13/12/2007 - 15:20

Bà Khưu Hà, Trưởng phòng Giáo dục mầm non - Sở Giáo dục và đào tạo TP Cần Thơ:

Tăng cường hơn nữa công tác quản lý chất lượng giáo dục mầm non

Gần đây, vụ bé gái Đỗ Ngọc Bảo Trân, 18 tháng tuổi, bị cô giáo dán băng keo vào miệng (xảy ra ở Trường Mầm non Thiên Thơ, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) làm nhiều phụ huynh trong cả nước bàng hoàng, lo lắng. Không ít người muốn gởi con vào các điểm giữ trẻ, các trường mầm non băn khoăn không biết phải gởi ở đâu cho an toàn. Phóng viên Báo Cần Thơ đã đem những bức xúc này trao đổi với bà Khưu Hà, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non - Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ.

* Trước hết, xin bà cho biết ý kiến xung quanh vụ bé Đỗ Ngọc Bảo Trân ở TP Hồ Chí Minh bị cô giáo dán băng keo vào miệng dẫn đến tình trạng “thập tử nhất sinh”. Ngành giáo dục mầm non thành phố rút ra được bài học gì qua vụ việc này?

 

- Trước hết, chúng tôi rất xót xa và luôn mong cho bé Bảo Trân vượt qua được những tình huống xấu nhất. Không phải khi xảy ra sự việc này chúng tôi mới “giật mình” mà vấn đề phòng chống tai nạn cho trẻ đã được ngành giáo dục TP Cần Thơ thường xuyên chỉ đạo sát sao và có kế hoạch thực hiện nghiêm túc. Chúng tôi luôn xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục mầm non.

Ngay từ đầu mỗi năm học, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đều có công văn chỉ đạo các Phòng GD&ĐT các quận, huyện trực thuộc thực hiện chỉ đạo các cơ sở mầm non tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng đồ chơi, phương tiện phục vụ cho việc tổ chức ăn, bán trú cho trẻ, thực hiện đầy đủ các qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm... Đặc biệt là tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống tai nạn thương tích, đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng cho trẻ. Từ sự việc này, ngành giáo dục thành phố sẽ quan tâm nhiều hơn nữa về chuyên môn sư phạm mầm non của giáo viên ở các trường, nhóm trẻ gia đình.

* Bà có thể cho biết vai trò của Phòng Giáo dục Mầm non trong việc rà soát lại hệ thống các trường mầm non công lập, ngoài công lập, các nhóm trẻ gia đình trên địa bàn thành phố nhằm ngăn chặn sự việc đáng tiếc như đã xảy ra ở Trường Mầm non Thiên Thơ?

- Phòng Giáo dục Mầm non có nhiệm vụ phát hiện những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn và đề xuất tham mưu với Sở GD&ĐT trong việc chỉ đạo thực hiện, nâng cao vai trò giáo dục mầm non. Sắp tới, công tác quản lý chất lượng giáo dục mầm non sẽ được xiết chặt hơn.

Hàng năm, ngành giáo dục thành phố đều tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên mầm non, đặc biệt là các thao tác xử lý trong những tình huống phòng chống tai nạn cho trẻ. Đến nay, các trường mầm non của thành phố thực hiện rất tốt công tác này. Riêng nhóm trẻ gia đình, mặc dù có những hạn chế nhất định nhưng đã góp phần vào sự nghiệp giáo dục. Ở khía cạnh khác, các nhóm trẻ gia đình còn linh động về giờ giấc đón trẻ, giữ trẻ theo yêu cầu của phụ huynh. Đây cũng là đối tượng mà ngành giáo dục thành phố đặc biệt quan tâm. Các trường mầm non công lập được ngành giao nhiệm vụ hỗ trợ chuyên môn cho các nhóm trẻ gia đình và xem đây là một nhóm lớp của trường công về mặt chuyên môn.

Thực hiện Quyết định 31/2005/QĐ-BGD&ĐT, Sở GD&ĐT đã có công văn chỉ đạo các Phòng GD&ĐT mở các lớp bồi dưỡng sơ cấp sư phạm nuôi dạy trẻ cho toàn bộ người giữ trẻ chưa có chuyên môn ở các nhóm trẻ gia đình. Hầu hết các nhóm trẻ gia đình rất có ý thức vấn đề này.

Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi lo nhất là rất hiếm người đi học sư phạm mầm non. Nguyên nhân chính vẫn do lương giáo viên mầm non còn quá thấp, trong khi thời gian lao động nhiều (10 giờ/ngày), ở một số nơi cơ sở trường lớp còn hạn chế... Những điều này đã gây khó khăn trong việc mở rộng mạng lưới trường lớp cả công lập và ngoài công lập. Chúng tôi rất cần sự quan tâm hơn nữa của lãnh đạo thành phố về vấn đề này.

* Xin bà cho biết những tiêu chí đánh giá chất lượng các cơ sở mầm non ngoài công lập? Nguồn nhân lực (đội ngũ giáo viên, nhân viên bảo mẫu) ở các nơi này được tuyển chọn dựa trên những chuẩn nào? Nếu có trường hợp không đủ chuẩn, sẽ giải quyết ra sao?

- Các trường mầm non, mẫu giáo ngoài công lập hoạt động theo Điều lệ trường mầm non và sự quản lý chặt chẽ của các phòng GD&ĐT, về chất lượng chăm sóc- giáo dục ngang bằng các trường công lập trên địa bàn. Giáo viên có trình độ Trung học Sư phạm mầm non (hệ 12+2, 9+3); thấp nhất là trình độ từ lớp 9 trở lên + sơ cấp 3 tháng (phổ biến ở các nhóm trẻ gia đình).

Theo số liệu thống kê, thành phố có 82,41% giáo viên đạt chuẩn trung học sư phạm ngành mầm non (không kể các nhóm trẻ gia đình). Số còn lại đang được đi học chuẩn hóa trung học sư phạm và học sơ cấp. Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo chương trình bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn bằng nhiều hình thức: chính qui, không chính qui, liên kết đào tạo...

Tuy nhiên, giáo viên có bằng cấp chuyên môn không cũng chưa đủ, mà cần phải thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, trao đổi rút kinh nghiệm. Ngoài kiểm tra định kỳ, Sở, Phòng GD&ĐT các quận, huyện và các trường công lập quản lý chuyên môn các nhóm trẻ gia đình còn tổ chức kiểm tra đột xuất, xuyên suốt. Qua đó, nhằm hạn chế những nguy cơ không an toàn cho trẻ...

Đối với nhóm trẻ gia đình, Sở GD&ĐT cũng đã có công văn chỉ đạo trong trường hợp không đủ điều kiện hoạt động thì không được cấp phép hoặc tái cấp phép. Mặc dù vậy, rất cần chính quyền địa phương vào cuộc, vì hiện nay vẫn còn một số nơi chưa quan tâm đúng mức công tác này (UBND xã, phường, thị trấn có chức năng cấp phép hoạt động các nhóm trẻ gia đình nhưng đã có trường hợp không đủ điều kiện vẫn hoạt động).

* Ở góc độ của nhà quản lý, bà có lời khuyên nào dành cho các bậc phụ huynh, nhất là trong việc phối hợp giữa nhà trường - gia đình để giúp trẻ hấp thụ môi trường giáo dục đầu tiên được tốt hơn?

- Sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh hết sức quan trọng. Các bậc phụ huynh cần thông tin sức khỏe của trẻ cho nhà trường biết để cùng theo dõi. Trong thời gian qua, có những trường hợp giấu bệnh trẻ nhất là những bệnh hiểm nghèo, rất nguy hiểm cho trẻ. Cả nhà trường và phụ huynh cần trao đổi thông tin cho nhau về trẻ.

Chúng tôi luôn yêu cầu hiệu trưởng và giáo viên các trường mầm non thực hiện nghiêm túc qui chế nuôi dạy trẻ và phòng tránh tai nạn cho trẻ. Cán bộ quản lý các trường, các nhóm trẻ gia đình cần kiểm tra, đôn đốc giáo viên của mình có ý thức và tiên lượng những tai nạn xảy ra cho trẻ, đồng thời có kỹ năng xử lý tai nạn cho trẻ. Để làm được những điều này, các cô phải có cái tâm của nhà giáo và tấm lòng yêu trẻ của một người mẹ.

* Xin cảm ơn bà!

Xuân Quyên (thực hiện)

Thành phố vẫn còn 6 xã, phường chưa có trường mầm non; có 6 trường cơ sở vật chất còn thiếu thốn; cần khoảng 1.400 phòng học cho các trường mầm non nhưng chỉ mới có khoảng 700 phòng học; có gần 1.400 giáo viên mầm non (không kể nhóm trẻ gia đình), còn thiếu khoảng 300 giáo viên cho số lượng trẻ hiện tại. Hiện nay, khu vực nội thành Cần Thơ trường mầm non công lập, ngoài công lập ở đều quá tải. Có trường khả năng nhận khoảng 500 - 600 cháu nhưng nay đã lên đến trên 800 cháu. Ngành đã báo động tình trạng này và đang tìm hướng khắc phục. Số lượng trẻ mầm non sẽ còn tăng cao trong thời gian tới.

Chia sẻ bài viết