19/08/2018 - 17:18

Tạo nền tảng vững chắc để vươn lên 

Nhìn lại chặng đường phát triển 15 năm qua, nhiều cán bộ, đảng viên, nhân dân quận Ô Môn bày tỏ niềm phấn khởi, tự hào khi quê hương ngày càng đổi mới. Theo đồng chí Lê Việt Sĩ,  Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Ô Môn, 15 năm qua, kinh tế- xã hội quận Ô Môn có sự phát triển vượt bậc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; kết cấu hạ tầng được xây dựng tương đối đồng bộ, ngày càng hoàn thiện. Nhờ tập trung nhiều giải pháp phát triển kinh tế, mỗi năm quận giảm được 2% hộ nghèo, hạ tỷ lệ hộ nghèo hiện nay xuống còn 4,32%... 

Tập trung phát triển kinh tế

Nói về sự phát triển quận Ô Môn, đồng chí Lê Việt Sĩ cho biết: Năm 2004, theo Nghị định của Chính phủ, quận Ô Môn được thành lập trên cơ sở chia tách từ huyện Ô Môn. Lúc bấy giờ, hơn 60% dân số của quận sống dựa vào nông nghiệp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn; kết cấu hạ tầng, nhất là điện, đường, trường, trạm, hệ thống thủy lợi thấp kém, chưa đồng bộ… Thách thức đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền, MTTQVN và các đoàn thể quận là phải có giải pháp hiệu quả để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế và xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao đời sống nhân dân.

Đô thị trung tâm quận Ô Môn ngày càng khang trang, sầm uất.
Đô thị trung tâm quận Ô Môn ngày càng khang trang, sầm uất.

Theo đồng chí Lê Việt Sĩ, nhằm xây dựng quận phát triển xứng tầm là một trong những quận nội ô thành phố, liên tục 3 nhiệm kỳ đại hội (2005-2010, 2010-2015 và 2015-2020), Đảng bộ quận luôn xác định phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp- thương mại dịch vụ- nông nghiệp chất lượng cao. Trên cơ sở đó, Quận ủy, UBND quận đề ra nhiều giải pháp hiệu quả. Cụ thể, tăng cường xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp. Tập trung phát triển theo chiều sâu đối với ngành có lợi thế như công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm, hàng may mặc. Khuyến khích mở rộng mạng lưới đại lý cung ứng vật tư, thiết bị sản xuất, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng; đầu tư xây dựng 9 chợ loại III, xây dựng chợ trung tâm quận đạt chợ loại II… Đến nay, trên địa bàn quận có 1.125 cơ sở công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, tăng 179 cơ sở so với năm 2004; có 9.070 cơ sở thương mại- dịch vụ, tăng 5.135 cơ sở so với năm 2004.

Bên cạnh đó, Quận ủy, UBND quận chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực vận động, hỗ trợ nhân dân phát triển nông nghiệp và thủy sản theo hướng phục vụ nhu cầu đô thị và công nghiệp chế biến, xuất khẩu; đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống cây trồng giúp nhân dân cải tạo vườn kém hiệu quả, trồng cây ăn trái giá trị kinh tế cao; xây dựng các mô hình chăn nuôi hiệu quả. Nhờ vậy, quận đã hình thành một số vùng chuyên canh rau màu chất lượng cao; phát triển được 3.012ha vườn cây ăn trái; hình thành nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như trồng cây so đũa, trồng gừng trong bao, nuôi dê, nuôi bò, nuôi gà đẻ trứng… Ông Lê Văn Thôn, nông dân khu vực Thới Thạnh, phường Thới An phấn khởi cho biết: “Cuối năm 2015, được phường hỗ trợ vay 50 triệu đồng và trợ giá cây giống, tôi  chuyển 3 công ruộng lên vườn, trồng 280 gốc cam xoàn. Năm rồi, vườn cam cho thu hoạch vụ đầu được 6 tấn trái, huê lợi được hơn 40 triệu đồng. Năm nay, vườn cam dự kiến cho 10 tấn trái”. Còn ông Võ Văn Bé Chính, khu vực Thới Xương 1, phường Thới Long, khoe: “Được Hội Nông dân phường hỗ trợ vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, tôi đã xây dựng mô hình nuôi bò. Vài năm nay, mỗi năm tôi bán từ 7-8 con bò thịt, lời từ 80-90 triệu đồng nên đã thoát nghèo”.

Hoàn thiện kết cấu hạ tầng

Cùng với chăm lo phát triển kinh tế, 15 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Ô Môn đã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, từng bước thay đổi diện mạo đô thị quận. Đồng chí Lê Việt Sĩ, Chủ tịch UBND quận nhớ lại, khi mới thành lập quận, hệ thống giao thông chủ yếu đường đất; điện, nước sinh hoạt thiếu thốn; trường học, trạm y tế xập xệ, chưa đáp ứng nhu cầu… Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, 15 năm qua, quận đã huy động các nguồn lực được 21.000 tỉ đồng, trong đó huy động sức dân đóng góp hơn 140 tỉ đồng và hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc trị giá hàng chục tỉ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Điển hình như công trình trụ sở làm việc của khối đoàn thể quận; trụ sở làm việc các phường Long Hưng, Thới Hòa; Trung tâm Văn hóa quận; Bệnh viện Đa khoa quận; Trường THCS Châu Văn Liêm, Trường THCS Lê Lợi, Trường THCS Thới Hòa...

Riêng hệ thống giao thông đã xây dựng và nâng cấp 1.909 cây cầu, tráng bê tông và trải nhựa 1.130km đường… Ông Nguyễn Văn Hòa, người dân khu vực Trường Hòa, phường Trường Lạc, phấn khởi nói: “Mỗi công trình khi triển khai xây dựng, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương đều tổ chức họp bàn dân chủ công khai với nhân dân, từ đó nhân dân đã tin tưởng, hiểu rõ lợi ích nên đồng tình ủng hộ và đóng góp. Riêng tuyến đường này gia đình tôi hiến 60m2 đất để mở rộng mặt đường. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đóng góp công sức, tiền của cùng Nhà nước xây dựng thêm nhiều tuyến đường sạch đẹp, góp phần cho quận nhà ngày càng phát triển”. Theo đồng chí Lê Việt Sĩ, đến nay, 97% hệ thống giao thông liên phường, liên khu vực được tráng bê tông, mở rộng; 78,57% trường học đạt chuẩn quốc gia; có 2/7 phường đạt chuẩn văn minh đô thị...

Có thể thấy rằng, với sự đoàn kết, năng động, sáng tạo của hệ thống chính trị, cũng như sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, 15 năm qua, kinh tế- xã hội quận Ô Môn có sự phát triển vượt bậc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; kết cấu hạ tầng được xây dựng tương đối đồng bộ, ngày càng hoàn thiện. Đồng chí Lê Việt Sĩ, cho biết, thời gian tới, quận sẽ hoàn thành quy hoạch tổng thể; quy hoạch các vùng sản xuất cụ thể; tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh cải cách hành chính; bảo đảm giữ vững ổn định an ninh trật tự… để thu hút đầu tư, sự thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Phấn đấu xây dựng và phát triển quận Ô Môn trở thành trung tâm công nghiệp- đô thị của TP Cần Thơ.

ANH DŨNG

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
quận Ô Môn