09/05/2010 - 21:31

Tấm lòng một nông dân

 

Ông Bùi Trung Ơn (Hai Ơn) 55 tuổi, ở xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang), có tiếng là người chi xài tằn tiện, nhưng lại rất hảo tâm trong hoạt động xã hội từ thiện. Năm 2009, ông Hai Ơn góp hơn 20 triệu đồng, đồng thời đứng ra vận động bà con mua xe cứu thương từ thiện và đầu năm 2010 lại tặng 550 triệu đồng xây cầu nông thôn, rồi lại có kế hoạch xây dựng nghĩa trang nhân đạo hàng trăm triệu đồng. Không chỉ tích cực tham gia công tác xã hội từ thiện mà trong cuộc sống, ông luôn gương mẫu, giản dị, chan hòa với lối xóm, được nhiều người mến phục.

Giữa tháng tư, có dịp về thăm lại xã Vĩnh Khánh, sự thay đổi của địa phương làm tôi không khỏi ngỡ ngàng. Ông Lê Văn Tâm, Chủ tịch UBMTTQ xã Vĩnh Khánh, vui mừng nói: “Vĩnh Khánh là một xã vùng sâu, cũng là địa phương thuộc diện nghèo nhất, nhì huyện Thoại Sơn. Nhưng những năm gần đây, xã Vĩnh Khánh có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế liên tục phát triển, thu nhập và đời sống của bà con cải thiện rất nhiều. Tuyến tỉnh lộ 942 đi qua địa bàn của xã đang được nâng cấp mở rộng thành 4 làn xe, đặc biệt là cầu Đòn Dong mới, chiều ngang 5,5m dài hơn 50m, đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Các công trình này hoàn thành sẽ là đòn bẩy, tạo động lực mới cho xã Vĩnh Khánh đột phá phát triển kinh tế - xã hội”. Ông Tâm cho biết thêm: “Cầu Đòn Dong cũ nhỏ hẹp, xuống cấp nghiêm trọng, giờ cao điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc, ảnh hưởng đến việc đi lại của bà con, nhất là mấy cháu học sinh. Nhưng do thiếu kinh phí, nhiều năm liền chưa được nâng cấp, mở rộng. Cầu Đòn Dong mới hoàn thành, không chỉ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông mà giúp cho bà con vận chuyển hàng hóa về TP Cần Thơ nhanh hơn vì rút ngắn khoảng cách gần 20km. Cũng nhờ ông Hai Ơn “hào phóng” ủng hộ hơn nửa tỉ bạc mới đủ kinh phí xây cầu, chứ không có khoản tiền này, chắc còn lâu mới xây được cầu Đòn Dong mới!”.

Theo lời hướng dẫn của ông Tâm, từ trung tâm xã, tôi men theo con lộ gồ ghề, uốn khúc gần 20 phút mới tới nhà ông Hai Ơn. Căn nhà tường ba gian nằm ẩn sâu trong khu vườn cây ăn trái rợp bóng mát. Nắng tháng tư như đổ lửa, đã quá trưa nhưng ông Hai Ơn vẫn còn tất bật chăm sóc đàn heo ngoài chuồng. Gặp chúng tôi, chưa kịp lau những giọt mồ hôi trên gương mặt sạm nắng, ông Hai khoe: “Lứa heo này còn hơn nửa tháng sẽ xuất chuồng, nếu suôn sẻ cũng kiếm lời được trên 50 triệu đồng. Tôi đang gom góp để trả số tiền mượn của anh em cho xong”. Ông Hai Ơn nói chưa dứt lời, thì bà Hai phân trần: “Số là ông nhà tôi hứa ủng hộ địa phương tiền xây cầu mà trong nhà không đủ tiền, nên phải chạy mượn hơn 1 trăm triệu đồng, đến nay chưa trả dứt”. “Tôi đã tính toán đâu vào đấy rồi, lứa heo này cộng với mấy ao cá lóc, cá tai tượng của tôi khi thu hoạch thì số nợ đó trả khỏe re”- ông Hai Ơn nói. Từ ngày bắc cầu Đòn Dong mới, ông Hai Ơn ăn ngủ không yên, phần lo gom góp tiền trả nợ, phần chạy tới chạy lui lo xây cầu. Thấy đuối sức, con cái khuyên ông giao lại việc giám sát xây dựng cầu cho người khác, nhưng ông nhất quyết không chịu. Theo ông Hai Ơn, ông có mặt là để đôn đốc anh em đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nếu trễ sẽ không kịp khánh thành vào năm học mới”.

Trên kinh Đòn Dong này sẽ có cây cầu bê tông do ông Ơn đóng góp kinh phí hơn nửa tỉ đồng xây dựng, giúp việc đi lại của bà con thuận tiện hơn. 

Nghe ông Hai Ơn ủng hộ hơn nửa tỉ đồng xây cầu, nhiều người nhiệt tình đến giúp sức để cây cầu sớm được hoàn thành. Như gia đình ông Phan Văn Sưu, ở xã Vĩnh Khánh đến dựng láng trại, mang nồi niêu, chén đũa lập bếp cơm phục vụ cho anh em nhân công. Bà Bảy Nga, hàng xóm của ông Sưu thì hằng ngày đi xin rau, cá ở trong xã phụ cho bữa ăn thêm chất. Ông Sưu nói: “Từ trước đến giờ, ở xứ này người làm từ thiện xã hội dữ lắm cũng chỉ vài chục triệu đồng, chứ chưa có ai dám làm “mạnh tay” như ông Hai Ơn. Đóng góp số tiền lớn nhưng ông ấy vẫn đều đặn ngày hai buổi đến coi sóc việc thi công, không kêu ca, ra vẻ. Tính cách của ông Hai Ơn làm nhiều người mến phục. Cũng từ đó mà tụi tôi xắn tay phụ giúp lo phần ăn uống cho anh em nhân công, tuy có cực nhưng miễn sao cây cầu sớm hoàn thành là vui lắm rồi!”.

Cần cù, chịu khó, linh hoạt là những đức tính mà nhiều người nói về vợ chồng ông Hai Ơn. Là con lớn trong gia đình có đông anh em, cuối năm 1979, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, ông Hai Ơn về giảng dạy tại Trường Tiểu học xã Vĩnh Chánh (cũ), huyện Thoại Sơn. Đồng lương ít ỏi thời bao cấp không đủ nuôi 4 miệng ăn, ông Hai Ơn xin cấp trên cho nghỉ việc để về nhà làm kinh tế. Ông Hai Ơn nhớ lại: “Lúc đó, gia đình tôi khó khăn dữ lắm, vợ con bệnh liên miên, nợ nần khắp xứ. Đối đế quá tôi mới nghỉ dạy, là nghề vốn yêu thích từ nhỏ. Về nhà canh tác mấy công ruộng của ông già ruột cho, nhưng nhiều năm liền, vụ nào cũng thất bát. Có lúc tôi tính đến chuyện bỏ sang xứ khác làm ăn”. Cuộc sống gia đình ông Hai Ơn bắt đầu thay đổi từ năm 1993, khi ông thuê gần 20 công đất trồng mè, đậu xanh, nhờ thời tiết thuận lợi, trừ chi phí sau khi thu hoạch, ông lãi to. Trả hết nợ nần, còn lại chút vốn, ông tái đầu tư cho chăn nuôi heo, cá,... tiếp tục thuê đất trồng hoa màu ngắn ngày. Còn bà Hai Ơn buổi sáng gánh xôi ra chợ xã bán, kiếm tiền cho 4 người con ăn học. Nhờ siêng năng sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, chi tiêu tằn tiện, dần dần tích lũy được số vốn, vợ chồng ông Hai Ơn sang thêm đất, nuôi 4 người con ăn học thành tài. Hiện nay, vợ chồng ông Hai Ơn canh tác hơn 4ha ruộng, 2ha vườn cây ăn trái, thu nhập hàng năm trên 200 triệu đồng. 4 người con của vợ chồng ông đều tốt nghiệp cao học, có gia đình, việc làm ổn định. Ông Hai Ơn cho biết: “Cũng nhờ con cái khôn lớn, có cuộc sống khấm khá, tôi khỏe lo phần nào, có điều kiện tham gia hoạt động xã hội ở địa phương. Thấy mấy cháu học sinh sáng nào cũng kẹt xe trễ giờ học tôi xót lắm. Làm dành dụm hàng chục năm trời, tôi quyết định đầu tư xây dựng cầu Đòn Dong mới. Khi hoàn thành chắc bà con vui lắm, mình cũng vui lây. Làm từ thiện xã hội đâu phải được tiếng, khoe khoang của cải mà vì nghĩ đến cái chung”. Dù gia đình khá giả nhưng vợ chồng ông vẫn giữ được nếp sinh hoạt giản dị, chân chất. Thấy vợ chồng ông làm ruộng, vườn, chăn nuôi cực khổ, các con đòi rước về TP Hồ Chí Minh phụng dưỡng nhưng ông bà nhất mực từ chối. Ông Hai Ơn thường khuyên dạy con cái: “Cũng từ mảnh vườn, luống rau, ao cá mà cha mẹ đã nuôi các con ăn học nên người. Không phải có tiền thì phung phí, hưởng thụ mà phải biết tiết kiệm, chi tiêu hợp lý, để giúp đỡ nhưng mảnh đời bất hạnh, chung tay xây dựng quê hương. Có như thế cuộc sống mới ý nghĩa”.

Hết lo bắc cầu, mua xe cứu thương từ thiện, hỗ trợ bà con gặp khó khăn, ông Hai Ơn lại tính đến chuyện xây dựng nghĩa trang từ thiện, làm “nhà” cho người đã khuất. Ông Hai Ơn nói: “Tôi đã vận động được một hộ dân hiến 5.000m2 đất vườn để làm nghĩa trang từ thiện. Vài tháng nữa, tôi sẽ đầu tư xây dựng khuôn viên, rồi lập trại hòm từ thiện, đội mai táng,... để giúp cho bà con nghèo không may gặp chuyện tang ma”.

Ông Đoàn Minh Triết, Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn, cho biết: “Xã Vĩnh Khánh nói riêng và huyện Thoại Sơn nói chung, điều kiện về cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn xây dựng giao thông. Trong những năm qua, địa phương có nhiều nỗ lực trong việc huy động sự tham gia đóng góp của các cá nhân, tổ chức trong công tác xây dựng giao thông nông thôn, từng bước xóa cầu khỉ, cầu tạm, đường đất. Là nông dân, đời sống cũng thuộc hàng trung bình khá nhưng ông Bùi Trung Ơn đã mạnh dạn ủng hộ địa phương số tiền lớn để xây dựng cầu Đòn Dong. Huyện Thoại Sơn cũng đã nhất trí khi công trình này hoàn thành sẽ mang tên cầu Bùi Trung Ơn, nhằm ghi nhận sự tích cực trong công tác xã hội của ông Hai Ơn đối với địa phương và khuyến khích phong trào xã hội hóa xây dựng các công trình phúc lợi của huyện nhà”.

Bài, ảnh: VÂN LÂM

Chia sẻ bài viết