03/02/2018 - 18:44

Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tiếp cận vốn 

Năm 2017, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 18,17%, vốn tín dụng chủ yếu đi vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Lãi suất cho vay VNĐ giảm 0,5-1%/năm, các ngân hàng làm tốt công tác xử lý nợ xấu, thu hồi nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro. Cũng với chủ trương điều hành chính sách tiền tệ vĩ mô chủ động và linh hoạt, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) bám sát mục tiêu mà NHNN đề ra để hoàn thành nhiệm vụ năm 2018.

Những tín hiệu tích cực       

Thông tin về chủ trương của NHNN, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết: “Năm 2017, nhu cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế tạo nhiều áp lực lên hệ thống ngân hàng, nhưng tăng trưởng tín dụng được kiểm soát ở mức hợp lý và đạt 18,17%, dòng vốn đi vào sản xuất kinh doanh các lĩnh vực ưu tiên. Thanh khoản ngân hàng năm qua rất tốt, các TCTD đã làm tốt xử lý nợ xấu, giảm nợ xấu. Dự trữ ngoại hối đến nay đạt xấp xỉ 56 tỉ USD, chứng tỏ lòng tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp vào thị trường và điều hành của NHNN. Các TCTD cũng làm rất tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, giảm thời gian làm thủ tục cho doanh nghiệp”. Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, trong 2 năm 2016-2017, NHNN đã mua vào 24 tỉ USD để dự trữ ngoại hối, nhưng không gây áp lực cho thanh khoản ngân hàng và tỷ giá. Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD là Nghị quyết rất quan trọng đối với ngành ngân hàng và năm qua các TCTD đã làm rất tốt việc giảm nợ xấu.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2018 tại TP Cần Thơ. Ảnh: THU HÀ

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2018 tại TP Cần Thơ. Ảnh: THU HÀ

Lãnh đạo NHNN cũng khẳng định, những kết quả đạt được năm qua là sự nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống trong cung vốn, đảm bảo an toàn hệ thống, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính phủ kiên định trong điều hành kinh tế vĩ mô; NHNN điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt; chính quyền các địa phương nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh… là động lực quan trọng để doanh nghiệp phát triển. NHNN chi nhánh các tỉnh, thành đã bám sát chỉ đạo của NHNN và Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và giám sát dòng vốn, đảm bảo an toàn hệ thống. Các chi nhánh thực hiện tốt chương trình kết nối cung cầu tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Tại TP Cần Thơ, theo NHNN Chi nhánh thành phố, cuối năm 2017, tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn đạt 67.570 tỉ đồng, tăng 10,93% so với cuối năm 2016. Các TCTD đều quan tâm đến việc tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, so với cuối năm 2016, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp- nông thôn tăng 4,87% (đạt 24.918 tỉ đồng), cho vay xuất khẩu dư nợ 9.745 tỉ đồng, cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 15.700 tỉ đồng… Dư nợ cho vay nuôi trồng và thu mua, chế biến thủy sản đạt 5.607 tỉ đồng, cho vay thu mua lúa gạo đạt 6.649 tỉ đồng… Nợ xấu giảm 523 tỉ đồng so với cuối năm 2016. Theo lãnh đạo NHNN chi nhánh thành phố, hiệu quả dòng vốn đã được nâng cao, tín dụng trung và dài hạn tăng nhanh (20,41%) phản ánh sự yên tâm sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế. Đây là tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp tiếp tục phấn đấu trong năm 2018 và “sức khỏe” của doanh nghiệp cũng đóng vai trò quyết định đối với tăng trưởng tín dụng năm mới.

Linh hoạt trong điều hành

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, năm 2018, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 17% trở lên nhưng khả năng có thể thấp hơn, tùy tình hình thực tế. NHNN chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố phải giám sát chặt chẽ hoạt động của các TCTD trên địa bàn, cảnh báo các TCTD để không đi vào các phân khúc rủi ro. Tiết giảm chi phí, xử lý tốt nợ xấu để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ và gỡ khó cho sản xuất kinh doanh. Quy trách nhiệm người đứng đầu trong điều hành hoạt động ngân hàng nếu để xảy ra những rủi ro. Các ngân hàng phải chấp hành nghiêm Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 10-1-2018 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm; Chỉ thị 07/CT-NHNN ngày 11-10-2017 của NHNN về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính.

Doanh nghiệp rất cần vốn tín dụng từ ngân hàng để hoạt động (trong ảnh: hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất máy nông nghiệp Hoàng Thắng, quận Thốt Nốt). Ảnh: MỸ THANH

Doanh nghiệp rất cần vốn tín dụng từ ngân hàng để hoạt động (trong ảnh: hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất máy nông nghiệp Hoàng Thắng, quận Thốt Nốt). Ảnh: MỸ THANH

Đối với hoạt động của các TCTD trên địa bàn TP Cần Thơ, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng lưu ý, nợ xấu của các TCTD hiện chiếm 2,01% trên tổng dư nợ cho vay nhưng đó là nợ xấu nội bảng. Thống đốc yêu cầu thống kê và kiểm soát nợ tiềm ẩn trở thành nợ nợ xấu, NHNN chi nhánh cần đánh giá đúng tình hình để có giải pháp chỉ đạo sát đối với các TCTD. So với quy mô nền kinh tế của TP Cần Thơ, thì dư nợ cho vay xuất khẩu, lúa gạo, thủy sản đạt thấp, NHNN chi nhánh phải lưu ý để có giải pháp tăng dư nợ cho các lĩnh vực này, đây là nguồn lực rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của thành phố. Đồng thời phải chỉ đạo các TCTD phải quyết liệt xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, có chỉ tiêu rõ ràng. Thực hiện kết nối ngân hàng- doanh nghiệp định kỳ và có trọng tâm để đẩy vốn ra thị trường.

Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN chi nhánh thành phố cho biết, dư nợ cho vay xuất khẩu, lúa gạo, thủy sản đạt thấp do một số doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động ở các quận, huyện giáp với Hậu Giang, An Giang và doanh nghiệp vay vốn của các TCTD các địa phương này, nên dư nợ trên địa bàn Cần Thơ đạt thấp. Năm 2018, chi nhánh sẽ tiếp tục thực hiện chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp và sẽ giám sát chặt chẽ dòng vốn ra thị trường, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Chỉ đạo các TCTD mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng tín dụng; chủ động và quyết liệu xử lý nợ xấu, bảo đảm thanh khoản ngân hàng.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết