23/11/2013 - 20:17

Tăng cường công tác viện trợ phi chính phủ nước ngoài

Trong những năm qua, cùng với chính sách đổi mới, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã vào Việt Nam với số lượng và giá trị viện trợ ngày càng tăng và đã có đóng góp nhất định cho công tác xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội ở nước ta.

2,4 tỉ USD trong 10 năm hợp tác viện trợ

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam với vai trò là cơ quan thường trực của Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PACCOM), được Chính phủ giao làm cơ quan đầu mối trong vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Theo thống kê của PACCOM, nếu vào năm 2002, viện trợ phi chính phủ nước ngoài giúp Việt Nam chưa vượt qua mức mốc 100 triệu USD nhưng đến những năm gần đây đã đạt mức khoảng 300 triệu USD/năm. Trong giai đoạn 2002-2012, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã tài trợ, triển khai tổng cộng 28.052 chương trình, dự án và các khoản viện trợ với tổng trị giá giải ngân xấp xỉ 2,4 tỉ USD cho Việt Nam; trong đó trên 1,12 tỉ USD viện trợ đến từ khu vực Bắc Mỹ (47%), 813 triệu USD từ châu Âu (34%) và trên 450 triệu USD từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương (19%).

Hoạt động viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố và ở hầu hết các bộ, ngành, tổ chức nhân dân. Những năm gần đây, một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Khánh Hòa, Thái Nguyên… tiếp nhận được từ 10-35 triệu USD/năm từ nguồn viện trợ phi chính phủ. Một số Bộ, tổ chức nhân dân như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ…tiếp nhận được từ 5-20 triệu USD/năm.

Nếu xét một cách tổng thể, viện trợ phi chính phủ nước ngoài chiếm tỷ trọng trong GDP của Việt Nam không phải lớn, tính trong cả quá trình vừa qua, năm cao có thể đạt 0,45% GDP, năm thấp (năm 2012) chiếm khoảng 0,21% GDP.

Những tác động tích cực

Ông Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam nhận định: Viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên, trong đó đặc biệt là y tế, giáo dục, giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển tổng hợp, môi trường, chống biến đổi khí hậu, cứu trợ khẩn cấp.

Viện trợ phi chính phủ nước ngoài tập trung ở những lĩnh vực và địa bàn mà Việt Nam ưu tiên. So với các nguồn vốn đầu tư phát triển khác, tiếp cận của viện trợ phi chính phủ nước ngoài nhanh hơn. Từ khi khảo sát, lập kế hoạch đến khi triển khai và kết thúc cũng nhanh. Tiếp cận cộng đồng và nhóm đối tượng thì trực tiếp hơn.

Nhìn chung có ba tác động chính về mặt kinh tế - xã hội. Một là, bằng nguồn tài trợ của mình, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hay còn gọi viện trợ phi chính phủ nước ngoài đã góp một phần giải quyết những khó khăn về tình hình xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân ở những vùng có dự án của Việt Nam.

Trên thực tế, với sự phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam những năm qua, ở những nơi không có dự án phi chính phủ nước ngoài, giảm nghèo vẫn tiếp diễn, đời sống nhân dân vẫn được nâng lên nhưng khi quan sát thấy ở những nơi có sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thì dường như xóa đói giảm nghèo nhanh hơn, bền vững hơn.

Thứ hai, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cùng dự án đã giới thiệu, ứng dụng các mô hình phát triển và khi thành công thì nhân rộng một số mô hình, cách tiếp cận, phương pháp trong phát triển. Nhiều khi hỗ trợ tài chính chưa chắc đã quý giá bằng giúp phương pháp và cách tiếp cận. Ví dụ như hỗ trợ phát triển cộng đồng như thế nào, làm thế nào để có sự tham gia của người dân vào quá trình phát triển, hay trong các lĩnh vực y tế thì cách tiếp cận nào cho hiệu quả nhất, trong giáo dục cho người lớn, cho trẻ em, giáo dục tiền học đường thì phương pháp nào có hiệu quả cao hơn…

Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài bằng kinh nghiệm thực tế của mình đưa mô hình tài chính vi mô (tín dụng nhỏ) áp dụng vào huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Mô hình này sau đó thành công đặc biệt với người nghèo, phụ nữ nghèo. Hỗ trợ nâng cao đời sống bà con nhưng đồng thời tăng quyền cho phụ nữ. Từ mô hình này phát triển, sau này Nhà nước ta đã ban hành chính sách về tài chính vi mô.

Trong y tế, có mô hình phòng chống sốt xuất huyết, sau khi triển khai thành công ở Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới nhân rộng ra khu vực châu Á. Mô hình truyền thông và giáo dục đồng đẳng về phòng chống HIV/AIDS được đánh giá là khá hiệu quả.

Mô hình phát triển nông thôn tổng hợp, mô hình làng, bản tự quản… đã được các tổ chức phi chính phủ triển khai trong nhiều năm qua. Đây cũng là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Tác động thứ 3 về mặt năng lực cán bộ và người dân. Trong những dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài luôn có một hợp phần cơ bản là đào tạo tập huấn nâng cao năng lực. Thông qua dự án đã có hàng ngàn cán bộ, hàng trăm nghìn người dân được đào tạo tập huấn nâng cao năng lực. Thực tế vào những vùng chưa có dự án người dân không tự tin trong tiếp cận. Khi có dự án thì người dân đã biết chủ động hơn trong tìm tòi phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao mức sống.

Về giải quyết hậu quả chiến tranh, trong đó có lĩnh vực rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thực tế đã tham gia với Việt Nam gần 20 năm qua, với mức mỗi một năm các tổ chức đã tài trợ khoảng 10-15 triệu USD. Viện trợ tập trung chủ yếu ở Bắc Trung Bộ, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi... Đây là những khu vực tập trung nhiều bom đạn trong thời gian chiến tranh.

Về mặt chính trị đối ngoại, thông qua hoạt động, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài góp phần tăng cường hiểu biết và mở rộng quan hệ hữu nghị của nhân dân và đối tác các nước với Việt Nam. Bên cạnh đó các tổ chức cũng có nhiều hoạt động thúc đẩy thương mại công bằng cho Việt Nam như phản đối chính sách của một số nước nhằm chống bán phá giá áp vào hàng hóa, nông sản của Việt Nam...

Tăng cường công tác viện trợ

Khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tác động đến mọi hoạt động của nền kinh tế thế giới nói chung và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài nói riêng, nhất là việc thay đổi chiến lược về viện trợ. Xu hướng chuyển giao một phần viện trợ chính thức (ODA) sang các tổ chức phi chính phủ nước ngoài là một xu thế phổ biến. Việc Việt Nam trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình cũng đã làm cho ODA thay đổi tỷ trọng từ viện trợ về nguồn lực sang giải pháp về phát triển. Hơn nữa Việt Nam không còn thuộc nhóm các nước ưu tiên hỗ trợ của một số nhà tài trợ của tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đôn Tuấn Phong cho biết: Căn cứ theo Chương trình quốc gia xúc tiến viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2013-2017, Việt Nam đã định hướng viện trợ phi chính phủ nước ngoài theo các ưu tiên của Chính phủ và vào các lĩnh vực mà các tổ chức phi chính phủ nước ngoài có lợi thế; trong đó đặc biệt ưu tiên về mặt lĩnh vực: y tế, giáo dục, nông nghiệp và phát triển nông thôn, đào tạo dạy nghề, giải quyết các vấn đề xã hội, phòng ngừa ứng phó với biến bổi khí hậu. Địa bàn thì ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bảo thiểu số, vùng nông thôn, vùng cận đô...

Để các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tiếp tục ủng hộ Việt Nam, có một số giải pháp đã được đề xuất, trong đó có nhóm biện pháp về thể chế chính sách. Cơ quan hữu quan tiếp tục tham mưu xây dựng bổ sung, sửa đổi hệ thống văn bản pháp quy nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động, viện trợ được triển khai với thủ tục đơn giản, nhanh gọn, đảm bảo yêu cầu quản lý.

Nhóm thứ hai là cung cấp thông tin. Các tổ chức cần thông tin về Việt Nam, nhu cầu của Việt Nam là gì để họ xem có thể đóng góp được hay không. Ngược lại các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam cần có thông tin về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để có thể tiếp cận được.

Nhóm thứ ba là về hiệu quả viện trợ. Viện trợ càng hiệu quả thì càng khuyến khích các tổ chức tài trợ nhân rộng. Thực tế những năm qua cái đã khuyến khích các tổ chức quốc tế tiếp tục tăng cường và mở rộng hỗ trợ Việt Nam chính là yếu tố hiệu quả. Nếu so sánh với một số tổ chức quốc gia trên thế giới, thì Việt Nam đã làm được khá nhiều. Chính phủ Việt Nam cũng có trách nhiệm với hiệu quả viện trợ. Chính phủ có chế độ chính sách quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành địa phương Việt Nam khi hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài phải làm gì như thế nào, kể các mặt tài chính. Việt Nam đã có những biện pháp về mặt chính sách để đảm bảo viện trợ được sử dụng một cách nghiêm túc.

Ông Đôn Tuấn Phong dẫn chứng: Giả định giải ngân của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hằng năm 30 tỉ USD, Việt Nam ở mức khoảng 1%. Viện trợ phi chính phủ nước ngoài trong năm 2010 toàn thế giới là 30 tỉ USD, Việt Nam mới đạt 300 triệu USD. Việt Nam đã làm tốt nhưng xét tổng thể bức tranh toàn thế giới, thì tiềm năng khai thác vận động còn nhiều. Vấn đề là Việt Nam làm như thế nào, đến đâu.

Nếu đem so sánh theo đơn vị hỗ trợ từ nguồn viện trơ phi chính phủ ở nước ngoài trên đầu người trên thế giới hiện nay Lào ở mức 9-10 USD/người, Campuchia là 17 USD/người còn Việt Nam đang ở mức 3,1 USD/người. Nếu Việt Nam tranh thủ được ở mức 4 USD/người thì chúng ta tranh thủ được khoảng 400 triệu USD/năm, nếu vận động lên mức 10 USD/người thì hỗ trợ cho công tác xóa đói giảm nghèo, y tế cơ sở, giáo dục, giải quyết hậu quả sau chiến tranh tại nước ta sẽ được đẩy nhanh 3-4 lần so với hiện nay.

Theo ông Đôn Tuấn Phong, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là tiếp tục tranh thủ và đánh giá cao sự giúp đỡ quý báu, có hiệu quả của các chính phủ và các tổ chức quốc tế cũng như các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Những dự án phi chính phủ nước ngoài tập trung nhiều nhất vào giảm nghèo và phát triển bền vững đã và đang mang lại lợi ích thiết thực, giúp nâng cao đời sống nhân dân trong khi ngân sách nhà nước chưa có điều kiện đáp ứng. Do đó, tăng cường viện trợ là vấn đề đang đặt ra trong giai đoạn sắp tới.

HOÀNG THỊ HOA (TTXVN)

 

Chia sẻ bài viết