không ép ăn, mà phải dựa trên nhu cầu và sự chọn lựa của trẻ. Họ khuyến nghị phụ huynh nên lập “thời khóa biểu” cho các bữa chính và bữa phụ. Điều này giúp trẻ không rơi vào tình trạng quá đói và ăn quá nhiều, như vậy mới giúp trẻ có cảm giác đói và muốn ăn vào bữa ăn tiếp theo.

Cùng ngồi ăn với trẻ. Việc phụ huynh thường xuyên ăn chung với trẻ có ý nghĩa rất quan trọng, bởi đây là dịp để cha mẹ hoặc ông bà trò chuyện với con cháu về nhiều thứ trong cuộc sống, bao gồm vấn đề dinh dưỡng. Theo các chuyên gia, bữa ăn gia đình giúp tăng cường sức khỏe và thể trạng của trẻ. Nghiên cứu cho thấy trẻ ăn chung với gia đình hơn 3 lần/tuần có cân nặng khỏe mạnh, có chế độ ăn tốt cũng như tập được thói quen ăn uống lành mạnh hơn. Ở tuổi vị thành niên, việc ăn chung với cha mẹ hoặc người chăm sóc vào bữa tối sẽ giúp trẻ tiêu thụ nhiều trái cây, rau củ và các sản phẩm từ sữa.

Ưu tiên chọn lựa thực phẩm tốt cho não bộ. Đồ ăn và thức uống trẻ tiêu thụ cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của thể chất và trí não. Dinh dưỡng tốt được chứng minh có liên quan đến kết quả học tập tốt hơn, đặc biệt là những trẻ thường xuyên ăn sáng, ít tiêu thụ thức ăn vặt và những trẻ có chế độ ăn chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Nghiên cứu của các nhà khoa học Úc trên 4.000 trẻ em trong độ tuổi từ 8-15 phát hiện, những trẻ thường xuyên tiêu thụ các loại rau củ trong bữa ăn tối đạt điểm số cao môn chính tả và viết. Trong khi đó, những trẻ thường xuyên tiêu thụ nước ngọt đều có điểm thấp về đọc, viết, ngữ pháp và các môn có tính toán.

Tập ăn rau củ và trái cây mới. Hầu hết trẻ em đều không chịu ăn rau củ hoặc trái cây mà chúng chưa từng ăn qua. Đây là phản ứng bình thường của trẻ đối với cái gì đó mới lạ. Tuy nhiên, bạn hãy thử kết hợp rau quả mới với những món mà bé yêu thích, chẳng hạn như chế biến món ăn bao gồm khoai tây chiên (món quen thuộc và ưa thích) với rau trộn chứa một loại trái cây mới.

TRÍ VĂN (Theo Daily Mail)

Chia sẻ bài viết