09/05/2014 - 14:36

Tán sỏi nội soi sỏi niệu quản bằng kỹ thuật laser

Theo các bác sĩ, trong những loại sỏi đường tiết niệu, sỏi niệu quản vừa hay gặp vừa nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, sỏi niệu quản, nếu điều trị sớm, đúng phương pháp thì hiệu quả cao, ít tốn kém. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ, bác sĩ chuyên khoa I Hồ Thanh Út, Khoa Niệu, Bệnh viện Quốc tế Phương Châu, cho biết:

- Niệu quản là đường duy nhất dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, vì thế, bệnh sỏi niệu quản có những triệu chứng rất đặc hiệu như: đau đột ngột vùng hông lưng bên phải hoặc trái, đau quặn từng cơn, lan xuống dưới, ra trước, đến hố chậu, vùng bẹn, bộ phận sinh dục và mặt trong đùi. Ngoài ra, có các triệu chứng đi kèm như: buồn nôn, nôn, sốt… Trong một số trường hợp, sỏi tiết niệu dễ nhầm lẫn với đau cơ vùng hông lưng hay viêm ruột thừa sau manh tràng; đối với nữ dễ nhầm với u nang buồng trứng. Để chẩn đoán xác định sỏi niệu quản, các bác sĩ kết hợp cận lâm sàng như: siêu âm, CT Scan hệ tiết niệu, X - quang hệ niệu không chuẩn bị.

* Thưa bác sĩ, việc điều trị sỏi tiết niệu như thế nào? Trường hợp nào thì cần phẫu thuật?

- Nếu sỏi nhỏ (dưới 5mm), bề mặt trơn láng thì bác sĩ tư vấn và có thể điều trị nội (bằng thuốc) cho bệnh nhân. Bệnh nhân kết hợp uống thuốc (kháng viêm, thuốc giãn niệu quản) và uống nhiều nước. Nhiều bệnh nhân lo ngại, uống thuốc tây nhiều không có lợi cho sức khỏe nhưng thật ra, điều trị sỏi bằng thuốc chỉ kéo dài 1-2 tuần, lượng thuốc không đáng kể. Trong quá trình uống thuốc tây nên kết hợp với uống nhiều nước để thận co bóp, tống sỏi ra ngoài. Tuy nhiên, khi bệnh nhân đang đau thì không nên uống nước vì sỏi đang tắc nghẽn sẽ làm đau đớn hơn. Sau thời gian điều trị nội, bác sĩ sẽ kiểm tra lại, nếu sỏi không thay đổi vị trí, mức độ ứ nước của thận tăng lên, viên sỏi cần được lấy ra. Nếu như trước đây, các bác sĩ phải mổ hở để lấy sỏi ra thì hiện nay có nhiều phương pháp điều trị ít xâm lấn như: tán sỏi nội soi sỏi niệu quản, phẫu thuật nội soi lấy sỏi, tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi bằng laser… Trong đó, tán sỏi nội soi bằng laser có nhiều ưu điểm nhất do năng lượng tập trung, sỏi tán nhanh, ít tổn thương niệu quản, thời gian lấy sỏi nhanh, bệnh nhân ít đau. Trong quá trình tán sỏi, bệnh nhân được gây tê tủy sống nên hoàn toàn tỉnh táo, có thể quan sát suốt quá trình tán sỏi. Thêm vào đó, dụng cụ nội soi đi vào nội tạng bằng lỗ tự nhiên (lỗ tiểu) nên không có vết mổ. Trong vòng 24 giờ (kể từ khi nhập viện), bệnh nhân có thể xuất viện. Tuy nhiên, tán sỏi niệu quản bằng laser chống chỉ định với bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiểu. Hiện nay, quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí điều trị bằng kỹ thuật này.

Siêu âm là phương pháp giúp các bác sĩ chẩn đoán xác định sỏi niệu quản. Ảnh: H.HOA

* Nếu sỏi niệu quản không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm gì cho người bệnh, thưa bác sĩ?

- Bệnh sỏi niệu quản nếu không điều trị kịp thời gây ra những biến chứng rất nghiêm trọng cho người bệnh như: thận ứ nước, ứ mủ, hủy hoại chức năng thận gây suy thận, sỏi gây tắc nghẽn hai bên có thể gây vô niệu, suy thận cấp phải chạy thận nhân tạo. Nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì phục hồi sức khỏe sớm, không ảnh hưởng đến chức năng thận. Vì vậy, khi có triệu chứng đau, người dân nên đi khám và điều trị ngay.

* Thưa bác sĩ, do sỏi niệu quản gây đau quặn nên ít có khả năng bệnh nhân đến viện trong tình trạng muộn?

- Tuy đa phần sỏi tiết niệu gây đau đớn cho bệnh nhân nhưng cũng có trường hợp bệnh nhân khả năng chịu đau tốt, nước tiểu còn rò rỉ, đi tiểu được nên họ cố chịu đau, không đến bệnh viện sớm. Đến khi vào bệnh viện thì thận đã bị ứ nước độ II, độ III. Khi can thiệp lấy sỏi, khả năng phục hồi thận kém. Nhiều bệnh nhân sử dụng phương pháp dân gian để điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý tìm hiểu phương pháp dân gian, truyền miệng này có được kiểm chứng chưa và kết quả ra sao. Nếu viên sỏi to, không điều trị đúng phương pháp thì dễ dẫn đến tình trạng điều trị muộn, ảnh hưởng chức năng thận. Trong thực tế, đối với những viên sỏi lớn, việc dùng rau ngò om uống với nước dừa không có hiệu quả vì đường kính niệu quản chỗ hẹp chỉ có 3mm, sỏi to thì không thể tống ra ngoài.

Ngoài ra, sỏi niệu quản nhỏ cũng được xem là "kẻ giết người thầm lặng" vì ít gây ra triệu chứng đau rầm rộ. Tuy nhiên, sỏi nhỏ có thể làm suy giảm chức năng thận, ứ nước thận (bên có sỏi) một cách từ từ. Từ đó, gây viêm thận, ứ mủ thận, làm thận mất chức năng... Vì vậy, khi được chẩn đoán sỏi niệu quản với kích thước nhỏ dù không đau thắt lưng, không có cơn đau quặn thận, bệnh nhân cần được bác sĩ tư vấn chế độ điều trị, sinh hoạt, ăn uống với mục đích tống sỏi ra ngoài.

* Cần làm gì để phòng bệnh sỏi niệu quản, thưa bác sĩ?

- Phần lớn, sỏi niệu quản là sỏi ở thận di chuyển xuống. Với bất kỳ loại sỏi nào cũng cần phòng bệnh bằng cách uống nhiều nước, đảm bảo lượng nước tiểu khoảng > 2,5 lít/ngày. Sau điều trị sỏi ở đường tiết niệu nói chung và sỏi niệu quản nói riêng, để phòng ngừa tái phát, người bệnh nên uống nhiều nước.

H.Hoa (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết