16/07/2008 - 22:22

Dược sĩ Đặng Thanh Thủy, Trưởng Phòng Quản lý dược, Sở Y tế TP Cần Thơ:

Tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trong sản xuất kinh doanh để góp phần bình ổn giá thuốc

Thanh tra Sở Y tế kiểm tra giá thuốc ở một nhà thuốc trên địa bàn TP Cần Thơ. Ảnh: K.LOAN 

Sau ngày 30-6-2008, Bộ Y tế cho phép các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu thuốc, DN sản xuất thuốc trong nước được đăng ký kê khai lại giá thuốc. Dư luận lo ngại rằng, với sự “bật đèn xanh” từ Bộ Y tế, liệu các DN có nhân cơ hội này để điều chỉnh tăng giá bán hàng loạt, gây thêm khó khăn cho bệnh nhân? Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ, dược sĩ Đặng Thanh Thủy, Trưởng phòng Quản lý Dược, Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết:

Cuối tháng 6, đầu tháng 7-2008, nhiều DN sản xuất thuốc trong nước, DN nhập khẩu thuốc đã đề nghị Bộ Y tế cho điều chỉnh giá thuốc. Đây là động thái không có gì mới. Trước đây, khi DN nhập khẩu nhập thuốc thì phải đăng ký kê khai với Bộ Y tế giá nhập khẩu, dự kiến giá thuốc bán buôn, bán lẻ tại thị trường Việt Nam. Với các DN sản xuất thuốc trong nước khi làm hồ sơ xin lưu hành thuốc trên thị trường cũng phải đăng ký kê khai giá thuốc bán buôn, bán lẻ. Sau đó, trong quá trình lưu hành thuốc, cũng có DN xin kê khai lại giá thuốc so với lần kê khai lần đầu (đăng ký nhập khẩu hoặc đăng ký lưu hành thuốc).

Từ tháng 5-2007, Bộ Y tế đã phân cấp và hướng dẫn tạm thời cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Tài chính thành lập tổ kiểm tra, kiểm soát giá thuốc kê khai lại của các DN sản xuất thuốc đóng trên địa bàn (Bộ Y tế xem xét giải quyết cho các DN nhập khẩu thuốc). Ngay sau đó, Sở Y tế kết hợp với Sở Tài chính thành lập tổ kiểm tra, kiểm soát giá thuốc và thẩm định hồ sơ xin kê khai lại giá thuốc. Tuy nhiên, đến tháng 5-2008, Bộ Y tế có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành ngưng không nhận hồ sơ kê khai lại giá thuốc của các DN sản xuất thuốc đóng trên địa bàn. Đồng thời cũng yêu cầu các DN sản xuất thuốc trong nước cũng như các DN nhập khẩu thuốc không đăng ký kê khai lại giá thuốc cho đến thời điểm 30-6-2008. Đây là giải pháp của Bộ Y tế góp phần bình ổn giá thuốc.

Nhưng trong tình hình hiện nay: ngoại tệ biến động, giá xăng dầu thế giới, lãi suất ngân hàng tăng cao, đặc biệt giá nguyên liệu sản xuất thuốc tăng (theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay trên 95% nguyên liệu phục vụ cho sản xuất thuốc phải nhập khẩu) nên giá thuốc bị ảnh hưởng. Ngoài ra, theo lộ trình của Bộ Y tế, đến ngày 1-8-2008, nếu DN nào chưa đạt GMP-WHO (thực hành tốt sản xuất thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới) về sản xuất thuốc tân dược thì ngưng tiếp nhận hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc. Điều này buộc DN phải đạt GMP-WHO mới tiếp tục được cho phép đăng ký sản xuất thuốc. Vì vậy, nhiều DN phải đầu tư hoàn thiện lại dây chuyền sản xuất: nhà xưởng, trang thiết bị, nhân lực... Đây cũng là một nguyên nhân kéo theo giá thành sản phẩm tăng.

Từ những nguyên nhân khách quan kể trên mà Bộ Y tế buộc phải chấp thuận cho các DN được kê khai lại giá thuốc.

* Thưa dược sĩ, đến thời điểm này đã có DN nào ở Cần Thơ xin điều chỉnh giá thuốc chưa?

- Ở TP Cần Thơ có 5 DN là Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang và 4 công ty TNHH dược phẩm: Bình Nguyên, Phương Nam, Việt Phúc, Nam Tiến có chức năng sản xuất thuốc tân dược. Nếu các DN này có nhu cầu xin kê khai lại giá thuốc, họ sẽ gởi hồ sơ xin kê khai lại giá thuốc cho tổ liên ngành Sở Y tế, Sở Tài chính. Đến thời điểm này, chúng tôi đã tiếp nhận hồ sơ của Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, Công ty TNHH dược phẩm Việt Phúc. Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang sản xuất trên dưới 300 mặt hàng, hiện Công ty xin điều chỉnh 24 mặt hàng, mặt hàng có giá điều chỉnh cao nhất là 10,34%.

Thực hiện chủ trương của Bộ Y tế, để tránh tình trạng DN xin điều chỉnh giá hàng loạt nên tổ liên ngành chỉ ưu tiên xem xét những mặt hàng chuyên khoa, đặc trị. Đồng thời, cũng vận động DN những mặt hàng nào thực sự bức xúc do tác động của các yếu tố khách quan (đã thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí mà giá bán vẫn không bù đắp chi phí) thì mới xin điều chỉnh giá.

* Dư luận cho rằng sẽ có tình trạng các nhà thuốc, đại lý thuốc nhân dịp này để tăng giá? Những giải pháp nào sẽ được thực hiện nhằm bình ổn giá thuốc, thưa dược sĩ?

- Thông tư liên tịch số 11/2007/TTLT-BYT-BTC-BCT ngày 31/08/2007 giữa Bộ Y tế-Bộ Tài chính-Bộ Công thương về việc Hướng dẫn thực hiện quản lý nhà nước về giá thuốc dùng cho người đã quy định: Trong quá trình kinh doanh thuốc, các DN sản xuất, nhập khẩu thuốc phải cung cấp cho khách hàng về giá bán buôn dự kiến (giá đã kê khai hoặc kê khai lại); các cơ sở bán thuốc căn cứ giá bán buôn dự kiến do cơ sở cung cấp hoặc tham khảo trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược để định giá bán ra nhưng không được cao hơn giá bán buôn do cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc đã kê khai, kê khai lại. Như vậy, giá bán buôn thuốc đã kê khai, kê khai lại coi như giá bán buôn của toàn chặng kinh doanh. Đây là cơ sở để kiểm tra xử lý những cơ sở kinh doanh bán thuốc với giá cao hơn quy định, bán thuốc với giá bất hợp lý (bất kể đã qua bao nhiêu khâu trung gian).

Bộ Y tế đã có Công văn số 4627/BYT-QLD ngày 01/7/2008 và Công văn số 4857/BYT-QLD ngày 09/7/2008 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp quản lý thị trường, phối hợp triển khai các biện pháp bình ổn thị trường thuốc. UBND TP Cần Thơ cũng đã có Công văn số 3701/UBND-KT ngày 11-7-2008 chỉ đạo các Sở: Y tế, Công thương, Tài chính, lực lượng Công an kinh tế... thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, kiểm soát các tổ chức, cá nhân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc trên địa bàn. Biện pháp này nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các biểu hiện tiêu cực như: Tổ chức găm hàng, đầu cơ tích trữ; tung tin thất thiệt gây tình trạng khan hiếm thuốc giả tạo; tự ý điều chỉnh tăng giá thuốc; mua bán thuốc không có hóa đơn chứng từ rõ ràng, kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc; không thực hiện đầy đủ việc niêm yết giá thuốc và bán theo đúng giá niêm yết, ...

Ngoài việc kiểm soát giá thuốc kê khai, kê khai lại của các DN sản xuất, nhập khẩu thuốc, để tránh tình trạng đầu cơ, lợi dụng tăng giá để tăng giá thuốc đột biến thì tất cả các cơ sở bán thuốc phải niêm yết giá bán, niêm yết trên bảng giá, trên bao bì thuốc. Đối chiếu với hóa đơn chứng từ mua bán thuốc, chúng tôi sẽ phát hiện xem họ có tự ý bán thuốc cao hơn giá kê khai (với Bộ Y tế) hoặc bất hợp lý hay không? Ngoài ra, việc kiểm tra hóa đơn cũng là kiểm tra nguồn gốc thuốc nhằm ngăn ngừa thuốc trôi nổi, kém chất lượng, thuốc nhập lậu, thuốc giả.

* Nếu phát hiện vi phạm, các cơ sở sẽ bị xử lý như thế nào?

 

- Tất cả vi phạm đều được xử lý theo qui định trong Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 06-4-2005 của Thủ tướng Chính phủ “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế”; Nghị định số 169/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá. Chúng tôi sẽ căn cứ theo vi phạm mà có hình thức xử phạt tương ứng. Bộ Y tế cũng quy định sẽ áp dụng hình phạt bổ sung như: đình chỉ, thu hồi, tạm dừng việc cấp phép nhập khẩu, đăng ký sản xuất, lưu hành thuốc đối với các doanh nghiệp có vi phạm về việc tự ý nâng giá thuốc.

* Thưa dược sĩ, qua đợt tăng giá này nhóm bệnh nhân nào sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất?

- Hai năm nay, các cơ sở điều trị ở TP Cần Thơ đã thực hiện đấu thầu cung ứng thuốc. Hiện nay, hầu hết các thuốc cung cấp cho các bệnh viện vẫn giữ được giá cũ khi công bố kết quả trúng thầu, và được giữ giá ổn định từ khi có kết quả đấu thầu từ tháng 10-2007 đến hết tháng 10-2008. Khi đã đấu thầu thì nhà thầu phải cung cấp giá thuốc cũ cho hết thời gian thực hiện hợp đồng mặc dù giá thuốc trên thị trường có tăng. Vì vậy, trong đợt này cơ sở điều trị không chịu ảnh hưởng giá thuốc tăng.

Tôi nghĩ, hiện nay kinh doanh theo cơ chế thị trường, khi có biến động về giá, các DN sẽ tính toán lại phương án sản phẩm, mặt hàng nào sản xuất ít bị động hơn thì tập trung sản xuất. Khi bắt buộc phải xin kê khai lại giá thuốc các DN còn phải cân nhắc kỹ vì họ còn cạnh tranh giá bán với nhau nên không thể tăng giá tùy tiện được. Biến động về giá thuốc có diễn ra thì chủ yếu ở thị trường tự do (các nhà thuốc, đại lý...) ảnh hưởng đến bệnh nhân bị bệnh thông thường, phải mua thuốc ở ngoài để điều trị. Tuy nhiên, bằng các biện pháp bình ổn thị trường được Bộ Y tế triển khai đồng bộ ở tất cả các địa phương, việc giá thuốc tăng sẽ không thể hiện ở diện rộng, đột biến mà chỉ ở một số mặt hàng thuốc đặc trị (thuốc trị bệnh tiểu đường, ung thư, tim mạch ...) ở mức giá kiểm soát được.

* Theo dược sĩ, trong lúc này, bệnh nhân phải làm gì để mua được thuốc đảm bảo chất lượng mà giá không quá cao?

- Không nên sử dụng thuốc theo thói quen, theo quảng cáo, tự điều trị; chỉ sử dụng thuốc khi thực sự cần thiết và nên theo lời khuyên của thầy thuốc. Trường hợp phải dùng thuốc nên đến các cơ sở điều trị hợp pháp khám và điều trị.

* Xin cảm ơn dược sĩ!

HUỆ HOA (thực hiện)

Chia sẻ bài viết