16/10/2017 - 20:41

Tạo môi trường để doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp 

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9-12-2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (NQ 09), đội ngũ doanh nhân ngày càng trưởng thành, phát huy tiềm năng và vai trò trong phát triển sản xuất kinh doanh. Là một trong những địa phương đi đầu về thực hiện NQ 09, TP Cần Thơ đã xây dựng các chương trình hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết này, từ đó tạo động lực cho đội ngũ doanh nhân phát triển. 

Hiệu quả

Ngay khi Bộ Chính trị ban hành NQ 09, TP Cần Thơ ban hành nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp cải tiến, đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, bảo vệ tài sản trí tuệ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố. Đội ngũ doanh nhân trong và ngoài khu vực doanh nghiệp nhà nước ngày càng trưởng thành, thể hiện tính năng động hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh; nâng cao uy tín thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, góp phần nâng cao vị thế của thành phố đối với cả nước và vươn ra quốc tế. Kinh tế thành phố liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng tích cực, duy trì ổn định hằng năm đạt 7,25%; thu nhập bình quân đầu người từ 50,4 triệu đồng năm 2013 lên 65,3 triệu đồng năm 2016. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp, cho biết: “90% doanh nghiệp có tổ chức Đảng hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả”.

Từ những chính sách hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp tại TP Cần Thơ không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế. Trong ảnh: Công ty cổ phần nông sản Vinacam quảng bá sản phẩm tại hội chợ. Ảnh: KHÁNH NAM

Những năm qua, TP Cần Thơ nỗ lực thực hiện cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh khởi sự doanh nghiệp, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, triển khai chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp.... được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Điều này thể hiện qua Chỉ số cải cách hành chính công (PAPI) và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố tăng hằng năm. Định kỳ hằng tháng, UBND thành phố tổ chức đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Hiện, TP Cần Thơ có khoảng 7.000 doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 100.000 lao động; bình quân mỗi năm  có khoảng 1.000 doanh nghiệp thành lập mới. Thành phố có khoảng 78.140 cơ sở kinh tế cá thể đang hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 137.000 lao động.

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, cho rằng: Để gia tăng sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp, vai trò của doanh nhân phải được nâng cao. Hơn 1 thập niên, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khá nhanh, tuy nhiên lực lượng doanh nhân chưa đủ lớn về số lượng, chất lượng. ĐBSCL chiếm khoảng 10% số doanh nghiệp cả nước, có khoảng 425 người dân/doanh nghiệp, còn khá ít so với nhiều vùng trong cả nước và trên thế giới. Về quy mô 98% doanh nghiệp trong vùng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, bình quân, khoảng 14 tỉ đồng/doanh nghiệp.

Để doanh nhân thành công  

Trong xu thế hội nhập quốc tế, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp mang tính toàn cầu. Đây là cơ hội và cũng là thách thức cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp có nhiều cơ hội hợp tác cung cấp các sản phẩm, dịch vụ; học hỏi kinh nghiệm kinh doanh. Từ sự cạnh tranh, mỗi doanh nghiệp phải tự “nâng mình” để thích ứng. Trình độ của mỗi nhân viên, đặc biệt đội ngũ lãnh đạo cũng hoàn thiện để thích nghi với môi trường kinh doanh mới. Tuy nhiên, thách thức trực diện là các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực kinh tế mạnh, trình độ quản lý hiện đại.

Ông Phạm Gia Túc, Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ, nhìn nhận: Việc triển khai NQ 09 tại TP Cần Thơ vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Môi trường đầu tư, kinh doanh mặc dù đã được cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cũng như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Công tác hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo chưa được thực hiện nhiều. Tốc độ cải cách thủ tục hành chính chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 6 năm qua chưa cao, chưa có nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn.

Trong xu thế này, đội ngũ doanh nhân- vai trò của những đầu tàu, cũng phải nỗ lực thích ứng để “lèo lái” con thuyền doanh nghiệp. Ông La Minh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ (C.T.C), cho rằng: Trước tình hình này, doanh nghiệp buộc phải nhìn lại chính mình, muốn tồn tại và phát triển, cần phải có cách nghĩ, cách làm theo hướng tích cực, chuẩn bị nhiều yếu tố từ nội lực đến mức độ am hiểu thị trường. Trong đó, C.T.C xác định nguồn nhân lực là yếu tố quyết định. Tuy nhiên, để doanh nghiệp phát triển, Chính phủ cũng như chính quyền địa phương cần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và bình đẳng. Xây dựng mối kết nối giữa các doanh nghiệp, doanh nhân để bổ sung cho nhau những lợi thế, tạo hệ thống kinh doanh hoàn chỉnh, đủ lớn để cạnh tranh.

Ông Nguyễn Văn Hào, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phân bón và hóa chất Cần Thơ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Cần Thơ, cho rằng: Từ những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng lớn mạnh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chưa có chỗ đứng vững trên thị trường thế giới, kể cả những mặt hàng chủ lực như gạo và thủy sản. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ công chức còn hiểu chưa đúng, gây nhũng nhiễu, phiền hà về các thủ tục hành chính...

Đóng góp ý kiến cho kinh tế thành phố phát triển, ông Võ Đông Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, Công ty cổ phần Caseamex, cho biết: Trong xu hướng hội nhập, từ những lợi thế về sản xuất gạo, thủy sản và cây ăn trái; cùng đó là nguồn nhân lực dồi dào ngày càng nâng cao chất lượng, TP Cần Thơ cần chú trọng đẩy mạnh lĩnh vực chế biến sau thu hoạch. Ngoài ra, thành phố cần xây dựng ngành công nghiệp chế biến sâu để có những sản phẩm đạt chất lượng cao nhất trên thị trường xuất khẩu. 

Phó Bí Thư Thành ủy Cần Thơ Phạm Gia Túc nhấn mạnh: Để tiếp tục triển khai có hiệu quả NQ 09, Thành ủy, UBND TP Cần Thơ tiếp tục triển khai, thực hiện các chương trình hành động. Chú trọng công tác cải cách hành chính, đặc biệt thủ tục hành chính với các doanh nghiệp. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp thông qua chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp... Đồng thời, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đảm bảo quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết