17/12/2015 - 21:24

Du lịch ĐBSCL

Tạo sức hút từ nâng chất, liên kết

ĐBSCL được xem là điểm đến yêu thích của nhiều du khách thích trải nghiệm không gian sông nước miệt vườn, tìm hiểu bản sắc văn hóa độc đáo và nếp sống thân tình của người bản địa. Để tạo thêm sức hút, năm 2015, du lịch ĐBSCL không ngừng nâng chất, liên kết tạo sự đa dạng sản phẩm.

* "Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL" kích thích đầu tư, nâng chất

Từ năm 2009, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đưa ra một số tiêu chí về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, dịch vụ phụ trợ, an toàn, tác động môi trường…để bình xét "Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL". Hàng năm các tiêu chí này đều được điều chỉnh, bám sát thực tế để chất lượng các điểm đến từng bước được hoàn thiện, nâng cao. Năm 2015, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL khảo sát và công nhận thêm 8 điểm mới, nâng tổng số "Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL" lên 32 điểm.

Bến Ninh Kiều - điểm thu hút nhiều du khách khi đến Cần Thơ. Ảnh: KIỀU MAI

So với những năm trước, các điểm du lịch tiêu biểu năm nay có sự đầu tư về nhiều mặt. Nổi bật là Khu du lịch sinh thái Quốc Tế rộng 6,4 ha (ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) đưa vào hoạt động từ tháng 4-2015. Khu này có không gian xanh lý tưởng với nhiều nét đặc trưng độc đáo của vùng đất Cà Mau. Đến đây, du khách sẽ trải nghiệm làm nông dân với các hoạt động tát đìa, đặt lờ, lọp, giăng lưới bắt cá, thả rập bắt cua…; dã ngoại, cắm trại trong khu vườn thanh long, tự tay hái trái và thưởng thức. Đặc biệt, du khách có thể tìm hiểu về các làng nghề truyền thống nổi tiếng của Cà Mau qua các mô hình tái hiện: làng dệt chiếu Tân Thành, đan đát Tân Bằng; được nghe những câu chuyện về huyền thoại bác Ba Phi… Khu này đang được xây dựng thêm nhiều hạng mục: biển nhân tạo, kim tự tháp, khu bảo tồn động vật quý hiếm, bến du thuyền...

Khu di tích văn hóa- lịch sử và du lịch Núi Sam (rộng 1.487 ha) cũng là điểm đến không thể bỏ qua khi đến An Giang, gồm quần thể 4 di tích cấp quốc gia: chùa Hang, chùa Phật Thầy Tây An, Miếu Bà Chúa Xứ và Lăng Thoại Ngọc Hầu. Ngoài ra, khu này còn có phố đi bộ, hệ thống nhà hàng- khách sạn…tạo thành khu phức hợp với nhiều hành trình khám phá. Đặc biệt, nơi đây có nhiều lễ hội độc đáo, nổi bật nhất là lễ hội Vía Bà Chúa Xứ. Hoặc về Cần Thơ, Bến Ninh Kiều hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hữu tình. Không chỉ gắn bó với lịch sử hình thành đất Cần Thơ mà Bến Ninh Kiều còn thể hiện sự chuyển mình phát triển của thành phố năng động. Bến Ninh Kiều không chỉ có những công trình lâu đời (Nhà lồng chợ cổ, chùa Ông, đèn Ba Ngọn…) mà còn có nhiều công trình hiện đại, mỹ quan (Tượng đài Bác Hồ, phố ẩm thực, cầu đi bộ, bến du thuyền…) với hệ thống nhà hàng, khách sạn, các dịch vụ mua sắm phong phú. Hiện Cần Thơ đang lên kế hoạch tôn tạo Bến Ninh Kiều trở thành điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình về ĐBSCL.

Song song đó, các điểm được công nhận "Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL" không ngừng đầu tư, nâng chất và tạo thêm sản phẩm, dịch vụ phong phú. Điển hình, Trung tâm Văn hóa Triển lãm Hồ Nước Ngọt (Sóc Trăng) được bình chọn "Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL 2010". Gần 5 năm qua, địa phương không ngừng mở rộng diện tích và đầu tư thêm nhiều hạng mục công trình. Đến nay tổng diện tích của trung tâm là 20,3 ha, hệ thống cây xanh được trồng nhiều hơn tạo môi trường cảnh quan đẹp mắt, thoáng mát, dịch vụ giải trí đa dạng: hồ bơi, khu giải trí ngoài trời, khu trò chơi thiếu nhi… Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, đánh giá: "So với các năm trước, các địa phương đã chịu đầu tư, chăm chút các điểm du lịch hơn. Vì vậy, các điểm đến được nâng chất rõ rệt, nhất là các dịch vụ, cảnh quan; đồng thời, địa phương hướng tới khai thác nét đặc trưng tạo điểm nhấn".

* Xây dựng sản phẩm đặc trưng, tăng cường liên kết

Đề án "Phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020" xác định là "Phát triển du lịch dựa trên thế mạnh của từng khu vực, từng địa bàn trong vùng, tạo sản phẩm đặc thù, độc đáo, tạo điểm đến đặc trưng khu vực". Theo đó, năm 2015, các tỉnh, thành trong khu vực tập trung xây dựng sản phẩm du lịch mới theo định hướng rõ ràng.

Hội đồng thẩm định của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đến khảo sát, bình xét Bến Ninh Kiều. Ảnh: KIỀU MAI

Cần Thơ xác định sản phẩm du lịch đặc trưng là sông nước đô thị với điểm nhấn là chợ nổi Cái Răng và du lịch Mice, điểm trung chuyển cho du lịch ĐBSCL. Bên cạnh việc xây dựng các đề án "Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng", "Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù (đường sông)", "Phát triển nguồn nhân lực", năm 2015, ngành du lịch Cần Thơ hình thành 9 tour, tuyến mới với các điểm đến mới: làng du lịch cộng đồng Long Tuyền, cồn Sơn, chùa PoThi Somrôn…. Trong đó, có cung đường hoàn toàn mới là "Đình Bình Thủy- các bè cá (cồn Sơn)- chùa PoThi Somrôn- Khu du lịch Bảy Tiễn". Song song đó, hàng loạt đường bay mới được khai thác kết nối từ Cần Thơ đến Lâm Đồng, Khánh Hòa, Thái Lan mở ra sự liên kết hợp tác với các tỉnh, thành và các nước phát triển mạnh về du lịch.

Trong khi đó, Kiên Giang cũng xác định rõ du lịch biển- đảo là thế mạnh của địa phương với 4 vùng trọng điểm: Phú Quốc; Hà Tiên, Kiên Lương- vùng phụ cận; Rạch Giá, Kiên Hải- vùng phụ cận; U Minh Thượng- vùng phụ cận. Riêng Phú Quốc được xác định trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao mang tầm cỡ quốc tế; Hà Tiên là đô thị du lịch ven biển. Kiên Giang đã có sự đầu tư không ngừng cho hạ tầng du lịch như: nâng cấp sân bay Rạch Giá; xây mới Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc; các cảng biển Rạch Giá, An Thới, Bãi Vòng, Dương Đông; các tuyến đường quốc lộ 80, 63, 61, N1, đường hành lang ven biển phía Nam, đường trên đảo Phú Quốc để tạo sức bật hỗ trợ phát triển du lịch. Còn An Giang dần hình thành thế mạnh loại hình du lịch tâm linh, cộng đồng, nông nghiệp gắn với các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh. Năm qua, hàng loạt các điểm du lịch được đầu tư như: Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Khu di chỉ Óc Eo- Ba Thê, Khu du lịch núi Sập, núi Sam, núi Cấm… đặc biệt là hệ thống dịch vụ được xây mới như: hệ thống cáp treo núi Cấm, bến tàu du lịch Tân Châu…

Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang là ba địa phương nằm trong cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch 4 tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau) và Bạc Liêu. Sự phát triển của mỗi địa phương với những sản phẩm mới đã tạo thêm sự đa dạng cho các tour, tuyến liên kết, nhất là chương trình "Một điểm đến bốn địa phương +". Theo đó, việc khai thác chương trình này trở nên linh động, đa dạng hơn khi lựa chọn các điểm du lịch đặc trưng của các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu. Ngoài liên kết hợp tác trong cụm, các địa phương còn chủ động liên kết với các tỉnh, thành, các nước có thế mạnh về du lịch, như: An Giang hợp tác với cụm miền Trung là Huế- Đà Nẵng- Quảng Nam; Cần Thơ hợp tác với Lâm Đồng, Khánh Hòa, Campuchia; Kiên Giang hợp tác với Hà Nội… Mặt khác, vùng ĐBSCL còn có cụm liên kết phát triển du lịch phía Đông ĐBSCL gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Long An, (Long An là thành viên mới trong năm 2015). Cụm liên kết phát triển du lịch phía Đông cũng hình thành sản phẩm chung "Năm địa phương – Một điểm đến" với hành trình khám phá các nét độc đáo của vùng duyên hải.

So với trước kia, các tỉnh, thành ĐBSCL đã có định hướng liên kết và phối hợp trong các sự kiện, chương trình xúc tiến, quảng bá. Cụ thể, trong sự kiện Tuần lễ Văn hóa Du lịch ĐBSCL tại Hà Nội, các tỉnh, thành đã tập trung đẩy mạnh liên kết về thị trường, xây dựng những sản phẩm du lịch liên vùng: Hà Nội- ĐBSCL, ĐBSCL- cụm miền Trung, ĐBSCL- TP Hồ Chí Minh…Sắp tới, Năm Du lịch quốc gia 2016- Phú Quốc- ĐBSCL với chủ đề: "Khám phá đất Phương Nam" sẽ là dịp để du lịch ĐBSCL giới thiệu, quảng bá và tăng cường việc liên kết hợp tác, thúc đẩy phát triển du lịch.

ÁI LAM

Chia sẻ bài viết