04/12/2018 - 21:53

Tạo khác biệt, bứt phá để ươm mầm những startup thành công 

Tiếp nối "Chương trình đào tạo dành cho các nhà đầu tư, nhà quản lý về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Investor Bootcamp" (gọi tắt là VSV Investor Bootcamp Cần Thơ 2018), các chuyên gia hỗ trợ về khởi nghiệp tiếp tục mang đến cái nhìn khách quan, toàn diện về quá trình hình thành, phát triển của các startup và đưa ra những định hướng quan trọng để các startup (doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo) có thể phát triển các ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm khởi nghiệp, gọi vốn và thương mại hóa sản phẩm, giải pháp công nghệ.

Bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Đề án VSV, Công ty cổ phần Việt Nam Silicon Valley Accelerator trao đổi với các học viên về những vấn đề liên quan đến hỗ trợ startup.

Bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Đề án VSV, Công ty cổ phần Việt Nam Silicon Valley Accelerator: 
STARTUP PHẢI TẠO KHÁC BIỆT, BỨT PHÁ VÀ CHIẾM LĨNH THỊ TRƯỜNG

Quan trọng nhất đối với các cơ quan, tổ chức tham gia hỗ trợ khởi nghiệp phải phân biệt được thế nào là startup và thế nào là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thứ hai, những doanh nghiệp hiện thời đang đi theo con đường truyền thống để trở thành doanh nghiệp quy mô vừa hoặc trở thành doanh nghiệp lớn thì con đường khá khó khăn. Tuy nhiên, nếu biết cách để chuyển đổi từ mô hình doanh nghiệp nhỏ sang doanh nghiệp startup thì sẽ có nhiều cơ hội hơn. Đó là cơ hội thu hút đầu tư, chiếm lĩnh thị trường, thử nghiệm sản phẩm mới đưa ra thị trường, mang đến những trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. Các startup phải tránh trùng lắp với những ý tưởng đã có người làm, đã từng thất bại hoặc đã thành công. Điều quan trọng là phải làm thế nào tạo được sự khác biệt vì startup là phải khác biệt, nếu không khác biệt thì cũng phải tạo được sự bứt phá, đứng đầu thị trường, hoặc thậm chí phải là duy nhất trên thị trường thì mới có thể trở thành startup và có thể gọi được vốn. Như vậy, những tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ cho startup càng phải hiểu những vấn đề này để có thể hỗ trợ cho các ý tưởng khởi nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm mới, hoặc thay thế các sản phẩm đang có trên thị trường. Ở "Chương trình đào tạo dành cho các nhà đầu tư, nhà quản lý về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo", học viên không chỉ là các startup, các doanh nhân, các cơ quan chuyên đi hỗ trợ cho startup mà còn có các giảng viên của trường đại học. Đối với các giảng viên trường đại học sẽ vun đắp cho sinh viên phát triển các ý tưởng sáng tạo hoặc các ý tưởng mà người khác không dám nghĩ đến và biết cách hỗ trợ, vun đắp cho các ý tưởng đó. Đặc biệt, cần phải có các chính sách phù hợp đối với startup. Bởi mô hình kinh doanh của startup là phải khác biệt và rất cần sự chung tay vào cuộc của các bộ, sở, ban ngành để hỗ trợ các startup bởi vì startup là rất rủi ro.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Giám đốc Điều hành Công ty Phân bón Thông minh RYNAN:
CẦN PHÂN BIỆT GIỮA LẬP NGHIỆP, KINH DOANH VÀ KHỞI NGHIỆP

Phong trào quốc gia khởi nghiệp đang đạt được những thành công nhất định và chất lượng của các chương trình khởi nghiệp ngày càng đúng nghĩa hơn, thực chất hơn. Từ phong trào khởi nghiệp, nhiều người trẻ sau khi ra trường thay vì làm việc cho doanh nghiệp hoặc các cơ quan nhà nước đã mạnh dạn ra khởi nghiệp làm chủ, tự tạo công ăn việc làm cho mình và nhiều người khác. Tuy nhiên, khởi nghiệp không phải lập nghiệp và có không ít bạn trẻ đang lập nghiệp mà cứ ngỡ mình đang khởi nghiệp. Hiện nay, nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa lập nghiệp, kinh doanh và khởi nghiệp nên sẽ rất khó thành công. Khởi nghiệp là một hành trình bao gồm quá trình hình thành, thực hiện và phát triển một doanh nghiệp, dựa trên cách nghĩ và làm khác để tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới hoặc tốt hơn nhằm giải quyết vấn đề thật hay nhu cầu mới của xã hội với một mô hình kinh doanh có thể nhân rộng nhanh chóng được. Khởi nghiệp phải khác biệt, phải mới, phải tốt hơn và nhân rộng được. Đó mới là khởi nghiệp. Khởi nghiệp bởi vì "khác và mới" nên phải có thời gian và vốn liếng để làm ra những sản phẩm mới, thí nghiệm sản phẩm mới, phát triển thị trường cho sản phẩm đó. Khởi nghiệp là phải khác biệt, phải mới, phải độc đáo và phải luôn luôn cải tiến, luôn luôn phát triển, vận động. Phân biệt được giữa khởi nghiệp, kinh doanh, lập nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp khởi nghiệp đi đúng hướng và các nhà quản lý cũng sẽ có định hướng hỗ trợ phù hợp hơn.

Anh Quách Thanh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần S.E:
NHẬN DIỆN TRÌNH TỰ KHỞI NGHIỆP, KẾT NỐI TÌM NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ

Công ty cổ phần S.E thành lập cuối năm 2017 và đến tháng 8-2018 đi vào triển khai hoạt động trên lĩnh vực công nghệ. Công ty nghiên cứu tạo ra ứng dụng tích hợp các tính năng hiện tại giúp người dùng có thể sử dụng dịch vụ di chuyển, vận chuyển hàng hóa, mua sắm, khám chữa bệnh... Qua VSV Investor Bootcamp Cần Thơ 2018, các chuyên gia đã phân tích về những khác biệt giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ với startup. Và với mô hình startup về công nghệ của Công ty cổ phần S.E, từ những kiến thức từ chương trình đào tạo đã giúp chúng tôi xác định được với mô hình của mình đã đi đúng hướng hay chưa; đang ở giai đoạn nào, cần bổ sung thêm gì và hoàn thiện nội dung gì để có thể bước đến các bước tiếp theo để tiến hành gọi vốn. Theo tôi, startup phải đột phá trong ý tưởng tức là không phải làm theo những doanh nghiệp, tập đoàn đã đi trước mà phải tạo ra sản phẩm ưu việt hơn, giúp cho người dùng cảm thấy tiện lợi hơn, đạt được giá trị cao nhất trong quá trình sử dụng dịch vụ do mình cung cấp. Trong thời kỳ sơ khai, startup sẽ tập trung nghiên cứu sản phẩm, hoàn thiện sản phẩm, sau đó tìm kiếm các đối tác, các tổ chức thúc đẩy kinh doanh hay là những cơ quan hữu quan, những người hướng dẫn và những đơn vị có thể hỗ trợ hoàn thiện doanh nghiệp mình, sản phẩm của mình. Đồng thời, tranh thủ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các mentor (người hướng dẫn) để tham gia kết nối startup với các nhà đầu tư. Khi đó, các nhà đầu tư sẽ cùng với startup hoạch định chiến lược kinh doanh cũng như lập kế hoạch ngắn, trung và dài hạn để phát triển và thương mại hóa sản phẩm.

MINH HUYỀN (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
startup