30/07/2017 - 16:34

Tạo điều kiện cho Đồng bằng sông Cửu Long phát triển

ĐBSCL có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng thu hút đầu tư của các tỉnh, thành trong vùng còn nhiều hạn chế, thiếu các dự án quy mô lớn. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre 2017 mới đây, lãnh  đạo Chính phủ, các bộ ngành Trung ương cho rằng sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư vào các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, trong đó bao gồm các cơ chế chính sách, hỗ trợ tài chính.

Ngân hàng trao Cam kết hỗ trợ tín dụng cho các dự án trọng điểm của tỉnh Bến Tre tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre năm 2017

Ngân hàng trao Cam kết hỗ trợ tín dụng cho các dự án trọng điểm của tỉnh Bến Tre tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre năm 2017.

Cam kết tín dụng cho nhà đầu tư
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), từ năm 2013 đến nay, tại khu vực ĐBSCL đã tổ chức 6 hội nghị xúc tiến đầu tư với quy mô vùng, trong đó Bến Tre là 1 trong 13 tỉnh, thành trong khu vực tham gia tích cực.

Bến Tre chưa phải là một trong những địa phương tổ chức hội nghị có quy mô tương đối lớn như TP Cần Thơ, các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, nhưng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre 2017 đã có được các dự án có vốn đầu tư lớn tham gia ký kết đầu tư, ký kết hỗ trợ tín dụng, 10 dự án với tổng vốn đầu tư 1.563 tỉ đồng đã được các ngân hàng cam kết hỗ trợ tín dụng.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng: Phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có phát triển nông nghiệp-nông thôn từng bước nâng cao đời sống người nông dân và xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. 

Việc tập trung đầu tư vốn trong thời gian qua, khu vực ĐBSCL với tiềm năng và lợi thế đã thật sự trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp, hàng hóa lớn, trọng điểm của cả nước, với nhiều sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu mang lại ngoại tệ cho cả nước như: lúa gạo, thủy sản, trái cây... 

Thời gian qua, nhận thức về sự chiến lược, quan trọng của vùng ĐBSCL, NHNN đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL như: trực tiếp hỗ trợ về vốn, lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống.

NHNN và các bộ ngành Trung ương sẽ tiếp tục đề xuất với Chính phủ những cơ chế chính sách có liên quan, phù hợp với phát triển kinh tế-xã hội từng địa phương, đồng thời kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách, vốn tín dụng, dịch vụ ngân hàng...

Cũng theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, thực tế việc đầu tư tín dụng phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn như: sản xuất kinh doanh nông nghiệp là ngành thế mạnh của vùng vẫn còn thấp, trong bối cảnh sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng cạnh tranh gay gắt với sản phẩm nông nghiệp trong khu vực và thế giới, việc liên kết hợp tác và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp hạn chế, ÐBSCL chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu...

Vấn đề xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm xuất khẩu chưa được đầu tư thỏa đáng, phần nào giảm sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Do đó, cần xây dựng hoàn thiện các chính sách liên kết vùng, chính sách hợp tác công tư, chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa... 

Củng cố nội lực

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Bến Tre, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho rằng: Trong gần 5 năm qua, tỉnh Bến Tre đã đạt được những thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế-xã hội.

Đạt được những kết quả trên là nhờ có những chiến lược, định hướng của lãnh đạo tỉnh và đồng thời có sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tạo nền tảng cơ sở hạ tầng bước đầu, có ý nghĩa quan trọng trong thu hút đầu tư và phát triển của địa phương.

Bến Tre cần nâng cao nội lực, đẩy mạnh thu hút đầu tư để từng bước khẳng định vị thế của Bến Tre ở khu vực ĐBSCL. Bến Tre là địa phương có thế mạnh nổi trội về nông nghiệp so với các ngành kinh tế khác, trong đó kinh tế vườn và thủy sản được xác định là 2 ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Bến Tre đang hướng đến phát triển năng lượng tái tạo, phát triển du lịch nghỉ dưỡng.

Chính quyền tỉnh năng động, quan tâm và đồng hành cùng nhà đầu tư, luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động tại địa phương. Đây là điều kiện cần để tỉnh phát huy năng lực, mời gọi đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu đề xuất trong bối cảnh cả nước đang cơ cấu lại ngành kinh tế trong giai đoạn 2016-2020, Bến Tre cần tính đến chiến lược phát triển gắn với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, không chỉ của tỉnh mà cả trong từng dự án đầu tư.

Định hướng thu hút đầu tư cũng cần lưu ý sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, tài nguyên đất đai, nguồn nước, gắn với bảo vệ môi trường, quan tâm đến vấn đề xã hội việc làm, gắn với chất lượng cuộc sống của người dân...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng với các bộ, ngành Trung ương tạo mọi thuận lợi cho Bến Tre phát triển trong thời gian tới, nhất là hỗ trợ triển khai các dự án giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu, du lịch nghỉ dưỡng, năng lượng, nuôi trồng và chế biến thủy sản...

Bộ cam kết thường xuyên nắm bắt và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động tại Bến Tre và các tỉnh ĐBSCL...

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng yêu cầu hoạt động của các ngân hàng trên địa bàn trong thời gian tới cần nâng cao hơn, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương ĐBSCL. Ngành ngân hàng rất mong nhận được sự quan tâm của các địa phương trong việc phối hợp cùng NHNN, cũng như chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn thực hiện tốt nhiệm vụ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho từng doanh nghiệp, từng lĩnh vực, làm sao vốn tín dụng, vốn đầu tư của lĩnh vực ngân hàng, cùng với các nguồn vốn khác mang lại hiệu quả.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chính phủ sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhằm tạo điều kiện thuận lợi “đất lành chim đậu” cho các nhà đầu tư phát triển lâu dài tại ĐBSCL và Việt Nam. 

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết