25/09/2018 - 21:13

Tận dụng hiệu quả sự biến động của nội tiết tố 

Trong chu kỳ kinh nguyệt, hàm lượng các nội tiết tố thường biến động, tác động đến tâm trạng, khả năng sinh sản...Dựa trên chu kỳ cơ bản 28 ngày, các chuyên gia về nội tiết tố đã phân tích nồng độ estrogen thay đổi theo từng giai đoạn cũng như cách chúng ảnh hưởng đến thể chất và tâm lý, giúp chị em cân nhắc để có hoạt động phù hợp, bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Tuần 1: ngày đầu tiên đến ngày thứ 7

Đây là giai đoạn nồng độ hoóc-môn estrogen giảm xuống mức thấp nhất. Theo các chuyên gia, tình trạng này có thể khiến chị em cảm thấy uể oải và muốn được nghỉ ngơi, do đó, lời khuyên chính là hạn chế các hoạt động xã hội, đặc biệt khi cơ thể có dấu hiệu cạn kiệt năng lượng.

Ảnh: Get Healthy U

Tuần 2: ngày 8 đến ngày 14

Lúc này, nồng độ estrogen và testosterone đều bắt đầu tăng lên, trong khi hoóc-môn progesterone cần thiết duy trì kinh nguyệt đều đặn cũng giải phóng nhiều hơn.

Estrogen tăng cao kích hoạt sản sinh chất dẫn truyền thần kinh endorphin có tác dụng ngăn chặn cơn đau và xoa dịu cảm giác khó chịu. Vì vậy, nếu bạn nhạy cảm với đau đớn, đây là thời điểm lý tưởng thực hiện trị liệu thẩm mỹ, điều trị nha khoa hay các thủ thuật y tế. Ngoài ra, estrogen gia tăng còn hỗ trợ trao đổi chất, tăng cường năng lượng, cải thiện kỹ năng ngôn ngữ, tư duy, trí nhớ và khả năng phản ứng nhanh. Do đó, đây là khoảng thời gian tốt nhất để lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ, thử một trải nghiệm mới hay chuẩn bị cho bài thuyết trình quan trọng.

Các chị em chưa có kế hoạch sinh con cần lưu ý thời điểm này vì estrogen tăng cao cũng làm tăng ham muốn tình dục và rất dễ thụ thai khi trứng bắt đầu rụng. Còn với người đang kiểm soát cân nặng, sự gia tăng đồng thời estrogen và progesterone thường kích thích cảm giác thèm ăn, nhất là thực phẩm giàu đường và tinh bột.

Tuần 3: ngày 15 đến ngày 21

Hoóc-môn progesterone có dấu hiệu tăng suốt cả tuần trong khi nồng độ estrogen và testosterone bắt đầu giảm xuống. Tình trạng estrogen đột ngột giảm dẫn đến các biểu hiện liên quan Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) như mệt mỏi, hay nóng giận, tâm trạng sa sút và dễ xúc động. Những triệu chứng này có thể giảm dần khi estrogen bắt đầu tăng trở lại trong nửa cuối tuần.

Nếu thường xuyên vận động mạnh, chị em nên giảm cường độ và lựa chọn bài tập nhẹ nhàng hơn. Cơ thể nữ giới giai đoạn này cũng chuẩn bị cho khả năng mang thai nên hay thèm ăn thực phẩm nhiều chất béo và calorie. Ngoài ra, estrogen cũng giữ nước nên đôi lúc chị em có cảm giác nặng nề, cần tránh tiêu thụ thực phẩm nhiều muối gây giữ nước nhiều hơn và tăng mức độ đau bụng khi hành kinh sau đó.

Tuần 4: ngày 22 đến ngày 28

Mức progesterone và estrogen biến động từ mức cao nhất rồi giảm xuống thấp nhất, cho đến khi xuất hiện kinh nguyệt và khởi động lại chu kỳ mới. Các triệu chứng PMS trong tuần thứ 3 có thể kéo dài thậm chí tệ hơn vào tuần thứ 4 này.

Tâm trạng các chị em cũng trở nên thất thường, một mặt do gia tăng nồng độ progesterone, mặt khác do mức độ estrogen thấp làm giảm hóa chất kiểm soát tâm trạng. Tập thể dục là cách tốt để tăng cường giải phóng serotonin – “hoóc-môn hạnh phúc” cần thiết để vượt qua cảm giác nặng nề trong tuần này, trong khi thực phẩm giàu tinh bột (cơm, bánh mì...) sẽ giúp duy trì mức độ serotonin cho cơ thể.

ĐƯỜNG THẤT (Theo Channel News Asia)

Chia sẻ bài viết