24/11/2018 - 18:31

Soạn giả Nhâm Hùng:

Tạo cạnh tranh công bằng trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn 

Cũng bàn về thực trạng và giải pháp nâng cao hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật (VHNT) trên địa bàn TP Cần Thơ hiện nay, soạn giả Nhâm Hùng đã dành cho phóng viên Báo Cần Thơ cuộc trao đổi.

Soạn giả Nhâm Hùng trong vai trò tổng đạo diễn Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ 2017. Ảnh: DUY KHÔI

* Lấy mốc từ khi TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương vào năm 2004, theo ông nhận định, hoạt động VHNT trên địa bàn thành phố phát triển như thế nào?

- Đột phá rất nhiều. Cần Thơ liên tục tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội lớn, tầm vóc khu vực, quốc gia. Tại các hội thi, hội diễn toàn quốc, Cần Thơ cũng luôn giữ vững vị trí tốp đầu. Ngoài ra, các chương trình nghệ thuật ở nhiều quy mô, mức độ khác nhau luôn được tổ chức đều khắp phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối ngoại và phục vụ đời sống tinh thần người dân thành phố.

Cũng chính vì hoạt động VHNT của Cần Thơ sôi động như vậy mà thu hút đông đảo văn nghệ sĩ của Cần Thơ và khắp nơi về tham gia. Lực lượng hoạt động VHNT ở Cần Thơ bây giờ nhiều có thể gấp đôi so với cách đây 15 năm, dù thành phố đã chia tách. Cần Thơ còn trở thành nơi cung ứng nhân lực VHNT cho nhiều địa phương khác. Tiêu biểu là Trường Trung cấp VHNT Cần Thơ, nay là Trường Cao đẳng VHNT Cần Thơ, làm tốt vai trò “lò” chính quy vừa đào tạo, vừa cung ứng nhân lực VHNT. Bên cạnh đó, lực lượng nghệ thuật ngoài công lập cũng đang phát triển rất mạnh.

* Xin ông nói rõ hơn về lực lượng nghệ thuật ngoài công lập này?

- Cần Thơ hiện có khoảng 50 đơn vị, đội, nhóm… với trên 200 diễn viên quần chúng, hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, có khả năng tổ chức sự kiện, tham gia biểu diễn, phục vụ âm thanh, ánh sáng... cho các chương trình văn hóa, nghệ thuật. Lực lượng này hiện đang “ăn nên làm ra” bằng chính đam mê và nhiệt huyết của mình. Họ tự chủ về tài chính, cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường biểu diễn nghệ thuật. Chính sự đa năng của lực lượng này và mối quan hệ tốt với các trung tâm biểu diễn nghệ thuật ở TP Hồ Chí Minh nên họ đang dần tạo được vị thế. Điều thấy rõ nhất là lực lượng này ngày càng góp mặt nhiều trong các sự kiện VHNT của Cần Thơ.

Nói điều này trong tương quan đối chiếu với các đơn vị nghệ thuật công lập. Nếu các đơn vị nghệ thuật công lập không đầu tư, cải tiến cả về phương thức hoạt động, sự nhạy bén và giá trị nghệ thuật trong tác phẩm thì sẽ bị tụt hậu. Chúng ta nên công bằng bước vào thị trường cạnh tranh lành mạnh, từng bước “thị trường hóa” nghệ thuật biểu diễn. Điều đó buộc người làm nghề  phải thay đổi và không ngừng sáng tạo, để tồn tại.

* Ông suy nghĩ gì về việc tổ chức hội thi, hội diễn ở TP Cần Thơ hiện nay?

- Nhiều nhưng thiếu! Mỗi năm Cần Thơ tổ chức rất nhiều hội thi, hội diễn nhưng khán giả đến xem rất ít. Điều đó cho thấy sức hút của các chương trình này là không có. Bao lâu nay chúng ta vẫn cứ “năm sau giống năm trước” mà tổ chức hội thi, hội diễn.

Điển hình như Liên hoan Đờn ca tài tử, mạnh ai nấy đờn, nấy ca, na ná như nhau. Liên hoan thiếu những màn đấu đờn, đấu ca, so tài cao thấp để công chúng đánh giá, tạo nên tính hấp dẫn. Tại sao chúng ta không nghĩ hướng tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử theo định dạng chương trình truyền hình thực tế? Phải có cải tiến: Đờn ca tài tử lên truyền hình thì phải được “truyền hình hóa”, lên sân khấu, chợ nổi, điểm du lịch… cũng phải tương tự.

Hay như mới đây, Cần Thơ tái lập giải giọng ca Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền nhưng chưa quy mô, chưa thu hút nhiều người tham gia. Việc làm sao để giải thưởng trở lại quy mô toàn Nam bộ như trước đây, tìm ra những “hạt ngọc” cho sân khấu cải lương như giải đã từng làm được là điều cần trăn trở.

Điều cuối cùng tôi muốn nói, cần phải gạn lọc các hội thi, hội diễn ở thành phố. Hoạt động nào không còn sức sống, không thu hút khán giả thì mạnh dạn bỏ, dành nguồn lực đầu tư cho các hoạt động chất lượng, hấp dẫn hơn.

* Xin cảm ơn ông!l

DUY KHÔI (thực hiện)

Chia sẻ bài viết