30/01/2018 - 21:10

Tạo điều kiện, giúp đỡ các đối tượng lầm lỗi hoàn lương 

Ở TP Cần Thơ, những năm qua, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ và hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, thông qua các mô hình “Dân vận khéo”. Qua đó, có nhiều trường hợp đã vững tin, tái hòa nhập cộng đồng, ra sức lao động, vươn lên ổn định cuộc sống...

Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ-CP được biểu dương, khen thưởng.

Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ-CP được biểu dương, khen thưởng.

Đến xã Trường Xuân B (huyện Thới Lai), chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui của các thành viên trong "Đội phục vụ sản xuất nông nghiệp, tái hòa nhập cộng đồng". Anh Nguyễn Thanh Vân, một trong những đội viên của Đội, phấn khởi chia sẻ: "Năm nay, anh em chúng tôi được người dân tín nhiệm, mướn làm việc nhiều hơn. Chúng tôi mừng lắm!". Năm 2015, UBND xã Trường Xuân B thành lập Mô hình "Đội phục vụ sản xuất nông nghiệp, tái hòa nhập cộng đồng", với 10 thành viên, do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban chỉ đạo mô hình. Ông Nguyễn Thành Tích, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân B, cho biết: "Chúng tôi xây dựng Quy chế hoạt động của Đội với những quy định cụ thể về: giờ giấc làm việc, giá cả… Đồng thời, chỉ đạo các trưởng ấp, cán bộ ngành, đoàn thể xã liên hệ giới thiệu công việc cho anh em trong đội. Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên họp chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế của anh em trong quá trình làm việc. Từ đó, bà con đã dần tín nhiệm, tạo điều kiện giúp anh em có công ăn việc làm ổn định".

Công việc của anh em trong Đội rất đa dạng. Mùa nào việc nấy, chủ yếu là phục vụ sản xuất nông nghiệp, như: sạ lúa, rải phân, xịt thuốc hay bốc vác lúa cho bà con trên địa bàn… Ước tính thu nhập bình quân của mỗi người từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Với khoản thu nhập này, phần nào giúp các anh em cải thiện đời sống. Ông Nguyễn Thành Tích nói: "Hiệu quả của mô hình là đã từng bước xóa bỏ sự kỳ thị của bà con đối với những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng. Từ đó, họ ra sức lao động, có thu nhập ổn định, vững tin làm lại cuộc đời. Qua thời gian thực hiện mô hình, không có trường hợp nào tái vi phạm pháp luật".

Anh Nguyễn Thanh Vân, ở xã Trường Xuân B, năm 2013, được đặc xá sau thời gian chấp hành án phạt tù, trở về địa phương sinh sống. Năm 2015, anh Vân tham gia mô hình "Đội phục vụ sản xuất nông nghiệp, tái hòa nhập cộng đồng" ở xã. Anh Vân kể: "Lúc mới trở về địa phương sinh sống, tôi tự ti, hạn chế tiếp xúc với mọi người xung quanh. Sau khi tham gia vào Đội, tôi dần xóa bỏ mặc cảm, tích cực lao động, được bà con tín nhiệm. Thu nhập trung bình của tôi khoảng 40 triệu đồng/năm. Cuộc sống của tôi và gia đình từng bước ổn định". Trường hợp của anh Nguyễn Văn Xuyên Đảo Băng Hồ, ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai, sau 1 năm 6 tháng chấp hành xong án phạt tù về tội cưỡng đoạt tài sản, anh trở về địa phương sinh sống. Năm 2016, anh được vận động tham gia vào "Đội phục vụ sản xuất nông nghiệp, tái hòa nhập cộng đồng" ở xã Đông Bình. Giờ đây, anh Hồ đã có công ăn việc làm, thu nhập cũng dần ổn định.

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ-CP  (ngày 16-9-2011 của Chính phủ về quy định các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù), TP Cần Thơ đã đạt nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2012 đến tháng 5-2017, thành phố tiếp nhận 2.724 người chấp hành xong án phạt tù trở về cư trú tại địa phương, trong đó, 1.135 người có việc làm; 1.589 người chưa có việc làm; 74 người được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách- Xã hội và các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, TP Cần Thơ cũng đã xây dựng, tổ chức thực hiện nhiều mô hình, cách làm hay trong quản lý, giáo dục đối tượng như: Mô hình "Giới thiệu việc làm" và mô hình "Hỗ trợ vay vốn" (ở quận Cái Răng); mô hình "Hỗ trợ vốn, phát triển kinh tế, ổn định đời sống" ở xã Trung Thạnh (huyện Cờ Đỏ); mô hình "Vì ngày mai tươi sáng" ở xã Trường Long (huyện Phong Điền)…

Theo ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn thành phố thời gian qua đã tạo điều kiện giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù có cuộc sống ổn định, không còn mặc cảm, tự ti, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật. Nhiều trường hợp đã phấn đấu vươn lên, chăm lo xây dựng gia đình, làm ăn, sản xuất kinh doanh giỏi. Ý thức trách nhiệm, công tác quản lý, giám sát, giáo dục đối tượng của chính quyền địa phương được nâng lên rõ rệt. Từ đó, góp phần đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương...

CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết