11/10/2018 - 07:58

Tăng cường kỹ năng, sáng tạo trong học tập 

Sau hơn 9 tháng thực hiện mô hình Trường Điển hình đổi mới, Trường Tiểu học Bình Thủy đã có những bước tiến trong quản lý, dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Lớp học do cô Ngô Thủy Tiên, giáo viên dạy nữ công Trường Tiểu học Bình Thủy, phụ trách khá sinh động. Dụng cụ, trái cây được giáo viên bố trí ở bàn đặt ngang ở phía trên, dãy bàn của học sinh được xếp thành hình chữ U, giúp các em dễ dàng quan sát giáo viên thực hành cách pha chế trà nhiệt đới. Cô Tiên vừa thực hành vừa hướng dẫn học sinh. Mỗi công đoạn, các em đều mạnh dạn nêu câu hỏi để tìm hiểu. Em Đỗ Minh Khuê, học sinh lớp 2A2, hào hứng: “Con rất thích học giờ của cô. Vừa học, vừa có thức uống ngon, về nhà con còn biết phụ giúp cha mẹ”. Theo cô Ngô Thủy Tiên, tùy theo lứa tuổi học sinh mà chủ đề dạy môn nữ công khác nhau. Với học sinh lớp 2, mục đích chính giúp các em biết cách chăm sóc, yêu thương người thân. Còn học sinh lớp lớn hơn thì được dạy nhiều về kỹ năng.


Học sinh tham gia lớp đàn Organ Keyboard. Ảnh: B.KIÊN

Trường Tiểu học Bình Thủy có 54 cán bộ, giáo viên và nhân viên với khoảng 1.290 học sinh. Là một trong số trường thực hiện mô hình Trường Điển hình đổi mới vào năm 2018, Trường Tiểu học Bình Thủy thực hiện 11 nội dung, với 29 lớp trải nghiệm như: tiếng Anh, Toán trí tuệ, Văn tuổi thơ, Rèn chữ, đàn Organ Keyboard, Mỹ thuật, Nữ công, Bơi, Bóng rổ - Cầu lông, Stem-robotic. Trường có trên 390 học sinh lớp 2 và lớp 3 đăng ký học. Để phục vụ các lớp này, trường bố trí 15 giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn giảng dạy; đồng thời mời thêm giáo viên trợ giảng. Riêng môn tiếng Anh mời thêm 2 giáo viên nước ngoài; thêm 3 giáo viên dạy môn bơi, làm bánh.

Theo lãnh đạo nhà trường, nhờ được Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố và lãnh đạo quận Bình Thủy quan tâm kiện toàn cơ sở vật chất, trường có 100% học sinh được học 2 buổi/ngày, có tổ chức bán trú. Học sinh được tham gia tất cả các nội dung đã đăng ký theo sở thích. Tuy nhiên, do đây là năm đầu tiên thực hiện mô hình, nên trường gặp một số khó khăn khi tổ chức tiết học, một số phụ huynh đăng ký môn chưa phù hợp với sở trường và sở thích của học sinh, khiến các em chưa tích cực tham gia hoạt động trong giờ thực hành; kinh phí hỗ trợ cho giáo viên cũng như việc mua sắm chưa kịp thời.

Để khắc phục, trường sắp xếp thời khóa biểu phù hợp; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến phụ huynh học sinh, động viên giáo viên giảng dạy theo năng lực học sinh. Với cách làm này, cuối năm học 2017-2018, có 194 học sinh khối 2 và 280 học sinh khối 3 hoàn thành chương trình, đạt trên 99%. Học sinh tích cực, tự tin, mạnh dạn tham gia các phong trào thi đua do thành phố và quận tổ chức, đạt 52 giải các cấp. Hơn hết, những nội dung trong mô hình Trường Điển hình đổi mới mang lại hiệu quả tích cực. Đơn cử như môn Nữ công, sau thời gian bỡ ngỡ ban đầu, nay các em đã có hiểu biết về an toàn vệ sinh thực phẩm; phát triển kỹ năng tự phục vụ, giúp cha mẹ việc nhà. Hay môn Stem-robotic, các em hiện đã biết cách lắp ráp và điều khiển robot.

Theo bà Trịnh Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Thủy, mục tiêu chính của Trường Điển hình đổi mới là hình thành cách dạy và học theo hướng lấy hoạt động của học sinh làm trung tâm, nhằm phát huy sự chủ động, sáng tạo và năng lực của các em. Từ đó, nhà trường tạo cho học sinh không gian trải nghiệm, sáng tạo; các hoạt động bổ trợ việc giảng dạy và học. Khi thực hiện mô hình Trường Điển hình đổi mới, môi trường sư phạm của trường có thêm động lực và sinh khí mới trong hoạt động quản lý, dạy và học. Lại thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành được đầu tư khang trang; giáo viên được tham gia các lớp tập huấn phương pháp dạy mới với giáo viên nước ngoài... Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: “Quan trọng hơn, học sinh được thụ hưởng môi trường sư phạm tốt, với đầy đủ trang thiết bị giảng dạy hiện đại. Các em được học, làm quen với một số môn học mới, tăng cường kỹ năng, sáng tạo trong học tập. Đây là nền tảng giúp trường thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới”.

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết