29/08/2012 - 20:31

Tăng cường quản lý Nhà nước đối với các dự án đầu tư

Đồng chí Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (bìa phải) kiểm tra công trình
tường kè sông Ô Môn.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP Cần Thơ, thời gian qua, thành phố tăng cường việc phân cấp đầu tư đã tạo điều kiện thuận lợi cho lãnh đạo các địa phương thực hiện quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư nhà nước vào các công trình quan trọng, bức xúc... Tuy nhiên, theo nhận định của các ngành hữu quan, thực tiễn quá trình đầu tư xây dựng những năm qua cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề cần sớm có giải pháp điều chỉnh...

Năm 2011, Sở KH&ĐT đã tiếp nhận 145 dự án và báo cáo kinh tế kỹ thuật. Theo đó, Sở đã trả 29 dự án và 23 báo cáo kinh tế kỹ thuật, do thực hiện Nghị quyết 11/2010/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và nhiều hồ sơ dự án thiếu báo cáo tác động của môi trường, nguồn vốn...; thẩm định trình UBND thành phố phê duyệt 50 dự án với tổng mức đầu tư trên 1.601 tỉ đồng; phê duyệt 43 báo cáo kinh tế kỹ thuật với tổng mức đầu tư là 49,038 tỉ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, Sở KH&ĐT tiếp nhận 28 dự án và báo cáo kinh tế kỹ thuật; trả về 3 dự án và 11 báo cáo kinh tế kỹ thuật, do thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15-10-2011 của Chính phủ (về việc tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ) và hồ sơ dự án thiếu báo cáo đánh giá tác động môi trường, nguồn vốn... Ngoài ra, Sở KH&ĐT thành phố thẩm định trình UBND thành phố phê duyệt 8 dự án, 11 báo cáo kinh tế kỹ thuật với tổng mức đầu tư 2.321 tỉ đồng; phê duyệt 2 báo cáo kinh tế kỹ thuật với tổng mức đầu tư 1,912 tỉ đồng; trình UBND thành phố phê duyệt 1 dự án và 3 dự án đang thẩm định...

Bà Lê Dương Cẩm Thúy, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, thành phố tăng cường việc phân cấp quyết định đầu tư đã tạo điều kiện thuận lợi cho lãnh đạo địa phương thực hiện quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư nhà nước vào đầu tư các công trình quan trọng... Ngoài ra, việc phân cấp này góp phần tăng cường tính chủ động cho các địa phương về thẩm quyền, trách nhiệm trong việc quyết định chủ trương và phê duyệt dự án đầu tư cũng như bố trí vốn đầu tư thực hiện các công trình dự án; cải cách một bước các thủ tục hành chính trong quản lý đầu tư...

Tuy nhiên, theo bà Lê Dương Cẩm Thúy, thực tiễn quá trình đầu tư xây dựng những năm qua cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề cần phải được xem xét. Điển hình như: Các công trình xây dựng cơ bản thành phố đa phần thực hiện không đảm bảo thời gian phê duyệt dự án, điều chỉnh nhiều lần làm thay đổi tổng mức đầu tư. Việc bố trí vốn đầu tư chưa đảm bảo tập trung dứt điểm các công trình chuyển tiếp mà lại tiếp tục lập thủ tục chuẩn bị đầu tư để khởi công các công trình mới. Việc phân bổ vốn đầu tư qua từng năm cho các dự án chưa hợp lý, nhiều dự án vượt thời gian cân đối vốn theo quy định (nhóm B: 5 năm, nhóm C: 3 năm), làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, tiến độ giải ngân, thời gian đầu tư của dự án kéo dài, gây lãng phí và kém hiệu quả. Công tác thẩm định dự án của một số địa phương còn chủ quan, một số trường hợp chưa cập nhật kịp thời các văn bản chỉ đạo cấp trên và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; chưa bám sát địa bàn, vị trí dự án để thẩm định... Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên là do cơ chế chính sách, quy định của pháp luật chưa đồng bộ, chưa phù hợp với tình hình thực tế. Thực tiễn ở các mặt như: quy hoạch, các quy định liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng dù được sửa đổi nhiều lần nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, rất ít công trình đảm bảo giải phóng mặt bằng đúng tiến độ. Sự thiếu sót trong thực hiện nhiệm vụ tham mưu về phân bổ vốn đầu tư của Sở KH&ĐT, công tác phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát của các sở, ngành chức năng chưa được thường xuyên liên tục. Năng lực hoạt động, năng lực quản lý của một số chủ đầu tư, ban quản lý còn hạn chế; công tác quản lý, theo dõi, kiểm tra chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết; chưa cập nhật, nắm bắt các nguyên tắc, quy định mới của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng. Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước của các ngành, các ban quản lý dự án về đầu tư XDCB, năng lực của công chức, năng lực đơn vị tư vấn, nhà thầu... vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo các ngành hữu quan, để giải quyết những hạn chế trên, cần có nhiều giải pháp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý nhà nước về xây dựng cơ bản trên địa bàn thành phố. Về vấn đề này, ông Trần Thanh Cần, Giám đốc Sở KH&ĐT TP Cần Thơ, kiến nghị: UBND thành phố tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị có liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Việc chỉ đạo, kiểm tra chủ yếu tập trung vào các nội dung cơ bản như: Khi thực hiện các dự án mới, phải làm tốt quy trình chuẩn bị đầu tư; trong giai đoạn thực hiện đầu tư cần thực hiện tốt khâu lựa chọn nhà thầu, tư vấn thiết kế, giám sát và thi công xây lắp. Chỉ quyết định đầu tư các dự án khi xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định đảm bảo hiệu quả và không trái với quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng. Thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhằm phát hiện ngăn chặn, xử lý các sai phạm trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng; nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm túc quy định về giám sát và đánh giá của cộng đồng; đảm bảo nguồn thanh quyết toán kịp thời, tạo thuận lợi cho nhà thầu, tiền công cho người lao động trên công trường.

Tại buổi làm việc với Sở KH&ĐT thành phố vừa qua, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Cần tăng cường công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra không để các công trình đầu tư vượt tổng mức cho phép, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có) trong lĩnh vực XDCB, thẩm định các dự án đầu tư. Thời gian tới, Sở KH&ĐT thành phố cần phối hợp chặt với Sở Xây dựng thường xuyên kiểm tra chất lượng dự án; trình độ, năng lực của các đơn vị tư vấn để đưa ra các biện pháp chế tài khi cần thiết...

Bài, ảnh: TUYẾT NHUNG

Đồng chí Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (bìa phải) kiểm tra công trình tường kè sông Ô Môn.

Chia sẻ bài viết