25/06/2016 - 16:33

Ông Dương Tấn Hiển, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều:

Tăng cường quản lý trật tự đô thị

Ninh Kiều là quận trung tâm của TP Cần Thơ, công tác quản lý phát triển đô thị là yêu cầu rất quan trọng. Để phát triển đô thị bền vững, công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ môi trường, kỷ cương đô thị; xây dựng nếp sống văn minh… đều phải được quản lý từ gốc. Ông Dương Tấn Hiển, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều khẳng định, công tác quản lý được quận quan tâm thực hiện rất tốt thời gian qua và tình trạng vi phạm trong xây dựng cũng giảm mạnh, kỷ cương đô thị được tăng cường.

* Ông nhận định gì về công tác quản lý xây dựng trên địa bàn quận thời gian qua?

 

- Đây là nhiệm vụ trọng tâm của Ninh Kiều. Thời gian qua, trên địa bàn quận tình hình đầu tư xây dựng, các dự án xã hội hóa đạt nhiều kết quả quan trọng; phát triển thêm nhiều khu dân cư… Từ sự phát triển này cũng tạo áp lực lớn trong công tác quản lý nhà nước về xây dựng. Song, quận đã có hàng loạt giải pháp như: tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành trật tự, kỷ cương đô thị, xây dựng đường phố vệ sinh, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường… Công tác tuyên truyền này làm từ quận đến các phường, khu vực với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, đoàn thể và xác định tuyên truyền sâu rộng để thay đổi ý thức của người dân… Bên cạnh công tác tuyên truyền, quận chỉ đạo các phòng chức năng và phường xử lý hành chính các trường hợp vi phạm; giáo dục cho người dân hiểu quy định của pháp luật, chủ trương của thành phố và quận.

Cụ thể, trong lĩnh vực xây dựng, hiện nay cơ bản đã đi vào nề nếp, nhưng vẫn còn tình trạng xây nhà không phép, chủ yếu là xây dựng trên đất vườn, tuy nhiên sai phạm không nhiều. Bên cạnh đó, ở một số phường vùng ven như An Bình, An Khánh vẫn còn tình trạng lấn chiếm kênh rạch, lấn đất công để xây dựng. Để chấn chỉnh vi phạm trong lĩnh vực xây dựng và kịp thời ngăn chặn các trường hợp vi phạm này, quận lập rất nhiều đoàn kiểm tra, đồng thời chỉ đạo các phường lập đoàn kiểm tra để phát hiện và xử lý nghiêm trong vòng 24 giờ theo Nghị định 180/NĐ-CP của Chính phủ (xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị). Theo đó, khi phát hiện vi phạm, lực lượng chức năng sẽ thực hiện cản trở thợ, không cho xe chở vật tư vào vị trí xây dựng, tạm giữ dụng cụ của thợ tham gia xây dựng có vi phạm, yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm ngay từ đầu… Việc ngăn chặn ngay trong vòng 24 tiếng đồng hồ nhằm tránh tình trạng phải thực hiện cưỡng chế về sau. Cách xử lý này vừa không gây tốn kém nhiều cho nhà nước và cả người dân. Khi Qua áp dụng xử lý theo Nghị định 180/NĐ-CP đã giảm tỷ lệ các trường hợp phải cưỡng chế. Còn với các trường hợp vi phạm xây dựng mà đơn vị chức năng của quận phát hiện trễ, hoặc người dân cố tình vi phạm khi đã xây dựng xong thì phải áp dụng Nghị định 121/NĐ-CP để xử lý hành chính, bằng hình thức phạt tiền và chính quyền buộc khắc phục hậu quả là tháo dỡ, nhưng đây là "hạ sách".

* Diện mạo đô thị của quận đã thay đổi khá nhiều. Theo ông, đâu là những điểm nhấn của đô thị trung tâm về tiêu chí "sáng- xanh- sạch- đẹp"?

-Năm 2016, quận đưa vào hoạt động hệ thống công viên Hùng Vương và qua đó phục vụ tốt nhu cầu vui chơi, thể dục… của người dân trong quận nói chung và đặc biệt là người dân các phường Thới Bình, Cái Khế. Quận đầu tư cải tạo lại khu vực công viên bến Ninh Kiều kết hợp với cầu đi bộ đã tạo nên điểm nhấn thu hút du khách. Theo thống kê, dịp Tết Nguyên đán và các ngày lễ lớn vừa qua, trung bình mỗi ngày có khoảng 10.000 lượt người tham quan cầu đi bộ và vui chơi khu vực công viên bến Ninh Kiều, còn ngày thường khoảng 3.000 lượt người. Người dân rất đồng tình và phấn khởi với điểm vui chơi mới này, quận đang tiếp tục đầu tư thêm cây xanh, hoa kiểng để tạo thêm điểm nhấn.

Một góc đô thị trung tâm Ninh Kiều. Ảnh: T.HÀ

Một điểm sáng mà quận đã cơ bản giải quyết được đó là khắc phục phần nào tình trạng ngập nghẹt ở các tuyến phố khi mưa lớn. Để hạn chế tình trạng ngập do mưa, ngay từ tháng 4 và tháng 5-2016, quận chỉ đạo phòng ban chuyên môn và các phường thực hiện nạo vét kênh mương để khơi thông hệ thống dòng chảy nhằm thoát nước tốt nhất khi mưa. Đồng thời, các dự án đầu tư nâng cấp đô thị đã thi công lại hệ thống cống thoát nước trên một số tuyến phố chính trên địa bàn quận đã phát huy hiệu quả tiêu thoát nước… Hiện nay, dù mưa có ngập nhưng số điểm bị ngập đã ít hơn, một số nơi ngập do kỹ thuật nên quận đang tiếp tục chỉ đạo các giải pháp để tích cực hạn chế tình trạng này. Năm nay, đỡ hơn so các năm trước, do quận có sự chủ động trước mùa mưa.

Trong công tác thu gom xử lý rác thải, bảo trì hệ thống chiếu sáng, chăm sóc cây xanh… thời gian qua quận thực hiện đấu thầu công khai và đến nay đã chọn được một số nhà thầu. Qua công tác đấu thầu đã góp phần tiết giảm chi phí đầu tư cho ngân sách khoảng 30% so với dự toán…

* Bên cạnh những mặt đã làm được thì vẫn còn những hạn chế, khó khăn trong công tác đảm bảo trật tự, kỷ cương đô thị. Giải pháp nào để khắc phục?

-Hiện nay, khó khăn trên địa bàn quận là có 2 chợ: An Cư và An Nghiệp vẫn còn tình trạng tiểu thương buôn bán ở vỉa hè, không vào chợ. Mặc dù quận cương quyết chỉ đạo lực lượng chức năng và phường tăng cường kiểm tra và xử lý nhưng cứ vắng mặt lực lượng chức năng là tình trạng tái chiếm, vi phạm lại xảy ra. Vừa qua, quận cho lập chốt gác ở khu vực chợ An Cư, An Nghiệp, nên tình trạng lấn chiếm vỉa hè có giảm. Và mới đây, quận đã xây dựng mô hình mới là cho lắp đặt hệ thống camera quan sát ở khu vực đường Huỳnh Thúc Kháng (khu chợ An Nghiệp – PV) để giám sát và xử lý phạt "nguội" các trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Đồng thời xử lý luôn tình trạng vứt rác thải bừa bãi ra đường và xuống rạch, nên tình trạng vi phạm đã giảm hẳn và sắp tới sẽ tiếp tục áp dụng ở khu vực chợ An Cư. Nhưng biện pháp căn cơ là thời gian tới sẽ cấm buôn bán thực phẩm tươi sống, rau củ quả ở vỉa hè các khu vực 2 chợ này để chuyển tiểu thương vào trong chợ buôn bán cho nề nếp, phát huy được kinh doanh trong chợ, đảm bảo vỉa hè, lòng đường được thông thoáng.

* Ninh Kiều được xác định là đô thị trung tâm của TP Cần Thơ, vậy quận làm gì để đạt mục tiêu này, thưa ông?

-Ninh Kiều là quận trung tâm của thành phố, phải đảm bảo tiêu chí đô thị "sáng- xanh- sạch- đẹp". Do đó, công tác quản lý đô thị, giữ gìn trật tự kỷ cương đô thị là vấn đề rất quan trọng. Tháng 7-2016, quận sẽ thành lập Tổ trật tự đô thị trực thuộc Phòng quản lý đô thị, lực lượng này khoảng 10 người; quận sẽ trang bị xe, phương tiện và trang phục cho lực lượng này để thực hiện công tác tuần tra, giữ gìn trật tự đô thị. Đồng thời gắn camera ở một số tuyến đường, vừa góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, vừa giữ gìn trật tự kỷ cương đô thị.

Quận đang thực hiện đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn giai đoạn 2015-2020, để người dân đồng tình cùng thực hiện, giải pháp trọng tâm của quận là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc giữ gìn môi trường đô thị, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Đồng thời thực hiện nâng cấp đô thị ở một số tuyến hẻm, ngách giai đoạn 2016-2020; đối với một số tuyến hẻm nhỏ sẽ vận động người dân đóng góp 40%, nhà nước 60% kinh phí đầu tư. Song song đó, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các nhà tài trợ, tổ chức để thực hiện nâng cấp các tuyến hẻm mà nơi đó đời sống, thu nhập của người dân còn gặp khó khăn.

* Xin cảm ơn ông!

GIA BẢO (thực hiện)

Chia sẻ bài viết