02/10/2018 - 08:54

Tạo sự khác biệt thúc đẩy du lịch nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 1-10, tại thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang), Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), UBND tỉnh An Giang, Báo Nông thôn Ngày nay, Báo Dân Việt và một số cơ quan liên quan phối hợp tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.

 Hơn 180 đại biểu đại diện Tổng cục Du lịch, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, UBND tỉnh An Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triên nông thôn, Văn phòng điều phối nông thông mới các địa phương, các Hiệp hội Du lịch, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố Cần Thơ, An Giang, Bến Tre, Sóc Trăng... cùng nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành, đơn vị trực tiếp kinh doanh sản xuất nông nghiệp tham dự hội thảo.

 Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đạo Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch cho biết, du lịch nông nghiệp được thế giới coi trọng vì đem lại nhiều giá trị nhiều mặt, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nhiều quốc gia đã dựa vào các giá trị đặc trưng của nền nông nghiệp truyền thống kết hợp với công nghệ, nông nghiệp hữu cơ để thu hút khách du lịch và thông qua khách du lịch thúc đẩy tiêu thụ, tăng doanh thu cho nông nghiệp…

 Đồng bằng sông Cửu Long là một trong 7 vùng du lịch trọng điểm của du lịch Việt Nam. Tài nguyên thiên nhiên phong phú của hệ sinh thái vùng hạ lưu sông Mê Công, kết hợp với tinh hoa văn hóa, lịch sử cộng đồng đã tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo; trong đó, hệ thống các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với hệ sinh thái miệt vườn, sông nước đã trở thành sản phẩm chủ đạo. Ngoài ra mạng lưới sông ngòi kênh rạch dày đặc rất thuận lợi để phát triển du lịch trải nghiệm cuộc sống trên sông nước.

 Những năm gần đây, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương đã triển khai các quy hoạch, chính sách phát triển du lịch. Một trong những hướng khai thác mới mà nhiều địa phương trong khu vực đẩy mạnh triển khai đó là du lịch nông nghiệp. Bên cạnh các hoạt động du lịch truyền thống với các tour “Miệt vườn sông nước Cửu Long”, “Miền Tây mùa nước nổi”, “Khám phá đất phương Nam”, “Ẩm thực khẩn hoang”..., một số mô hình được đầu tư nhằm khai thác đồng thời hoạt động sản xuất nông nghiệp và phục vụ du lịch.

Vương Thoại Trung (TTXVN)

Chia sẻ bài viết