26/11/2017 - 16:55

Tấm lòng cô giáo 

Tuổi đời, hoàn cảnh khác nhau nhưng cô Lê Thị Xuân Kiều, giáo viên Trường THCS Trường Long và cô Võ Thị Huỳnh Như, giáo viên Trường Tiểu học Mỹ Khánh 1(huyện Phong Điền) có chung tấm lòng yêu nghề, mến trẻ và nỗ lực vượt khó, trở thành giáo viên dạy giỏi.

Luôn tìm tòi sáng tạo

Cô Võ Thị Huỳnh Như (bìa phải) trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, trong chuyến tham gia Hội thảo tại Hà Nội. Ảnh: CTV

Cô Lương Thanh Ly, Hiệu trưởng Trường THCS Trường Long, cho biết: “Cô Kiều là giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề, hết lòng yêu thương học sinh; hay giúp đỡ đồng nghiệp”. Là đồng nghiệp từ năm 1994, cô Ly và cô Kiều hiểu rõ, luôn hỗ trợ nhau. Nhiều năm liền, cô Kiều đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, thành phố; có thành tích trong bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp; chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 5 năm liền (từ 2012-2013 đến 2016-2017) và  năm 2016, là chiến sĩ thi đua cấp thành phố.

23 năm trước, cô gái trẻ quê Bến Tre, Lê Thị Xuân Kiều tình nguyện về công tác tại Trường cấp 1-2 xã Trường Long (gần Đình xã Trường Long); sau 1 năm, trường chuyển về vị trí hiện nay. Khi đó, đường sá đi lại khó khăn, đò giang cách trở, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, nhưng sự mộc mạc của học trò nơi đây giữ chân cô lâu dài.

Cô Kiều bộc bạch: “Từ nhỏ tôi đi học xa nhà nên khi về trường không quá buồn. Tôi chỉ băn khoăn về sự khó khăn của trường, các phòng học phần lớn là tranh tre vách lá, lại thiếu trang thiết bị giảng dạy… Nhưng chính sự thiệt thòi của học sinh vùng ven, cùng với tấm lòng chân chất, yêu quý giáo viên của phụ huynh và học sinh đã giúp tôi bám trụ nơi đây”.

Theo Ban Giám hiệu Trường THCS Trường Long, cô Kiều luôn cầu tiến, tìm tòi sáng tạo để nâng cao chất lượng giảng dạy. Cô thường miệt mài ở lại trường đến giữa trưa, xế chiều bên trang giáo án. Cô lên mạng internet tìm tài liệu phục vụ bài giảng.

Theo cô Kiều, hiện nay các môn khoa học xã hội nói chung, môn Văn nói riêng, ít được học sinh quan tâm so với các môn khoa học tự nhiên. Để học sinh có tình yêu với môn Văn, phải thay đổi phương pháp, phát huy năng lực, khả năng sáng tạo của học sinh, giáo viên là người gợi mở, dẫn dắt.

Cô Kiều nói: “Trước khi giảng bài học mới, tôi sẽ tìm thêm một số thông tin thời sự để đưa vào bài giảng. Đồng thời thiết kế các câu hỏi để học sinh trả lời, đưa tình huống thực tế để học sinh xử lý”.

Cô Kiều bộc bạch: “Hiện giờ cuộc sống gia đình ổn định. Chồng tôi cùng ngành, đã về hưu. Vài năm nữa, tôi cũng hết tuổi phục vụ. Thời gian còn lại, với vai trò tổ trưởng tổ bộ môn, tôi bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn, xây dựng lực lượng kế thừa để góp phần vào sự phát triển chung của trường”.

 “Có duyên với giải thưởng”

Đó là nhận xét vui của tập thể Trường Tiểu học Mỹ Khánh 1 về cô Võ Thị Huỳnh Như, Tổ trưởng, giáo viên dạy lớp 3. 11 năm tuổi nghề và cũng ngần ấy năm, cô Như đoạt nhiều giải cao tại hội thi các cấp: Giáo viên dạy giỏi cấp huyện, thành phố bậc tiểu học; giáo viên giỏi Viết chữ đẹp; giải Nhì tại cuộc thi Tiết học Thư viện khu vực ĐBSCL; giải Ba cuộc thi Giáo viên thanh lịch cấp thành phố năm 2017…

Cô Như còn bồi dưỡng nhiều học sinh đạt giải cấp huyện, thành phố trong các hội thi: Học sinh giỏi bộ môn; Giải toán qua mạng, Viết chữ đẹp. Cô Như 2 lần nhận Bằng khen UBND thành phố, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm liền.

Gặp cô Như khi cô vừa trở về trường, sau chuyến đi Hà Nội dự Hội thảo góp ý chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, cô khiêm tốn: “Thành tích của tôi có sự hướng dẫn, góp ý của đồng nghiệp, lãnh đạo nhà trường, ngành. Khi tham gia các hội thi, tôi được học hỏi kinh nghiệm, mở mang kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục”.

Có 2 con nhỏ (học lớp 1 và lớp chồi), chồng  thường đi công tác, nên cô Như phải nỗ lực rất nhiều để vừa hoàn thành việc trường vừa chu toàn việc nhà. Những lúc cao điểm, phải chuẩn bị cho hội thi, cô hầu như không có thời gian nghỉ ngơi.

Những năm còn ngồi trên ghế nhà trường, cô Như đã yêu thích nghề dạy học. Khi tốt nghiệp THPT, năm 2003, cô Như đăng ký thi vào ngành sư phạm Tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Cần Thơ.

Năm 2006, cô ra trường và về công tác Trường Tiểu học Mỹ Khánh 1 đến nay. Sau 1 năm, cô được cử đi học và hoàn thành lớp đại học liên thông. Những kỷ niệm của hơn 10 năm đi dạy nhiều vô kể, nhưng cô nhớ nhất là những học trò vượt khó đến trường.

Đến giờ cô vẫn nhớ 1 học sinh có hoàn cảnh rất khó khăn, lại thêm chướng ngại tâm lý không muốn đến trường vì có tật nói ngọng. Cô Như đến tận nhà tìm hiểu hoàn cảnh. Dùng tình cảm người thầy, người bạn, động viên học trò đi học.

Nhờ vậy, từ học sinh trung bình, em trở thành học sinh giỏi. Câu chuyện về học trò nhỏ này đã giúp cô Như đoạt giải tại Hội thi Giáo viên Chủ nhiệm giỏi cấp thành phố. Cô Như nói: “Hạnh phúc nhất của tôi là khi thấy học trò mình trưởng thành, tiến bộ trong học tập”.

B.KIÊN 

Chia sẻ bài viết