10/01/2018 - 21:43

Tăng cường cảnh báo xâm nhập mặn khi mùa khô đến 

Ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do BĐKH, nước biển dâng là giải pháp mà các ngành, các cấp trên địa bàn TP Cần Thơ quan tâm thực hiện. Trong đó các giải pháp khai thác, bảo tồn và sử dụng nguồn nước hợp lý trong thời kỳ hạn hán, xâm nhập mặn (XNM) được TP Cần Thơ thực hiện và từng bước mang lại hiệu quả cao. Với hoạt động này, TP Cần Thơ sẽ có kế hoạch xây dựng, phát triển hệ thống nước sạch căn cơ, toàn diện và  thích ứng BĐKH...

Thách thức

Theo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (TN&MT - thuộc Sở TN&MT TP Cần Thơ), TP Cần Thơ thuộc khu vực ĐBSCL, cách bờ biển hơn 65km nên không bị ảnh hưởng bởi hiện tượng XNM. Tuy nhiên, những năm gần đây, BĐKH diễn ra ngày càng phức tạp, XNM bắt đầu ảnh hưởng nguồn nước trên sông của TP Cần Thơ. Điển hình như, tháng 5-2010, độ mặn 1%o xâm nhập và cách trung tâm TP Cần Thơ 12km. Đến tháng 3-2016, độ mặn 2,05‰ xuất hiện trên sông Hậu trên địa bàn TP Cần Thơ (được đo lại khu vực Cảng Cái Cui). Độ mặn này vượt mức cho phép đối với nước ăn uống và ảnh hưởng sinh trưởng một số hoa màu, thủy sản... Nguyên nhân độ mặn tăng lên do mực nước biển tăng làm hiện tượng XNM ngày càng tăng nhanh, lấn sâu trên các sông, rạch thuộc địa bàn TP Cần Thơ, ảnh hưởng sức khỏe, sinh hoạt, sản xuất của người dân…

Nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ canh tác lúa ứng dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, tiết kiệm nước, nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Ảnh: HÀ VĂN

Nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ canh tác lúa ứng dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, tiết kiệm nước, nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Ảnh: HÀ VĂN

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, nguồn nước về ĐBSCL từ thượng nguồn sông Mekong trong mùa khô 2018 sẽ có tổng lượng nhiều hơn so với năm 2017, đây được xem là điều kiện thuận lợi cho sản xuất, đặc biệt lượng điều tiết từ biển hồ với tổng lượng 39,3 tỉ m3 và lượng trữ từ các hồ thủy điện vào khoảng 40 tỉ m3. Mặc dù vậy, các khả năng làm thay đổi dòng chảy do vận hành các hồ thủy điện ở thượng lưu đến hiện nay đã lớn hơn nhiều so với các thay đổi dòng chảy ở điều kiện tự nhiên. Trong những tháng đầu năm 2018, sông rạch tại TP Cần Thơ và khu vực ĐBSCL có khả năng xuất hiện các thời đoạn có dòng chảy thấp, biến động khó lường, ảnh hưởng sinh hoạt, sản xuất tại địa phương. Đồng thời, vào đầu mùa khô dòng chảy có thể thấp, có thể làm mặn gia tăng sớm, cần chủ động các giải pháp quản lý nước.

Cũng theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, từ năm 2010 đến nay xâm nhập mặn đến sớm hơn từ 1 đến 1,5 tháng so với trước đây và khả năng kéo dài hơn, độ mặn đầu mùa khô có khả năng lớn hơn giữa mùa, ngược với quy luật xâm nhập mặn trước đây. Do đó, cơ cấu mùa vụ truyền thống, quy hoạch sản xuất của các vùng thay đổi. Lúa, cây ăn trái, rau màu… giảm năng suất do thiếu nước; chi phí sản xuất tăng do sử dụng bơm tát tận dụng nguồn nước, đắp đập ngăn mặn.

Ở TP Cần Thơ, hầu hết nông dân sử dụng nước sông để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản... Tất cả hoạt động trên đều rất nhạy cảm với độ mặn của nước và nông dân có nguy cơ thua lỗ nếu nước nhiễm mặn. Bên cạnh đó, nước nhiễm mặn còn có thể đẩy nhanh quá trình ăn mòn các cơ sở hạ tầng công cộng dưới nước như: cầu, cảng, cọc, nhà và kiến trúc dọc bờ sông. Do đó, ứng phó và thích nghi với độ nhiễm mặn bằng các việc làm như: tích trữ nước ngọt, tìm nguồn thay thế, thay đổi biện pháp canh tác và phương pháp sản xuất, xây dựng… rất cần thiết. Mặt khác, cần nâng cao kiến thức về nguy cơ, tác động của nhiễm mặn và cung cấp thông tin về độ mặn của nguồn nước tại địa phương cho người dân và các ban, ngành liên quan để kịp thời ứng phó, xây dựng các chiến lược thích ứng… Ông Nguyễn Văn Nam, ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Trước đây, tôi trồng lúa theo kinh nghiệm truyền thống, cứ nước lũ rút, gia cố bờ bao, làm đất là xuống giống. Năm nào, ruộng nhà tôi cũng cho thu hoạch khá cao. Gần đây, hiện tượng XNM xuất hiện với độ mặn ngày càng tăng nên việc canh tác lúa càng thêm khó. Chúng tôi phải theo sát hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, ngành TN&MT để sản xuất theo lịch thời vụ, né mặn xâm nhập... lúa mới đạt năng suất cao, sản xuất mới có lợi nhuận”.

Biện pháp ứng phó               

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, khuyến cáo: ngay thời điểm này các địa phương trong khu vực ĐBSCL cần phải tích trữ nguồn nước ngọt ngay bất kỳ thời điểm nào xuất hiện nguồn nước ngọt trên sông, kênh, rạch; thực hiện quyết liệt hành động chống hạn như khai thông dòng chảy, xây dựng ao hồ chứa nước ngọt... Đặc biệt, các địa phương cần có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ hợp lý. Ở một số khu vực có nguồn nước khó khăn hoặc xa nguồn nước ngọt cần phải xem xét lựa chọn loại cây trồng chịu hạn, ít sử dụng nước. Tuy nhiên, về lâu dài các địa phương cần có chiến lược cấp nước ngọt cho người dân sử dụng trong sản xuất, trong đó đặc biệt chú ý nâng cấp các kênh chuyển nước ngọt và các trạm bơm hỗ trợ cho các hệ thống ngọt hóa… Theo ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, những năm gần đây, dòng chảy thượng lưu sông Mekong về ĐBSCL diễn biến phức tạp do có sự chi phối của các hồ chứa thượng lưu. Điều này dễ dẫn đến XNM ở vùng hạ lưu. Để có thông tin kịp thời về mặn xâm nhập, nguồn nước và xây dựng kế hoạch vận hành các cửa cống, các giải pháp chống hạn mặn, đề nghị các địa phương thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo mặn của viện. Từ đó có kế hoạch triển khai ứng phó kịp thời, tránh bị thiệt hại trong sản xuất...

Nước trên các dòng sông, rạch thuộc địa bàn TP Cần Thơ xuống thấp khi mùa khô đến. Ảnh: HÀ VĂN

Nước trên các dòng sông, rạch thuộc địa bàn TP Cần Thơ xuống thấp khi mùa khô đến. Ảnh: HÀ VĂN

Ở TP Cần Thơ, Dự án “Nâng cao khả năng chống chịu của TP Cần Thơ để ứng phó với XNM do BĐKH gây ra” đã được triển khai nhiều năm nay. Dự án là một trong các bước của kế hoạch ứng phó với BĐKH của thành phố, giúp tăng cường khả năng chống chịu và giảm nhẹ thiệt hại do nước biển dâng gây ra; củng cố và phát triển hệ thống quan trắc nước mặt của thành phố, góp phần chuyển tải thông tin về độ mặn nguồn nước kịp thời đến người sử dụng. Hiện 8 trạm quan trắc độ mặn tự động của dự án ở các địa điểm: cảng Cái Cui (quận Cái Răng), vàm sông Cần Thơ (quận Ninh Kiều), cảng Cần Thơ (quận Bình Thủy), sông Ô Môn (quận Ô Môn), sông Cái Sắn thị trấn Thạnh An (Vĩnh Thạnh), kênh Xà No (huyện Phong Điền)... hoạt động khá tốt, cung cấp thông tin kịp thời khi mặn xâm nhập tại các con sông, rạch chính trên địa bàn. Ông Đoàn Thanh Tâm, Trưởng Ban quản lý Dự án, cho biết: “Các trạm quan trắc độ mặn của dự án cảnh báo nhanh về diễn biến độ mặn ở các sông chính của thành phố. Những thông tin, dữ liệu về độ mặn xuất hiện trên các sông có lắp đặt trạm đo đều được chúng tôi chuyển tải, cung cấp kịp thời đến các sở, ngành liên quan và người dân bị ảnh hưởng. Từ đó, các đơn vị có biện pháp ứng phó, hạn chế tác hại do XNM gây ra”.

Với giải pháp cảnh báo mặn xâm nhập; dự trữ, tận dụng hợp lý nguồn nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất... hy vọng những tháng mùa khô sắp tới, TP Cần Thơ cũng như các địa phương trong khu vực ĐBSCL giảm thiệt hại do hạn hán, XNM gây ra.

HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết