07/11/2018 - 21:23

Tạo bước ngoặt thu hút đầu tư vào khu công nghiệp 

TP Cần Thơ vừa tổ chức Lễ công bố Khu công nghiệp (KCN) Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản với sự tham gia của hơn 80 doanh nghiệp đến từ Nhật Bản. Đây được xem là bước chuyển mới trong thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn khi đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong khu và hướng đến nhà đầu tư cụ thể từ Nhật Bản. Thành phố mong muốn không chỉ thu hút doanh nghiệp Nhật Bản vào đầu tư tại đây mà còn tạo sức lan tỏa cho các KCN còn lại.

Đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đến dự Lễ công bố và tham quan KCN Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.

Dự án KCN Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản do Quỹ Đầu tư phát triển TP Cần Thơ làm chủ đầu tư với diện tích 30ha (giai đoạn 1) nằm trong KCN logistics Hưng Phú 1 – Cụm A. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết: “Sau 24 tháng thi công, KCN Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản đã được xây dựng hoàn thiện và hiện đại với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. KCN này cũng nằm trong quy hoạch Trung tâm Logistics hạng 2 vùng ĐBSCL và cách Sân bay Quốc tế  Cần Thơ khoảng 15km. Tại đây có 2 cảng quốc tế phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu là Cảng Cái Cui và cảng Tân Cảng - Cái Cui, đáp ứng được tàu có tải trọng 20.000 tấn. Song song với quá trình đầu tư xây dựng KCN Hữu nghị Việt Nam- Nhật Bản, thành phố cũng đã tổ chức các chuyến xúc tiến, hợp tác đầu tư với các tỉnh Wakayama, Okayama, Tokyo, Niigata của Nhật Bản”.

KCN Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản được đầu tư đảm bảo theo tiêu chuẩn “Khu công nghiệp xanh” dành để thành phố mời gọi các nhà đầu tư Nhật Bản. Trong đó, các ngành nghề được ưu tiên khuyến khích sản xuất kinh doanh gồm: điện, điện tử, tin học, cơ khí, dược phẩm. Với cơ sở hạ tầng được kết nối đồng bộ sẽ là điều kiện vô cùng thuận lợi hỗ trợ tích cực cho nhà đầu tư khi vào hoạt động. Ông Lê Tiến Công, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ, chia sẻ: Với sự kiện công bố KCN Việt Nam – Nhật Bản, chúng tôi kỳ vọng thành phố sẽ thu hút được các nhà đầu tư Nhật Bản vào hoạt động tại đây. Đồng thời, Cảng Cần Thơ đang từng bước đa dạng các dịch vụ và nâng cao chất lượng phục vụ để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất trong các KCN của thành phố.

 Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP Cần Thơ, đến nay, các KCN của thành phố có 240 dự án còn hiệu lực. Các dự án thuê 399,78ha đất công nghiệp, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,68 tỉ USD; vốn đầu tư đã thực hiện 1,002 tỉ USD chiếm 59,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong đó có 23 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 377 triệu USD, vốn đầu tư thực hiện là trên 256 triệu USD chiếm 67,94% vốn đầu tư đăng ký. Trong 10 tháng đầu năm 2018, các KCN của thành phố đã thu hút được 10 dự án đầu tư mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 68,46 triệu USD và dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ thu hút thêm 1 dự án nhà máy xử lý chất thải với vốn đầu tư khoảng 33,27 triệu USD. Mới đây, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP Cần Thơ cũng đưa đoàn nhà đầu tư đến khảo sát tại KCN Ô Môn để tìm địa điểm đầu tư phù hợp.

Việc công bố KCN Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản đánh dấu mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản với TP Cần Thơ nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung. Tiềm năng hợp tác đang rất rộng mở trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản. Hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp được coi là hướng đi rất quan trọng bên cạnh lĩnh vực du lịch và nông nghiệp. Ông Vũ Tiến Lộc, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chia sẻ: Đang có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản ra nước ngoài, sang khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đang được lựa chọn là điểm đến có triển vọng và khu vực ĐBSCL sẽ là điểm đến lý tưởng để các nhà đầu tư Nhật Bản lựa chọn. Ở đây, chúng ta có tiềm năng về đất đai, thổ nhưỡng, nguồn lao động, là thị trường lớn trong cả nước. Như vậy đầu tư vào Cần Thơ cũng như là đầu tư vào ĐBSCL, khi đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng địa bàn, nâng cao hiệu quả đầu tư. Chúng tôi nghĩ rằng Cần Thơ đã có sự đầu tư và chuẩn bị tích cực để thu hút đầu tư từ Nhật Bản. Có nhiều tín hiệu cho thấy, nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm nhiều đến Cần Thơ và ĐBSCL. Cần Thơ và các tỉnh cũng đưa ra nhiều dự án đầu tư để mời gọi doanh nghiệp Nhật Bản. Việc công bố KCN Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản cũng chứng tỏ thành phố đã chuẩn bị những bước đầy đủ để đón đầu dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản.

Sự kiện công bố KCN Việt Nam – Nhật Bản, đánh dấu bước ngoặt thay đổi của TP Cần Thơ trong chiến lược thu hút đầu tư vào các KCN khi chuẩn bị sẵn quỹ đất công nghiệp sạch đã được đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn thiện. Khi các nhà đầu tư đăng ký vào KCN có thể triển khai ngay công tác xây dựng dự án và sớm đi vào sản xuất kinh doanh. Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, chia sẻ: Cùng với các nhà đầu tư Nhật Bản, các KCN của thành phố cũng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Hàn Quốc,  Đài Loan, Singapore... Với thế mạnh “tiền sông, hậu lộ”, gần cảng biển, sát sân bay Quốc tế, có hệ thống đường quốc lộ thông suốt, được quy hoạch Trung tâm logistics hạng II vùng ĐBSCL... sẽ là những điều kiện để thành phố thu hút các nhà đầu tư tiềm năng trong thời gian tới.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết