17/11/2018 - 16:50

Tận dụng cơ hội để chuyển động 

Trong 10 tháng năm 2018, sản xuất công nghiệp, thương mại- dịch vụ và nông nghiệp của TP Cần Thơ đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp (DN) cũng nhận định môi trường đầu tư, kinh doanh đã khởi sắc, nhưng vẫn chưa thể tạo bước đột phá mạnh mẽ do nội lực của DN và nội tại nền kinh tế còn nhiều hạn chế. Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm, DN đang tự chuyển động, thành phố cũng nỗ lực cụ thể hóa các chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ DN, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Khởi sắc nhưng vẫn khó

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, trong 10 tháng năm 2018, thành phố đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 1.190 DN các loại hình, với tổng vốn đăng ký 6.016 tỉ đồng; đạt 70% kế hoạch về số DN và vượt 1,96% kế hoạch về số vốn đăng ký mới. So với cùng kỳ tăng 71 DN và tăng 31,7% về số vốn đăng ký mới. Trong 10 tháng, thành phố thu hút được 5 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đăng ký 108 tỉ đồng; 6 dự án vốn trong nước, tổng vốn đầu tư 2.035 tỉ đồng. Các khu chế xuất và công nghiệp thu hút thêm 10 dự án mới với tổng vốn đăng ký khoảng 1.575 tỉ đồng. Dù nỗ lực và chủ động trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, nhưng thành phố không có sẵn quỹ “đất sạch”, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng cao nên nhiều nhà đầu tư cũng ngán ngại khi đầu tư.

Cần Thơ đang có nhiều cơ hội để phát triển thời gian tới, với cơ chế tài chính, đầu tư đặc thù. Ảnh: Giao dịch tại Agribank chi nhánh Cần Thơ.

Trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp, theo Sở Công thương thành phố, trong 10 tháng, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 8,08% so với cùng kỳ, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,43% so với cùng kỳ năm 2017. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1-10-2018 là 87,47% so với tháng cùng kỳ… Có thể thấy, tình hình tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tăng nhưng vẫn còn thấp, do các sản phẩm cạnh tranh trên thị trường ngày càng nhiều và xuất hiện hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng… ảnh hưởng đến tâm lý lựa chọn sản phẩm tiêu dùng của khách hàng. Kim ngạch xuất khẩu tăng, nhưng rào cản thị trường cũng nhiều.

Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA), phân tích, đến thời điểm này những DN còn tồn tại để hoạt động chắc chắn đã vượt qua khó khăn. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, trong 10 tháng năm 2018, có 131 DN chính thức làm thủ tục giải thể và số DN nghỉ ngang cũng nhiều, nhưng không quản lý được. Còn theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước là 21.575 DN, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2017. Số DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là 41.660 DN, tăng 45,9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy có thể thấy, Cần Thơ có số lượng DN hoạt động tương đối tốt hơn cả nước. Đây cũng là điều đáng phấn khởi vì DN đã trụ được dù trong tình hình kinh tế có nhiều thay đổi và thách thức. Điều này cũng nói lên kết quả của các ngành các cấp đã nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh tại thành phố. Song, xét về tổng thể, những vấn đề của DN Cần Thơ cũng chưa mấy thay đổi, vì những cái “thiếu” và cái “yếu” vẫn tồn tại.

Chủ động nắm bắt cơ hội

Theo ước tính của UBND thành phố, tăng trưởng kinh tế của thành phố năm 2018 ước tăng 7,505% và cả ba khu vực đều có mức tăng so với năm trước. Thành phố đang có nhiều cơ hội để tạo những đột phá trong phát triển thời gian tới. Ngày 3-11, TP Cần Thơ đã tổ chức Lễ công bố Khu công nghiệp (KCN) Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản tại KCN Hưng Phú 1 (cụm A), quận Cái Răng. Đây là KCN công nghiệp công nghệ cao và hiện đại với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật-xã hội đồng bộ, đảm bảo tiêu chuẩn “Khu công nghiệp xanh”. Các ngành nghề được ưu tiên khuyến khích sản xuất kinh doanh gồm: điện, điện tử, tin học, cơ khí, dược phẩm… Với những ưu thế về hạ tầng, hứa hẹn là địa điểm hấp dẫn cho các nhà đầu tư thời gian tới. Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch thường trực CBA, cho biết CBA cũng hy vọng, DN Cần Thơ có thể kết nối với DN Nhật để cung cấp nguyên liệu, tham gia một phần trong chuỗi sản xuất; hoặc trở thành đối tác kinh doanh.

Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận, ngoài các cơ hội hợp tác với DN Nhật Bản, thì việc Quốc hội vừa nhấn nút phê chuẩn hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) cũng là cơ hội lớn cho DN Cần Thơ. Song, CPTPP là một hiệp định tiêu chuẩn cao, một cuộc chơi lâu dài, luôn mở ra cơ hội cho “người chơi giỏi” và đầy vất vả và nhọc nhằn cho “người chơi kém”. Trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cái lợi ích có thể thấy được là sự cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ. Hiện nay 60% lợi ích này thuộc về các DN khối FDI. Do vậy, DN nội cần định vị lại mình đang ở đâu trong cuộc chơi lớn này, để xem mình yếu ở đâu, và thiếu cái gì và làm như thế nào để có thể tiếp tục, đứng vững trong “cuộc chơi”. Sự thay đổi và chuyển mình của DN không thể chờ “nước tới chân mới nhảy” mà cần hành động kịp thời và đúng lúc. “Tôi nghĩ rằng với kinh nghiệm kinh doanh qua bao nhiêu lần khủng hoảng kinh tế, với sự nhạy bén, cần mẫn và linh hoạt của DN nhỏ, DN Cần Thơ có thể phát huy được mình, nếu ngay bây giờ hành động”- bà Thuận nói.

Cùng với sự chuyển động của DN, thì cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách theo Nghị định 103/2018/NĐ-CP của Chính phủ dành cho Cần Thơ cũng là cơ hội lớn cho thành phố. Ông Nguyễn Quang Nghị, Giám đốc Sở Tài chính TP Cần Thơ, cho biết, trong điều kiện hiện nay, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho thành phố Cần Thơ còn hạn chế (năm 2016 là 853,9 tỉ đồng; năm 2017 là 1.090,1 tỉ đồng; năm 2018 là 2.310,6 tỉ đồng) chưa tương xứng với vị trí, vai trò cũng như nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của thành phố. Việc quy định hỗ trợ cho thành phố như tại Điều 5 của Nghị định 103 là động lực khuyến khích thành phố phấn đấu tăng thu và chỉ được thực hiện khi khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương có vượt thu. Sở Tài chính sẽ phối hợp với Cục Thuế, các sở, ngành và địa phương tham mưu cho UBND thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, thu hút nhiều nhà đầu tư đến với thành phố tạo ra nhiều việc làm và thu nhập mới, làm cơ sở tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố. Những quy định về cơ chế tài chính, đầu tư tại Nghị định 103 sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Cần Thơ phát triển .

Bài, ảnh: Gia Bảo

Chia sẻ bài viết