30/03/2014 - 01:55

Tăng đầu tư cho nông nghiệp

Trong khủng hoảng kinh tế, nông nghiệp luôn là bệ đỡ cho nền kinh tế, nhưng đầu tư cho nông nghiệp chưa tương xứng với mức mà ngành đóng góp. Nông dân trực tiếp làm ra nông sản luôn chịu nhiều rủi ro do biến động thị trường, đầu ra sản phẩm bấp bênh, tiếp cận vốn khó khăn. Tại hội nghị về tình hình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo vùng ĐBSCL tổ chức tại TP Cần Thơ mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, trong điều kiện đất sản xuất nông nghiệp ngày một thu hẹp, đầu tư thỏa đáng với sự đóng góp của ngành lại là vấn đề cần được tính đúng, tính đủ hiện nay. Nhất là nguồn vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Đầu tư chưa thỏa đáng

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến ngày 31-1-2014, số dư huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn các tỉnh thành ĐBSCL đạt 237.877 tỉ đồng, chỉ đáp ứng được gần 77% nhu cầu vốn vay của khu vực. Tổng dư nợ tại ĐBSCL đến ngày 31-1-2014 là 310.808 tỉ đồng, tăng 0,6% so với cuối năm 2013 và chiếm 8,98% tổng dư nợ cả nước. Năm 2013, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của khu vực ĐBSCL tăng 15,46% (cả nước tăng 19,67%). Tính đến ngày 31-1-2014, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt khoảng 126.658 tỉ đồng, giảm 1,8% so với cuối năm 2013 và chiếm khoảng 18,83% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn và chiếm 40,72% tổng dư nợ cho vay toàn khu vực. Đến ngày 31-1-2014, dư nợ cho vay thu mua lúa gạo của khu vực đạt trên 18.575 tỉ đồng, giảm 6,9% so với dư nợ tại thời điểm 31-12-2013; dư nợ cho vay nuôi cá tra đạt trên 14.413 tỉ đồng, tăng 0,4%; dư nợ cho vay nuôi tôm đạt khoảng 17.399 tỉ đồng, tăng 0,12% so với thời điểm 31-12-2013. Bên cạnh đó, thực hiện Công văn số 1149 của Thủ tướng Chính phủ về việc gia hạn nợ đối với hộ nuôi cá tra và tôm, đến ngày 31-1-2014, tổng dư nợ được gia hạn trong lĩnh vực này là 4.990 tỉ đồng tại 5 ngân hàng thương mại nhà nước (đối với các khoản nợ cũ từ ngày 15-8-2012 trở về trước)...

Cần đầu tư thỏa đáng cho nông nghiệp (ảnh: Thu hoạch lúa trong cánh đồng mẫu lớn tại xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Ảnh: NGUYỄN SỰ

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn nhất của cả nước, với nhiều sản phẩm có thế mạnh và xuất khẩu chủ lực như: gạo, thủy sản, trái cây… nhưng tín dụng cho nông nghiệp vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp qui mô nhỏ, năng lực tài chính nên hạn chế trong đầu tư, liên kết với nông dân. Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, nói: “Vụ đông xuân này, hàng ngàn nông hộ trồng lúa ở tỉnh lo vì giá bán thấp. Cứ mỗi lần thu hoạch lúa rộ là có chuyện, giá lúa giảm. Nếu lấy trung bình 1ha lúa sản lượng 5 tấn, giá bán 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, nông dân còn lời từ 30% và nhà có 5 nhân khẩu thì mỗi tháng chỉ 500.000- 600.000 đồng/người. Chưa có lao động nào mà thu nhập lại thấp như thế. Rõ ràng người làm lúa hiện nay rất khó, chuyện sản xuất và tiêu thụ phải tính toán lại cho căn cơ”. Theo ông Khang, Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cho người trồng lúa khi lúa bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nhưng thực tế thu nhập nông hộ thấp. Mức hỗ trợ 500.000 đồng/ha là quá thấp, nếu hộ nông dân chỉ có 1-2 công đất, họ không mặn mà với hỗ trợ này. Bên cạnh đó, lãi suất trần cho vay nông nghiệp 7%/năm với người trồng lúa vẫn còn cao mà chỉ nên 5%-6%/năm. Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, tính toán lại sản lượng, nếu không nông dân trồng lúa sẽ bấp bênh do mức đầu tư chưa thỏa đáng.

Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, cần đầu tư căn cơ cho nông nghiệp, bởi chính sách tạm trữ lúa gạo của Chính phủ tốt cho nông dân, nhưng bản chất là tạm thời. Nghị định 210/2013/NĐ-CP (ngày 19-12-2013) của Chính phủ thay thế Nghị định 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhưng hướng dẫn thực hiện còn tồn tại nhiều vướng mắc. Doanh nghiệp được miễn tiền sử dụng đất nhưng giấy của họ không thế chấp vay vốn được, vậy là quá căng. Chính sách chung Chính phủ đã có, nhưng phải hướng dẫn cụ thể các vấn đề mấu chốt như: Doanh nghiệp xây cánh đồng làm vùng nguyên liệu, nhưng cấp thẩm quyền phê duyệt là cấp nào, tỉnh hay Trung ương; khung chính sách xây dựng liên kết cánh đồng lớn; chính sách lãi suất cho doanh nghiệp cần hướng dẫn cụ thể…

Nhiều ý kiến cho rằng, do chưa có sàn giao dịch nông sản và hệ thống kho, dịch vụ logistics chưa đáp ứng yêu cầu nên ảnh hưởng rất lớn đến đầu ra của nông sản. Vốn tín dụng cho nông nghiệp- nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất của nông dân và doanh nghiệp. Ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, năm nay tình hình xuất khẩu gạo khó khăn. Tạm trữ lúa gạo để giữ giá, nhưng sau khi kết thúc tạm trữ, giá lúa lại giảm. Cần hỗ trợ thực chất cho nông dân. Bất cập hiện nay là khâu từ người sản xuất đến thu mua lúa đa phần qua thương lái. Nông dân chủ yếu bán lúa tươi tại đồng, không có chỗ phơi, trữ lại và 2 công đoạn làm chi phí tăng thêm, giá bán thấp là nông dân khó có lời.

Chính sách cần thiết thực

Bộ NN&PTNT đang triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung nâng chất chuỗi giá trị nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thay đổi căn cơ đời sống cho người dân nông thôn. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết tỉnh đang thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nhưng khó khăn là làm thế nào để doanh nghiệp và nông dân gắn kết chặt chẽ trong cánh đồng lớn. Hiện nay, thu mua lúa gạo trong dân chủ yếu do thương lái thực hiện, giá lúa giảm, thương lái không mua là nông dân lo sốt vó. Do vậy, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành lộ trình thương nhân xuất khẩu gạo phải có đầu tư nguyên liệu, liên kết để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng. Đối với con cá tra, khó khăn nhất hiện hay là thị trường thu hẹp và tiếp cận vốn khó khăn. Chính phủ, ngân hàng đã có nhiều chính sách đầu tư cho doanh nghiệp nông nghiệp- nông thôn nhưng có tình trạng chính sách chồng chính sách và đều vướng khâu hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước ưu tiên vốn 5 lĩnh vực ưu tiên, trong đó có nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đồng thời, cũng yêu cầu các ngân hàng thực hiện nghiêm việc tiếp tục tái cơ cấu lại nợ cho người nuôi tôm, cá tra gặp khó khăn (thời gian lên tới 36 tháng)… Thực hiện Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ, NHNN đang xây dựng chương trình thí điểm cho vay đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy xuất khẩu trong nông nghiệp. NHNN đã thống nhất với Bộ NN&PTNT về 3 đối tượng trong chuỗi liên kết sản phẩm trong sản xuất nông ngiệp (cánh đồng lớn). Hiện có vài doanh nghiệp làm nhưng mô hình này còn nhiều vấn đề phải bàn. Nếu đưa đại trà, không có tiêu chí rõ ràng thì cần thí điểm để từ đó nhân rộng và hoàn thiện chính sách. Còn liên kết nuôi trồng thủy hải sản khép kín và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì lãi suất ưu tiên là 7%/năm ngắn hạn, trung hạn 10%-10,25%/năm và NHNN sẽ cùng các bộ liên quan chọn mỗi lĩnh vực 5 doanh nghiệp để khuyến khích phát triển đồng đều. Về tài sản thế chấp, nếu các ngân hàng đăng ký quản lý chặt chẽ dòng tiền thì không cần thiết thế chấp và thế chấp thấp.

Tại hội nghị về tình hình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo vùng ĐBSCL tổ chức tại TP Cần Thơ mới đây, ông Trịnh Ngọc Khánh, Tổng Giám đốc Agribank, cho biết vốn Agribank huy động tại khu vực ĐBSCL không đủ cung ứng theo nhu cầu, nhưng Agribank vẫn đảm bảo lo đủ. Vay nông nghiệp nông thôn rủi ro cao; món vay nhỏ, chi phí lớn, nhưng với trách nhiệm của mình, Agribank sẽ chia sẻ với doanh nghiệp và nông dân. Phương án cho vay khép kín, chương trình thí điểm mà NHNN đưa ra thì Agribank rất mừng. Nếu có sự chia sẻ của chính quyền địa phương thì cho vay nông nghiệp- nông thôn- nông dân sẽ hạn chế rủi ro; tiết giảm chi phí cho khoản vay.

Nhiều ý kiến cho rằng, tín dụng là chìa khóa quan trọng thúc đẩy sự phát triển. Với sự chủ động của NHNN và các ngân hàng thương mại trong thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, cùng sự nỗ lực của chính quyền địa phương, nông dân sẽ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Đồng thời thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Trung Phong

Chia sẻ bài viết