13/06/2017 - 20:22

Tạo sự “thẩm thấu” và lan tỏa

Để công cuộc xây dựng nông thôn mới (XDNTM) thực hiện thành công, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt nhân dân với nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của mình. Trong quá trình XDNTM ở TP Cần Thơ, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về XDNTM luôn là nhiệm vụ trọng tâm, được đặt lên hàng đầu.

Một lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức  XDNTM được tổ chức tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai.

 Nhiều chuyển biến

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, lồng ghép hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với XDNTM", phong trào "Cần Thơ chung sức XDNTM", chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp gắn với XDNTM..., nhận thức của cán bộ, đảng viên và đặc biệt là người dân nông thôn về nông thôn mới đã từng bước thay đổi.

Song song đó, các buổi tập huấn được Chi cục Phát triển nông thôn TP Cần Thơ triển khai ở hầu hết các xã, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu về tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM. Đồng thời, nắm rõ nội dung, phương pháp, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong XDNTM, từ đó hình thành phong trào thi đua sâu rộng, sôi nổi trong nhân dân. Đây cũng là điều kiện để điều chỉnh nhận thức, xóa bỏ tư tưởng ỷ lại, trông chờ, coi XDNTM là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước...

Tại huyện Vĩnh Thạnh, quý I-2017, huyện triển khai 17 cuộc họp dân về XDNTM với 769 người tham dự. Công tác tuyên truyền, vận động XDNTM còn được lồng ghép qua các hội nghị, cuộc họp của các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội...

Đài Truyền thanh huyện chú trọng tuyên truyền kết quả thực hiện các tiêu chí, các mô hình làm ăn hiệu quả, cách làm hay trong XDNTM. "Những nỗ lực trên góp phần nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên và quần chúng về XDNTM.

Đại bộ phận cư dân nông thôn đã nhận thức rõ vai trò chủ thể của mình và tích cực tham gia XDNTM thông qua việc hiến đất, góp vốn, ngày công lao động để xây dựng các công trình công cộng. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản xuất và hình thành những mô hình kinh tế hợp tác (hợp tác xã, tổ hợp tác), mô hình cánh đồng lớn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều nông hộ"- ông Đỗ Sĩ Nhường, Phó Chủ tịch UBDN huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nguồn vốn phục vụ XDNTM còn hạn hẹp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được vai trò, tránh nhiệm từ đó phát huy nội lực là giải pháp đúng đắn.

Chỉ tính riêng năm 2016, người dân thành phố đóng góp trên 68 tỉ đồng để thực hiện nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế-xã hội, kinh tế và tổ chức sản xuất, văn hóa - xã hội - môi trường...

Ông Nguyễn Thành Út, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, cho biết: Qua tuyên truyền, vận động, người dân không chỉ cùng Nhà nước thực hiện tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất mà còn tích cực tham gia cải tạo cảnh quan môi trường, làm cột cờ, hàng rào; xây dựng cầu xí tự hoại...

Đại bộ phận cư dân nông thôn có ý thức thu gom vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, phân loại rác sinh hoạt để có phương pháp xử lý phù hợp; áp dụng "1 phải, 5 giảm", "3 giảm, 3 tăng" trên đồng ruộng để giảm thiểu việc sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật làm ô nhiễm môi trường.

Nâng cao nhận thức

Sau hơn 6 năm triển khai XDNTM, TP Cần Thơ vẫn xác định, công tác tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ hàng đầu, là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi của chương trình.

Theo ông Nguyễn Thành Út, công tác tuyên truyền, vận động XDNTM của huyện tiếp tục bám sát phương châm "thường xuyên, liên tục và lâu dài" với nhiều hình thức như: tờ rơi, băng rôn, hệ thống phát thanh, lồng ghép vào các cuộc họp, sinh hoạt đoàn thể...

Ngoài ra, huyện tổ chức sơ, tổng kết có biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong XDNTM; phát huy, nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả.

Ông Lê Văn Tính, Phó Chánh Văn phòng điều phối XDNTM TP Cần Thơ, cho biết: "Chúng tôi tiếp tục phối hợp với các viện, trường thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ tham gia công tác XDNTM. Về chương trình tập huấn, thành phố sẽ phối hợp, lấy ý kiến các chuyên gia để bổ sung hoàn thiện sao cho sát hợp với thực tiễn XDNTM tại địa phương".

Thực tế XDNTM tại địa phương cho thấy, công tác tuyên truyền phải được lồng ghép, tập trung vào những vấn đề người dân thực sự quan tâm như: tiêu thụ nông sản; hỗ trợ phát triển sản xuất; phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi…. Thấy rõ những lợi ích mà công cuộc XDNTM mang lại sẽ tạo sự đồng thuận cao, việc huy động nhân dân đóng góp XDNTM cũng trở nên dễ dàng hơn. Bên cạnh các buổi học lý thuyết, thảo luận trên lớp, cần cho học viên tham quan thực tế những mô hình điểm để gắn kết lý luận và thực tiễn; học hỏi và rút kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo, điều hành.

Theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, đưa công cuộc XDNTM sớm đạt kết quả như mong muốn, cần đẩy mạnh vận động, tuyên truyền. Cách tuyên truyền dễ "thẩm thấu" nhất là nêu gương những cách làm hay, những tập thể, cá nhân điển hình trong đóng góp XDNTM… nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa trong công cuộc XDNTM. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động XDNTM không chỉ góp phần thay đổi nhận thức và hành động của người dân mà còn khơi dậy tính tích cực, đưa công cuộc XDNTM thành phong trào hành động sáng tạo, mở đường cho những bứt phá mới.

 

Năm 2017, TP Cần Thơ phấn đấu có 100% cán bộ, công chức, viên chức và các thành viên tham gia công tác XDNTM được đào tạo, tập huấn các nội dung về nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu này, thành phố tiếp tục phối hợp với các cơ quan, viện trường có liên quan mở 4 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho thành viên Ban Chỉ đạo XDNTM cấp huyện; trưởng, phó các phòng, ban, ngành đoàn thể cấp huyện; cán bộ Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp huyện.

Nội dung tập huấn, bồi dưỡng xoay quanh các văn bản mới về XDTNTM giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 2277/QĐ-BNN-VPĐP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề cương đề án “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 và bộ công cụ điều tra, khảo sát.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết