26/03/2011 - 14:27

Tại sao chúng ta không thể dự báo những trận động đất lớn?

Đó là câu hỏi được đặt ra nhiều nhất kể từ sau cơn đại địa chấn mạnh 9,0 độ Richter kéo theo sóng thần tàn phá khu vực Đông Bắc Nhật Bản hôm 11-3. Thực tế, dự báo động đất từ lâu là một khó khăn lớn đối với các nhà khoa học, và cho đến bây giờ, nhiều người vẫn nhất trí cho rằng đó là một nhiệm vụ bất khả thi.

Động đất là sự giải phóng đột ngột một lượng lớn năng lượng tích trữ trong lớp vỏ Trái đất, tạo ra các sóng địa chấn ở bên dưới mặt đất, dẫn đến hiện tượng rung lắc tại vị trí bề mặt hoặc xung quanh khu vực có đường đứt gãy nằm giữa các mảng kiến tạo. Việc giải phóng năng lượng tích tụ dọc theo ranh giới của các mảng kiến tạo là nguyên nhân gây ra phần lớn các trận động đất. Vì vậy, dự báo động đất phụ thuộc rất nhiều vào chuyện làm sao biết được hiện tượng giải phóng năng lượng đột ngột sắp tới?

* Khó dự báo những trận động đất lớn

Theo các nhà khoa học, Trái đất xảy ra 500.000 cơn địa chấn mỗi năm, và 20% trong số đó gây rung lắc trên bề mặt. Điều đó có nghĩa động đất xuất hiện với tần số 1 trận/phút và diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới, chủ yếu là những nơi nằm trên các đường nứt của vỏ Trái đất. Các chuyên gia còn ước tính mỗi năm, thế giới xảy ra hơn 20 trận động đất mạnh trên 7 độ Richter, vốn có thể gây tổn thất nặng nề về người và của. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải xác định được ở đâu và khi nào những cơn đại địa chấn sẽ xuất hiện. Công việc này được mô tả không khác gì chuyện “mò kim đáy biển”, nên đến giờ, chúng ta vẫn cứ loay hoay với chuyện giải quyết hậu quả mỗi khi động đất xảy ra.

* Nhật Bản có dự báo được cơn đại địa chấn?

Chính phủ Nhật Bản đã chi hơn 1 tỉ USD để trang bị hệ thống dự báo động đất, bao gồm một mạng lưới hơn 1.000 thiết bị cảm biến dựa trên hệ thống định vị toàn cầu (GPS) lắp đặt khắp cả nước. Đến nay, hệ thống này vẫn làm việc hiệu quả vì nó có thể báo động sớm 1 phút trước khi động đất xuất hiện, đủ để người dân khóa gas và chui xuống gầm bàn lánh nạn.

Hệ thống này tập trung vào 2 loại biểu đồ rung chấn, gồm sóng P - di chuyển lên xuống, báo hiệu động đất ở cấp độ vừa và nhỏ, và sóng S - di chuyển qua lại báo hiệu động đất có cường độ mạnh hơn. Khi hệ thống nhận được sóng P, nó tính toán khoảng cách với tâm chấn và đưa ra lời cảnh báo, thông qua đài truyền hình, phát thanh, điện thoại di động... trong vòng 10 giây. Trong trận động đất ngày 11-3, do Tokyo nằm cách tâm chấn gần 370 km nên người dân được cảnh báo sớm 80 giây trước khi thành phố bị rung lắc. Theo các chuyên gia, khoảng thời gian này đủ để mọi người tấp xe vào lề hoặc di chuyển khỏi các cao ốc. Tuy nhiên, hệ thống cảnh báo động đất sớm sẽ không có tác dụng đối với những khu vực nằm gần tâm chấn, vì biểu đồ sóng S sẽ xuất hiện liền sau sóng P, do đó, người dân không đủ thời gian tránh nạn. Trong khi đó, việc cảnh báo sóng thần thường mất nhiều thời gian hơn do hệ thống này phải chờ kết quả phân tích sóng chấn động ở dưới đáy biển. Được biết, chính phủ Nhật đã đưa ra cảnh báo sóng thần 3 phút sau khi động đất xảy ra.

Trước câu hỏi: chúng ta có thể dự báo động đất trước vài ngày, thay vì chỉ vài giây như hiện nay? Nhiều người cho rằng có lẽ là có. Thế nhưng, nhiều phương pháp dự đoán trong quá khứ cho thấy không mấy chính xác, và việc dự báo những trận động đất lớn vẫn sẽ là nhiệm vụ khó khăn của các nhà khoa học.

THANH TRÚC (Theo Gizmodo, AFP)

Chia sẻ bài viết