22/09/2017 - 21:27

Tăng cường thương mại, đầu tư với Úc: Đường đã mở 

TP Cần Thơ vừa tổ chức đoàn công tác đến Sydney để xúc tiến thương mại, đầu tư tại Úc. Đây là một trong nhiều hoạt động của chính quyền thành phố nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường xứ Kangaroo, tận dụng những ưu đãi trong Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Úc-New Zealand (AANZFTA) để xâm nhập thị trường nhiều tiềm năng này.

Tận dụng cơ hội từ AANZFTA

Tại Hội thảo phổ biến thông tin thị trường Úc, New Zealand và tận dụng ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Úc – New Zealand (AANZFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, diễn ra hồi cuối tháng 7 năm nay tại Hà Nội, các chuyên gia của Vụ Thị trường Châu Á-Thái Bình Dương đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hai thị trường này nói chung và Úc nói riêng. Theo đó, kể từ khi thiết lập quan hệ hợp tác toàn diện đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Úc và Việt Nam tăng trung bình 4,7%/năm trong giai đoạn 2010-2016.

Thủy sản là một trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN

Các chuyên gia cho biết mặc dù dân số khá nhỏ, chỉ ở mức 23,3 triệu dân, nhưng thu nhập bình quân đầu người và GDP cũng như tốc độ tăng trưởng GDP của Úc khá cao. Tính trong năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của Úc đạt 48.800 USD, GDP đạt 1.257 tỉ USD với tốc độ tăng trưởng 2,9%. Ước tính tốc độ tăng trưởng GDP của quốc gia này trong năm 2017 sẽ đạt 3%. Vì thế, tiềm năng tiêu dùng của Úc rất lớn và là thị trường nhiều hứa hẹn cho các nước xuất khẩu khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Có thể nói, AANZFTA (ký ngày 27-2-2009, hiệu lực từ ngày 1-1-2010) có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa ASEAN và Úc, New Zealand. Theo AANZFTA, các nước thống nhất cắt giảm từ 90% - 100% tổng số các dòng thuế theo lộ trình từ năm 2010 đến năm 2020. Theo các chuyên gia, tận dụng ưu đãi trong Hiệp định thương mại tự do là sử dụng tối đa những điều kiện và quyền lợi mà nước tham gia được hưởng trong quá trình thực thi Hiệp định, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Úc - một trong những quốc gia nhập khẩu lớn trên thế giới, phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng.

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, năm 2016, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Úc đạt 5,26 tỉ USD, tăng 6,5% so với năm 2015; trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Úc đạt 2,87 tỉ USD, giảm 1,7% và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Úc đạt 2,39 tỉ USD, tăng 18,3%. Đặc biệt năm 2016, Việt Nam xuất siêu khoảng 480 triệu USD sang thị trường Úc. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Úc đạt 3,02 tỉ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Úc đạt gần 1,62 tỉ USD, tăng 23,7%, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Úc đạt 1,4 tỉ USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Bà Phan Thị Diệu Linh, chuyên gia Vụ Thị trường Châu Á-Thái Bình Dương từng nhận xét: Người tiêu dùng Úc khá bảo thủ, rất hiểu biết và đánh giá cao hàng hóa sản xuất tại nội địa. Tuy nhiên, họ lại rất cởi mở đối với hàng hóa nhập khẩu, không quá coi trọng nguồn gốc xuất xứ, chỉ quan tâm tới yếu tố như chất lượng, kiểu dáng và giá cả. Cách nhìn thoáng của người tiêu dùng sẽ là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.

Tiềm năng cho doanh nghiệp Cần Thơ

Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ, Úc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 10 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Úc là dầu thô, thủy sản, hạt điều, nông sản, hàng may mặc…

Sau vải và xoài, thanh long tươi của Việt Nam cũng vừa được xuất sang Úc, mở ra hy vọng cho người trồng và xuất khẩu trái cây ở Cần Thơ. Ảnh: TTXVN

Thương vụ Việt Nam tại Úc cũng đánh giá Úc là thị trường có nhu cầu rất lớn về thủy hải sản với kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh trong những năm gần đây. Trong khi đó, Việt Nam hiện là một trong 4 nhà cung cấp thủy hải sản lớn nhất cho thị trường Úc (sau Thái Lan, Trung Quốc và New Zealand), nhưng mới chỉ chiếm 11,2% thị phần nhập khẩu tại thị trường này nên tiềm năng mở rộng thị trường còn rất lớn.

Vụ Thị trường Châu Á-Thái Bình Dương cho biết nhu cầu tiêu thụ mặt hàng thủy sản ở Úc tăng nhanh, khoảng 1 triệu tấn/năm trong khi sản lượng nước này chỉ đạt 220.000 tấn. Như vậy để đáp ứng nhu cầu trong nước, quốc gia này cần phải nhập khẩu trên 700.000 tấn. Hơn thế nữa, người tiêu dùng xứ sở chuột túi rất ưa thích tiêu thụ các sản phẩm thủy sản của Việt Nam do giá cả hợp lý và cá nước ngọt Việt Nam dễ ăn, đặc biệt là đối với cộng đồng rất đông người châu Á tại Úc.

Hạt điều của Việt Nam cũng là mặt hàng đầy hứa hẹn được người tiêu dùng Úc ưa chuộng. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hạt điều lớn nhất của Úc với tỷ trọng xấp xỉ 74%,  chủ yếu là hạt điều nhân. Vì vậy, Vụ Thị trường Châu Á-Thái Bình Dương khuyến nghị các doanh nghiệp cần linh động đa dạng sản phẩm của mình. Một số mặt hàng như gỗ và sản phẩm từ gỗ, túi xách, vali, dệt may, máy móc thiết bị cũng được coi là những mặt hàng đầy tiềm năng trên thị trường Úc.

Theo Sở Công Thương Cần Thơ, trong 9 tháng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ của thành phố Cần Thơ đạt 1.275,5 triệu USD, đạt 76,4% kế hoạch và tăng 16,3% so với cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu hàng hóa thực hiện ước đạt 1.000,3 triệu USD, đạt 75,8% kế hoạch và tăng 16,9% so với cùng kỳ.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực thì gạo là mặt hàng xuất khẩu có số lượng tăng mạnh với sản lượng đạt 638.100 tấn, tăng 22% so với cùng kỳ, đạt kim ngạch 261,9 triệu USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ. Thủy sản xuất khẩu được 117.000 tấn, tăng 15,1% so với cùng kỳ với kim ngạch đạt 378,7 triệu USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng xuất khẩu khác có mức tăng trưởng khá cao như: nông sản chế biến đạt kim ngạch 55,4 triệu USD, tăng 24,4%; sản phẩm sắt, thép, đinh đạt 17,3 triệu USD, tăng 46,7% so với cùng kỳ; may mặc đạt 101,4 triệu USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ...

Hy vọng, với những điều kiện thuận lợi như trên cùng với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp Cần Thơ sẽ bội thu trên đường tiếp cận thị trường Úc, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của thành phố.  

Theo các chuyên gia Vụ Thị trường Châu Á-Thái Bình Dương, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần đầu tư để tìm hiểu thị hiếu của thị trường bởi người Úc không thích lãng phí thời gian cho sản phẩm mà họ không có nhu cầu. Đồng thời giá cả các mặt hàng cần phải cạnh tranh. Hơn nữa, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý là người Úc muốn đối tác đến văn phòng thay vì “chỗ này chỗ nọ” để bàn chuyện làm ăn, đồng thời vận dụng một số biện pháp tiếp cận khác như tham gia các triển lãm giới thiệu sản phẩm quốc gia và xây dựng hình ảnh sản phẩm.

NHẬT QUANG

Chia sẻ bài viết