06/01/2018 - 17:17

Tạo “đất sạch” cho nhà đầu tư 

Năm 2018, phương hướng xúc tiến đầu tư của TP Cần Thơ đặt ra là đẩy mạnh thu hút các dự án quy mô lớn như: Trung tâm Logistics (giai đoạn I là  85ha), khu công nghiệp hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản (43ha), khu công nghệ thông tin tập trung (20ha), khu nông nghiệp công nghệ cao. Quảng bá và kêu gọi đầu tư vào khu Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (195ha)… Để đạt mục tiêu thu hút đầu tư, việc giải quyết vấn đề “đất sạch” cho nhà đầu tư cần được tính toán chủ động.

Khó khăn về “đất sạch”

Theo Ban Quản lý các khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ (BQL CKCX&CN Cần Thơ), trong các khu công nghiệp (KCN) tập trung đang hoạt động trên địa bàn thành phố, chỉ KCN Trà Nóc I và II cơ bản lấp đầy diện tích đất công nghiệp, 4 KCN còn lại tỷ lệ lấp đầy chưa đến 70%, đang trong quá trình giải phóng mặt bằng. Cụ thể, KCN Thốt Nốt (104,3ha giai đoạn I) mới lấp đầy 65% diện tích đất công nghiệp, với 21 dự án đầu tư; KCN Hưng Phú 2B (67ha), Công ty TNHH TaeKwang Cần Thơ đầu tư nhà máy sản xuất bán thành phẩm giày thể thao (Nike) 62,2ha, hiện đã hoàn thành giai đoạn I (25ha) và chuẩn bị đưa vào hoạt động. KCN Hưng Phú I (262ha), chia làm hai cụm: Cụm A 121ha do Quỹ Đầu tư và Phát triển thành phố làm chủ đầu tư, hiện đã giải phóng mặt bằng 30ha và đang xây dựng cơ sở hạ tầng; Cụm B 152 ha, trong đó phần diện tích khoảng 65ha do Công ty cổ phần KCN Sài Gòn- Cần Thơ làm chủ đầu tư, tiến độ giải phóng mặt bằng rất chậm. Thành phố đã có chủ trương giảm diện tích 75,8ha thuộc KCN Hưng Phú I để giao cho nhà đầu tư mới. KCN BMC- Hưng Phú 2A tổng diện tích hơn 134ha, trong đó 3 doanh nghiệp hình thành trước khi thành lập KCN, diện tích còn lại của KCN này là 95,85ha nhưng mới giải phóng mặt bằng được 35ha.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống khảo sát tiến độ xây dựng của KCN Hưng Phú I (cụm A). Ảnh: MINH HUYỀN

Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó BQL CKCX&CN Cần Thơ cho biết, trên thực tế, công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng KCN chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nguyên nhân một phần do một số chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN không đủ năng lực tài chính, không cung cấp đủ “đất sạch” khi có nhà đầu tư đến tìm hiểu và thuê đất để đầu tư dự án. Các đơn vị đầu tư hạ tầng yếu về tài chính, chỉ trông chờ nhà đầu tư đến thuê đất và ứng tiền thuê đất thì mới triển khai giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng. Do vậy, các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng rất cần được sự hỗ trợ tài chính để làm tốt việc tạo quỹ “đất sạch” cho nhà đầu tư.

Các KCN tập trung hiện có 231 dự án còn hiệu lực, trong đó 207 dự án trong nước, 23 dự án FDI và 1 dự án ODA. Năm 2017, các doanh nghiệp trong KCN thực hiện nghĩa vụ thuế hơn 1.834,3 tỉ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là nguồn lực quan trọng và có những đóng góp cho ngân sách thành phố, đồng thời giải quyết việc làm cho hơn 29.000 lao động. Do vậy, phát triển bền vững KCN là mục tiêu rất quan trọng mà các địa phương đều chú trọng thực hiện. Trong đó có mục tiêu đảm bảo an toàn về mọi mặt, xanh - sạch môi trường sống, môi trường sinh thái và an cư cho người lao động. Trong chủ trương thu hút đầu tư, thành phố đặt mục tiêu chọn doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch và sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao để nâng cao chuỗi giá trị ngành công nghiệp; đồng thời hạn chế tối đa vấn nạn ô nhiễm môi trường.

Cần sự chủ động

Năm 2017, các KCN thành phố chỉ thu hút hơn 57,78 triệu USD vốn đầu tư, với 13 dự án mới (vốn đầu tư 50,82 triệu USD), còn lại là vốn tăng thêm của 18 dự án đang hoạt động. So với thực tế thì mức thu hút này khiêm tốn, nhưng phải nhìn nhận rằng, các KCN còn nhiều khó khăn trong việc tạo quỹ “đất sạch” cho nhà đầu tư, điều này có tác động mạnh mẽ đến quyết định của nhà đầu tư. Theo BQL CKCX&CN Cần Thơ, các KCN chưa có ngành công nghiệp mang tính mũi nhọn, công nghệ cao; chưa có chính sách cụ thể ưu đãi cho doanh nghiệp đây là một trong những nguyên nhân lớn ảnh hưởng thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, giá thuê đất cao gấp 2-3 lần so với các tỉnh xung quanh như: Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang… cũng làm nhà đầu tư cân nhắc khi đến tìm hiểu đầu tư tại Cần Thơ. Nhà đầu tư có thể tận dụng lợi thế hạ tầng giao thông của Cần Thơ nhưng quyết định đầu tư ở các tỉnh xung quanh do giá thuê đất rẻ hơn, có nguồn nguyên liệu dồi dào…

Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư- Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ, nhà đầu tư thường lo ngại sự cản trở trong công tác giải phóng mặt bằng khi khu vực thực hiện dự án có nhiều hộ dân cư. Vấn đề “đất sạch” cực kỳ quan trọng đối với quyết định của nhà đầu tư nhưng các địa phương thường không có đủ kinh phí để tạo đất sạch. Cũng không có sự đảm bảo nào có sẵn “đất sạch” thì sẽ có nhà đầu tư vào. Bên cạnh chính sách hỗ trợ đầu tư là yếu tố quyết định nhưng vấn đề quan trọng nhà đầu tư tính toán dự án khả thi và có lợi nhuận hay không. Trong khi chính sách ưu đãi đầu tư của Cần Thơ so với các tỉnh chưa phải là hấp dẫn.

Việc tạo quỹ “đất sạch” cho nhà đầu tư để lấp đầy diện tích đất các KCN cần sự chủ động từ doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng, từ chính sách của thành phố. Theo ông Nguyễn Hữu Phước, năm 2018, BQL CKCX&CN Cần Thơ sẽ chủ động hỗ trợ các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN tiếp tục triển khai công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng,… để có thêm đất sạch thu hút đầu tư. Hiện nay, Quỹ Đầu tư Phát triển thành phố đã giải phóng mặt bằng hơn 30ha và đang đầu tư hạ tầng chuẩn bị hình thành Khu Công nghiệp Hữu nghị Việt Nam Nhật Bản 43ha và dự kiến khánh thành vào quý II-2018.

Năm 2018, các KCN đặt mục tiêu thu hút 80-100 triệu USD vốn đầu tư, giải quyết việc làm mới cho 3.000-5.000 lao động. Các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN cũng đặt mục tiêu đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, như Công ty TNHH MTV VLXD&XLTM BMC tại Cần Thơ sẽ giải phóng mặt bằng ít nhất 10ha KCN BMC Hưng Phú 2A; Công ty cổ phần KCN Sài Gòn- Cần Thơ giải phóng mặt bằng khu 35ha (KCN Hưng Phú I cụm B)… Với những nỗ lực này, kỳ vọng năm mới kết quả thu hút đầu tư vào thành phố sẽ khả quan hơn.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết