14/04/2012 - 08:20

Tăng cường quản lý và điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc

Mắc bệnh lao đã nguy hiểm, thì mắc lao kháng thuốc, mức độ nguy hiểm còn tăng gấp nhiều lần. Bệnh nguy hiểm ở chỗ, vi khuẩn không chỉ kháng một mà là nhiều loại thuốc chống lao, khiến nguy cơ tử vong cao. Việt Nam xếp thứ 14 trong 27 nước trên toàn cầu, có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao...

Miễn phí điều trị

Hiện nay, Tổ Lao Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều đang quản lý điều trị 24 bệnh nhân lao đa kháng thuốc. Hằng ngày, từ 6 giờ đến 6 giờ 45 phút, bệnh nhân đến chích thuốc, uống thuốc. Hơn 1 năm nay, hàng ngày, anh Quách Văn Lộc, ở đường Cách Mạng Tháng 8, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều đều đến tổ lao, uống thuốc điều trị lao đa kháng. Năm 2004, anh Lộc đã từng bị lao và điều trị, sau 8 tháng thì hết bệnh. Đến năm 2010, bệnh lao tái phát. Sau khi nhập viện, bác sĩ ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi (L& BP) TP Cần Thơ chẩn đoán anh bị lao đa kháng thuốc. Sau 2 tuần điều trị tại bệnh viện, anh Lộc được chuyển về Tổ lao tiếp tục điều trị. Anh Quách Văn Lộc cho biết: “Tôi được điều trị lao và lao đa kháng miễn phí. Nếu phải đóng tiền, thì bệnh nhân nghèo không có khả năng điều trị”.

Bác sĩ Trần Việt Thắng, phụ trách Tổ lao cho biết: “Nhờ có dự án quản lý điều trị bệnh nhân lao đa kháng thuốc của Chương trình chống lao quốc gia, với sự tài trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nên từ tháng 12-2010, Tổ lao bắt đầu điều trị lao đa kháng thuốc miễn phí. Ngoài miễn phí thuốc, xét nghiệm, trong giai đoạn tấn công, bệnh nhân còn nhận được tiền hỗ trợ đi lại, tiền ăn. Thời gian điều trị lao đa kháng từ 18-24 tháng. Trong đó, 6 tháng đầu giai đoạn tấn công, bệnh nhân vừa chích thuốc, vừa uống thuốc tại Tổ Lao. Hàng tháng, bệnh nhân đến Bệnh viện L&BP TP Cần Thơ để soi đàm, cấy đàm kiểm tra. Sau thời gian 6 tháng, sang giai đoạn điều trị củng cố, bệnh nhân tiếp tục được uống thuốc lao kháng thuốc hàng ngày tại Tổ Lao”.

Bác sĩ Huỳnh Văn Thanh khám cho bệnh nhân bị lao đa kháng tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ. 

Theo quy trình, khi phát hiện bệnh nhân lao đa kháng thuốc, các cơ sở y tế chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện L& BP TP Cần Thơ, để được hướng dẫn làm các xét nghiệm, thành lập hội đồng xét duyệt bệnh nhân. Sau khoảng 2 tuần điều trị, các triệu chứng bệnh ổn định, bệnh viện chuyển bệnh nhân về Tổ Lao quận, huyện để tiếp tục điều trị. Bệnh nhân phải cam kết tuân thủ điều trị, thân nhân cũng cam kết hỗ trợ và theo sát bệnh nhân suốt quá trình điều trị. Ngoài ra, Tổ Lao cử một cộng tác viên có trách nhiệm động viên, hướng dẫn bệnh nhân lao đa kháng thuốc tuân thủ điều trị.

Tuy được điều trị miễn phí, nhưng theo phản ánh của nhiều bệnh nhân, hàng ngày, phải đến điểm uống thuốc rất bất tiện và tốn kém. Theo bác sĩ Trần Việt Thắng, đối với lao đa kháng thuốc, nếu cấp thuốc để bệnh nhân mang về nhà, khi uống thuốc có nhiều tác dụng phụ, bệnh nhân có cảm giác mệt, khó chịu, nên không loại trừ khả năng sẽ không uống vài liều thuốc. Nếu nhiều lần như thế sẽ gây nên bệnh lao siêu kháng thuốc, tác hại đến sức khỏe bệnh nhân và có thể làm lây lan bệnh lao siêu kháng thuốc ra cộng đồng. Từ thực tế đó, Bệnh viện L& BP TP Cần Thơ chỉ đạo, Tổ Lao cấp thuốc cho bệnh nhân hàng ngày để dễ theo dõi và kiểm soát việc uống thuốc của bệnh nhân, hạn chế thấp nhất những tác hại nguy hiểm. Trong 24 bệnh nhân, bệnh nhân nhà xa Tổ Lao nhất, khoảng 3 km.

Thêm nhiều kỹ thuật, trang thiết bị mới

Nhiều bệnh nhân như ông Phan Văn Lắm, 78 tuổi, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, đang điều trị tại Bệnh viện L& BP TP Cần Thơ thắc mắc: “Trước đây, tôi bị lao, điều trị 8 tháng thì hết bệnh. 4 tháng sau, bệnh tái phát, ho nhiều hơn và kèm theo có đàm. Tôi nhập viện điều trị hơn 1 tuần, bác sĩ nói tôi bị lao đa kháng thuốc”. Bác sĩ Huỳnh Văn Thanh, Trưởng khoa Lao Bệnh viện L& BP TP Cần Thơ, cho biết: “Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng lao đa kháng thuốc như: bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn lao kháng thuốc hoặc do khi bị bệnh lao, bệnh nhân uống thuốc không đều hay bác sĩ cho liều không đủ mạnh, làm vi trùng lao lờn thuốc kháng lao”. Ngoài những nguyên nhân trên, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Bệnh viện L& BP TP Cần Thơ, cho biết: “Mạng lưới y tế tư phát triển, có nhiều bác sĩ không chuyên khoa lao mà điều trị lao nên điều trị không đúng phác đồ hoặc bệnh nhân bỏ điều trị; bệnh nhân tự mua và sử dụng thuốc lao tại các nhà thuốc tư nhân, cũng gây nên tình trạng lao đa kháng thuốc. Thời gian qua, chúng tôi phối hợp với tổ chức PATH (dưới sự tài trợ của USAID), tăng cường liên kết mạng lưới y tế công và tư, nhằm phát hiện sớm bệnh nhân lao, ngăn ngừa tình trạng lao đa kháng thuốc”.

Về tác dụng phụ của thuốc, bác sĩ Huỳnh Văn Thanh, Trưởng khoa Lao Bệnh viện L& BP TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, bệnh nhân lao đa kháng thuốc phải uống tối thiểu 6 loại thuốc/ngày, liên tục từ 18-24 tháng. Vì thế, bệnh nhân phải kiên trì, tuân thủ tuyệt đối y lệnh của bác sĩ, thân nhân và bệnh nhân cùng hợp tác với bác sĩ thì hiệu quả điều trị mới cao. Tuy nhiên, tùy theo cơ địa của từng bệnh nhân, mà gặp các tác dụng phụ khác nhau, thông thường là lừ đừ, khó chịu, buồn nôn, chóng mặt... đến buổi chiều, tác dụng phụ giảm dần, có thể trở lại trạng thái bình thường. Những tác dụng này có thể chỉ ở giai đoạn đầu, khi cơ thể chưa quen với thuốc. Với một số tác dụng phụ kéo dài như: chóng mặt, viêm gan, đau khớp... bệnh nhân nên báo với bác sĩ để có thể vừa tiếp tục điều trị lao đa kháng thuốc song song với điều trị các tác dụng phụ của thuốc”.

Nhiều bệnh nhân cho rằng, mắc bệnh lao, đặc biệt lao đa kháng thuốc là mang án tử, nhưng theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn: “Hiện nay, theo báo cáo của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP Hồ Chí Minh), kết qua điều trị khỏi bệnh là 70%. Điều trị bệnh lao đa kháng thuốc thời gian dài, thuốc rất đắt tiền, kỹ thuật cao, ước tính chi phí điều trị cho một bệnh nhân tốn kém từ 80-100 triệu đồng. Được sự giúp đỡ của WHO, việc điều trị lao đa kháng thuốc được miễn phí hoàn toàn. Đến nay, chúng tôi đang quản lý và điều trị 66 bệnh nhân. Tuy chưa đủ thời gian để đánh giá hiệu quả điều trị, nhưng kết quả bước đầu khá khả quan. Muốn vậy, bệnh nhân cần tuân thủ 3Đ (uống thuốc đều đặn, đúng liều và đúng thời gian qui định)”. Ngoài ra, Bệnh viện cũng được tài trợ nhiều trang thiết bị y tế hiện đại như: lồng an toàn sinh học, máy MGI 960, tạo điều kiện thuận lợi trong chẩn đoán và điều trị bệnh lao đa kháng thuốc. Sắp tới, Chương trình chống lao quốc gia sẽ trang bị cho bệnh viện máy Gene Xper, chẩn đoán lao đa kháng thuốc trong 2 giờ. Dự kiến trong năm 2013, Bệnh viện triển khai làm kháng sinh đồ để thuận lợi hơn cho bệnh nhân trong chẩn đoán và điều trị.

Nhờ sự giúp đỡ của WHO và Chương trình chống lao quốc gia, TP Cần Thơ đã tập trung triển khai điều trị bệnh lao đa kháng thuốc miễn phí. Nhờ vậy, bệnh nhân được điều trị, quản lý tốt, hạn chế lây lan cho cộng đồng, tránh tình trạng bệnh lao siêu kháng thuốc.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết