23/05/2014 - 10:29

Tái cơ cấu và phát triển bền vững nền nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở liên kết vùng

Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản vừa phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Thành ủy Cần Thơ đồng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: "Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long: 30 năm nhìn lại". Gần 100 tham luận của tổ chức và cá nhân là các nhà quản lý, khoa học, doanh nhân... gửi về và nhiều ý kiến đóng góp trực tiếp tại hội thảo đã nêu bật, khẳng định những thành tựu cũng như nhận diện, phân tích làm rõ những hạn chế, yếu kém, bất cập đã và đang nổi lên trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL; chia sẻ những bài học kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo và đề xuất, kiến nghị những giải pháp cơ bản để tạo sức bật và động lực mới cho tiến trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng. Trang "Nhịp sống đồng bằng" kỳ này lược ghi phát biểu của đồng chí Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; các tham luận, ý kiến còn lại sẽ được chọn lọc, trích đăng trên trang "Nhịp sống đồng bằng" ở các số tiếp theo, mời bạn đọc theo dõi.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Yêu cầu cấp thiết và mang tính tất yếu đang đặt ra là phải tái cơ cấu nền nông nghiệp vùng ĐBSCL trên cơ sở tăng cường liên kết vùng để nông nghiệp vùng ĐBSCL tiếp tục phát triển bền vững, hiệu quả.

Những thành tựu, hạn chế trong phát triển nông nghiệp:

Hằng năm, ĐBSCL đóng góp khoảng 27% GDP của cả nước, sản xuất hơn 50% tổng sản lượng lương thực, đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu; 10 năm gần đây, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của vùng tăng bình quân gần 7%/năm. Sản xuất lúa gạo, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản là thế mạnh của ĐBSCL, đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực, gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho cả nước, nâng cao đời sống vật chất, tạo cơ hội việc làm cho cư dân ở khu vực nông thôn.

Một trong những nguyên nhân tạo nên thành tựu trong sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL là nhờ người nông dân ngày càng tiếp cận và ứng dụng nhanh hơn với những tiến bộ khoa học - công nghệ. Đặc biệt gần đây, chủ trương liên kết "4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp đã được các địa phương quan tâm thúc đẩy,  mà điển hình là sự thành công bước đầu của mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" (CĐML) - mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Theo tính toán năm 2012, mỗi héc - ta lúa tham gia trong CĐML người nông dân có thể giảm được chi phí sản xuất 10% -15%, giá trị sản lượng tăng lên 20% - 25%,  thu lợi nhuận thêm 2,2 - 7,5 triệu đồng. Hiện nay, mô hình CĐML không chỉ giới hạn tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL mà đã được áp dụng tại các vùng, miền trong cả nước; được áp dụng đối với nhiều mô hình sản xuất khác như: mía đường, cà phê, điều, chè, nuôi trồng thủy sản, rau quả an toàn,… Trong xu hướng sắp tới, từ thành công của mô hình CĐML, các địa phương đang hướng đến xây dựng các vùng nguyên liệu lúa gạo hàng hóa, xây dựng thương hiệu lúa gạo từ các vùng nguyên liệu sản xuất theo VietGAP. Ngoài sản phẩm lúa gạo, ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cũng đã xây dựng được các mô hình tổ chức liên kết chăn nuôi và nuôi trồng chế biến thủy sản. Cụ thể như mô hình liên kết chăn nuôi heo và gia cầm tại Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam; mô hình tổ chức vùng nguyên liệu sản xuất chế biến cá tra thuộc Công ty cổ phần thủy sản Hùng Vương và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang…

Đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội thảo khoa học "Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long: 30 năm nhìn lại". Ảnh: H.T

Điểm nổi bật của những mô hình này là doanh nghiệp đóng vai trò là nhà đầu tư cho nông dân, là người tổ chức sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và đảm bảo thị trường tiêu thụ. Nông dân là người trực tiếp sản xuất, nhận khoán theo định mức chi phí, được hỗ trợ một phần chi phí xây dựng cơ bản ban đầu, chi phí lao động và sản xuất trên đất của họ. Những mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp kể trên đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển nông nghiệp ĐBSCL.

Tuy nhiên, Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đã chỉ ra những tồn tại, yếu kém của vùng ĐBSCL. Đó là: tăng trưởng kinh tế thiếu vững chắc, tiềm năng và lợi thế của vùng chưa được đầu tư, khai thác đúng mức, đúng tầm; kinh tế phát triển chủ yếu theo chiều rộng. Việc đầu tư và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tạo ra giá trị gia tăng không cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng về giao thông, thủy lợi. Giá trị sản xuất nông nghiệp thiếu tính ổn định và có nguy cơ bị thu hẹp diện tích sản xuất do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, nước mặn xâm nhập, môi trường ngày càng bị ô nhiễm. Do còn những mặt hạn chế trong cơ chế chính sách, những yếu kém nội tại trong quá trình thực hiện mối liên kết "4 nhà", nên hiệu quả từ các mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp chưa đạt như mong muốn…

Yêu cầu tất yếu phải liên kết vùng

Nước ta đang trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, các hàng hóa như lúa gạo, cây ăn trái, rau màu, các sản phẩm từ chăn nuôi và thủy sản của ĐBSCL cũng như cả nước sẽ phải cạnh tranh ngày càng gay gắt, vừa trên sân nhà, vừa trên sân khách. Điều đáng quan ngại là hiện nay, giá thành sản xuất một số hàng hóa này còn khá cao, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế. Nguyên nhân là do hệ thống quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa còn nhiều bất cập; việc xây dựng hệ thống sản xuất theo tiêu chuẩn mô hình GlobalGAP, VietGAP còn gặp khó khăn do thị trường đầu ra chưa ổn định. Trong khi đó, vùng ĐBSCL gặp nhiều thách thức do thiên tai, dịch bệnh gia tăng và tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ. Ngoài ra, tình trạng sản lượng tăng nhưng thu nhập của người nông dân không tăng tương xứng, hiện tượng tranh mua, tranh bán trên thương trường ngày càng gay gắt cũng là những thách thức không nhỏ.

Trước những khó khăn và thách thức đó, yêu cầu cấp thiết và mang tính tất yếu là phải tăng cường các mối quan hệ, liên kết vùng cụ thể để cùng nhau đưa ra những chính sách, mục tiêu sản xuất nông nghiệp bền vững. Liên kết vùng cũng là một trong những cơ sở quan trọng để tiến hành  quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu nông nghiệp vùng ĐBSCL nói riêng. Tạo được sự liên kết vùng vững chắc và thực chất sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí và sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương; hướng đến mục tiêu hiện đại hóa ngành sản xuất lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái và xây dựng nông thôn mới, giúp nông dân ĐBSCL vươn lên khá giàu bằng chính nghề nông.

Từ thực tế đó, vừa qua, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã cùng với Trường Đại học Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL, Viện Cây ăn quả miền Nam xây dựng Đề án Liên kết vùng với sự tham gia "4 nhà" để hỗ trợ và phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL trong thời gian tới. Mục tiêu chung của Đề án là: Phát triển bền vững các ngành hàng nông nghiệp chủ lực ở ĐBSCL thông qua liên kết vùng với sự tham gia của "4 nhà" (nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông), làm nền tảng khoa học và thực tiễn vững chắc phát triển cơ chế, tổ chức và chính sách cải tiến năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và phát triển nông thôn vùng ĐBSCL bền vững.

Muốn xây dựng được cơ chế, chính sách trong liên kết vùng, yêu cầu đặt ra là các địa phương vùng ĐBSCL phải xuất phát trên tinh thần tự nguyện, nhận thấy lợi ích của việc liên kết, lấy lợi ích chung, lợi ích của toàn vùng để xác định mục tiêu liên kết. Các nội dung liên kết, triển khai thực hiện cần có vai trò của Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng ĐBSCL và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Các giải pháp trọng tâm gồm:

Một là, quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng trên cơ sở gắn với cung - cầu thị trường, gắn với mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng, giá trị nông sản. Bên cạnh đó, các địa phương cần tạo môi trường thuận lợi để thiết lập và tăng cường các mối liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với người dân, giữa người dân với người dân, nhằm tổ chức, hình thành mối liên kết giữa sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm chặt chẽ hơn.

Hai là, trên cơ sở các quyết định, quy định pháp lý của Chính phủ về liên kết của từng vùng, từng địa phương, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL có thể ký kết các thỏa thuận, quy chế liên kết trong một số lĩnh vực có thế mạnh, nhất là trong nông nghiệp, thủy sản, và có thể triển khai ngay vào thực tế để phát huy hiệu quả của các mô hình liên kết đã có.

Ba là, tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông nghiệp ĐBSCL phải theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Trước hết, cần quan tâm xây dựng, nhân rộng mô hình CĐML, các vùng chuyên canh, nâng cao năng lực tổ chức và quản lý của nông dân,  tăng cường mối liên kết "4 nhà" theo những mô hình hợp tác kiểu mới. Quá trình tái cơ cấu phải chú trọng đến việc cải tiến, đổi mới cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo tính hài hòa trong việc phân chia lợi ích giữa các khâu trong chuỗi sản xuất tiêu thụ lúa gạo. 

Bốn là, về lâu dài, trong sản xuất lúa, cá tra, tôm… phải có sự điều chỉnh căn cơ từ cơ cấu sản xuất, theo hướng phân bổ lại nguồn lực đầu tư phù hợp; gắn kết chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến đến xuất khẩu, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đem lại hiệu quả cao hơn cho người sản xuất và kinh doanh.

Năm là, tập trung cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, tạo và nhân nhanh các giống có năng suất, chất lượng và giá trị cao. Đưa nhanh các công nghệ mới vào tất cả các khâu: sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm.

Sáu là, xây dựng và thí điểm các khu nông nghiệp công nghệ cao dựa vào những tiến bộ khoa học - công nghệ mới, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin; xây dựng các mô hình liên kết, quản lý theo tiêu chí hiện đại dựa vào tri thức mới. Sau đó nhân rộng để tạo bước chuyển biến đột phá trong sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Chia sẻ bài viết