10/01/2008 - 09:19

Tai nạn lao động: S.O.S!

Tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra liên tục và ngày càng dồn dập, đang trở thành nỗi lo ngày càng lớn cho nhiều người lao động cũng như toàn xã hội.

Mới đây nhất, ngày 7-1-2008, vụ nổ chiếc sà lan đang trong giai đoạn hoàn công ở Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng Long An làm 5 công nhân chết không toàn thây và mất tích. Cùng ngày, ở xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây xảy ra một vụ sập lò gạch, làm 5 người chết, 6 người khác bị thương.

Trước đó 4 ngày, ngày 3-1-2008, hơn 3.000m3 đất đá núi sụp lở đè chết 3 công nhân, làm bị thương 1 công nhân khác của Công ty TNHH khai thác đá Thống Nhất (tỉnh Hà Nam).

Chiều 28-12-2007, tại mỏ đá Rú Mốc, xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, hàng trăm mét khối đất đá bất ngờ đổ ụp xuống: 7 người chết, 1 người bị thương nặng.

Nghiêm trọng hơn, lúc 9 giờ 30 phút sáng 15-12-2007, tại mỏ đá D3 thuộc xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, hàng ngàn tấn đất đá bị sạt lở đã vùi lấp, làm chết 18 người.

Và có lẽ người dân cả nước không thể nào quên được trước đó gần 3 tháng, ngày 26-9-2007, hai nhịp dẫn cầu Cần Thơ đang trong quá trình thi công bị sụp đổ. 54 người đã chết, 80 người bị thương, trong đó có người phải đến 3 tuần sau khi tai nạn xảy ra mới tìm thấy thi thể...

Còn nhiều, nhiều vụ TNLĐ thương tâm khác đã xảy ra với những thiệt hại khó đo lường mà có lẽ các cơ quan chức năng khó có thể thống kê hết được. Theo kết quả điều tra của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ - TB&XH), tính bình quân, mỗi năm cả nước có gần 6.000 vụ TNLĐ làm 480 người chết (chưa kể bị thương). Song, theo các chuyên gia, những số liệu TNLĐ được thể hiện trên các báo cáo của ngành chức năng chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi”.

Mới đây, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã đưa ra dự báo: Nếu dựa vào tốc độ tăng số lượng lao động hàng năm và sự chuyển dịch cơ cấu lao động, đến năm 2010, nước ta sẽ có khoảng 120.000 - 130.000 người bị TNLĐ với trên 1.200 người chết, thiệt hại kinh tế ước tính gần 1.000 tỉ đồng. Dự báo này cho thấy, sau tai nạn giao thông, TNLĐ đang trở thành mối đe dọa ngày càng lớn trong phát triển kinh tế- xã hội của nước ta.

Vì sao gần đây TNLĐ liên tiếp xảy ra? Câu trả lời đã được nhiều cơ quan chức năng đưa ra. Tựu trung lại là: Số DN, cơ sở ra đời ngày càng nhiều nhưng việc phổ biến, tuyên truyền các quy định về vệ sinh an toàn lao động (ATLĐ), phòng chống cháy nổ từ phía các cơ quan chức năng còn nhiều bất cập. Những kết quả kiểm tra định kỳ của các cơ quan chức năng về ATLĐ cho thấy, nhiều nơi người sử dụng lao động và cả người lao động không quan tâm hoặc còn rất mù mờ về các quy định này. Ngày càng có nhiều ngành nghề, dịch vụ mới ra đời cùng với đà tăng trưởng kinh tế cũng có nghĩa là ngày càng có nhiều lao động nông thôn ra thành thị hoặc đi theo các công trình (nhất là công trình xây dựng) làm công nhân. Thế nhưng, phần lớn trong số họ ít hiểu biết hoặc không hiểu biết gì về hợp đồng lao động, thỏa ước lao động, ATLĐ, bảo hiểm xã hội... Vì thế, hầu như họ chỉ quan tâm đến mức lương hàng tuần, hàng tháng mà không quan tâm đến những vấn đề nêu trên, dù đây là những yếu tố trực tiếp liên quan đến quyền lợi và sinh mạng của họ trong quá trình lao động. Đó cũng là kẽ hở cho nhiều chủ doanh nghiệp (DN) khai thác để trục lợi. Vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ là một minh chứng. Khi tai nạn xảy ra, nhiều người lao động bị vùi trong đống đổ nát, thì các cơ quan chức năng mới ngớ ra rằng rất nhiều người trong số họ chỉ là người làm công nhật, không hề có ký kết hợp đồng lao động với chủ DN (!).

Cũng do sơ hở trong quản lý ATLĐ nên nhiều DN không quan tâm hoặc chỉ làm cho có công tác huấn luyện, hướng dẫn về ATLĐ. Do vậy, nhiều người lao động không nắm chắc được những nguyên tắc ATLĐ, nên khó tránh TNLĐ xảy ra. Thêm vào đó, nhiều nơi sử dụng lao động thông qua các nhà thầu phụ trung gian, các cai thầu nên ở rất nhiều công trình, các điều kiện đảm bảo ATLĐ trong quá trình thi công hầu như bị bỏ ngỏ. Nguyên nhân khác là do ít “được” cơ quan chức năng quan tâm kiểm tra nên nhiều chủ DN, chủ thầu vì chạy theo lợi nhuận đã sử dụng thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, không đảm bảo an toàn... trong quá trình thi công.

Và điều đáng nói hơn là thời gian qua, khi mà công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định về bảo hộ lao động, ATLĐ còn lỏng lẻo, thì chế tài xử phạt những người gây ra TNLĐ cũng còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Vì thế, nhiều chủ DN, dù biết mình đã vi phạm các quy định về ATLĐ nhưng vẫn ngang nhiên “thà bị xử phạt chứ nhất định không chịu tốn tiền” để đổi mới trang thiết bị, máy móc và thực hiện các biện pháp đảm bảo ATLĐ theo đúng quy định của pháp luật.

Đã đến lúc các ngành chức năng, đặc biệt là ngành LĐ-TB&XH và tổ chức công đoàn các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về lao động, đặc biệt là các quy định về ATLĐ cho người lao động và chủ DN. Trong đó, điều quan trọng phải tăng cường mức độ giám sát của các cơ quan chức năng đối với các cơ sở, DN- nhất là các DN ngoài quốc doanh. Về mặt pháp luật, các cơ quan chức năng cũng cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định, nâng cao mức xử phạt người vi phạm các quy định về ATLĐ, người gây ra TNLĐ sao cho đủ sức răn đe, phòng ngừa.

Song song với việc nâng cao nhận thức của các chủ DN, người lao động, hoàn thiện cơ sở pháp lý về lĩnh vực này, có một yêu cầu rất bức bách đang đặt ra là phải nhanh chóng bổ sung đội ngũ làm công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATLĐ ở các địa phương, nhất là cấp quận, huyện. Nếu mỗi tỉnh, thành chỉ có bộ máy thanh tra lao động lèo tèo vài người như hiện nay, mỗi năm “đến hẹn lại lên” vài lần thanh tra, kiểm tra thì chẳng khác nào “cưỡi ngựa xem hoa”, khó mà phát hiện, xử lý những vi phạm rốt ráo.

GIA HUY

Chia sẻ bài viết