21/11/2011 - 10:10

Tái cơ cấu kinh tế để đổi mới mô hình tăng trưởng

* PGS. TS TRẦN ĐÌNH THIÊN
Viện Trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam
* TS VŨ THÀNH TỰ ANH
Giám đốc Nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Việt Nam

Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) xác định tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là một nhiệm vụ rất lớn và phức tạp, đòi hỏi phải được triển khai thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước và ở từng địa phương, đơn vị cơ sở trong nhiều năm.

Khái quát về kinh tế vĩ mô giai đoạn 2006 - 2010

So với khu vực, kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2006 - 2010 có nhiều “cái nhất”. Thu, chi, và thâm hụt ngân sách tính theo tỷ lệ GDP vượt xa mức trung bình của các nước ASEAN. Chính sách tài khóa mở rộng kéo theo chính sách tiền tệ nới lỏng. So với Trung Quốc, quốc gia có mức nới lỏng tiền tệ đứng thứ nhì trong số các nước so sánh, thì Việt Nam có tốc độ tăng cung tiền (31%) cao gấp rưỡi và tín dụng (36%) cao gấp đôi. Chính sách tài khóa mở rộng nhất, chính sách tiền tệ nới lỏng nhất, song tốc độ tăng GDP chi ở mức khiêm tốn khiến lạm phát ở Việt Nam cũng ở mức cao nhất so với các nước trong khu vực. Không những thế, tỷ lệ tiết kiệm/đầu tư ở Việt Nam thấp, chỉ là 83%, trong khi ở tất cả các nước so sánh, tỷ lệ này đều đạt trên 100%. Hệ quả là Việt Nam phải nhập khẩu vốn (đặc biệt là FDI) nhiều nhất và có tỷ lệ thâm hụt tài khoản vãng lai cao nhất, trong khi tỷ lệ dự trữ ngoại hối lại thấp nhất. Điều này có nghĩa là nền kinh tế đang chịu rủi ro rất lớn, đặc biệt là về tiền tệ và tỷ giá, và rất dễ bị tổn thương trước những cú sốc từ bên trong cũng như bên ngoài.

Cần nhấn mạnh là sự xuất hiện hàng loạt những “cái nhất” này là hiện tượng mới của giai đoạn 2006 - 2010. Trong giai đoạn 2001 - 2005 trước đó, kinh tế vĩ mô của Việt Nam nhìn chung khá ổn định. Nói cách khác, nếu như kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong giai đoạn 2001 - 2006 tương đối bình thường thì trong giai đoạn 2006 - 2010 đã trở nên bất thường. Một phần của tình trạng bất thường này có nguồn gốc từ sự bất thường (khủng hoảng tài chính) chung của nền kinh tế thế giới. Nhưng trong điều kiện các nước trong khu vực cùng chịu những cú sốc tương tự từ bên ngoài, không thể không thừa nhận rằng tình trạng “bất thường” ở Việt Nam chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân bên trong. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hai trong số những nguyên nhân bên trong này là cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã trở nên lạc hậu và không còn động lực.

Những bất cập của mô hình tăng trưởng cũ

Cải cách cơ cấu kinh tế là điều kiện tiên quyết để có thể thay đổi mô hình tăng trưởng đã lạc hậu, cho phép ứng phó với tình hình kinh tế thế giới đang tiếp tục xấu đi, thậm chí có nguy cơ bị khủng hoảng kép.

Trước khi bàn luận các nhân tố của mô hình tăng trưởng mới, cần làm rõ các đặc điểm cơ bản của mô hình tăng trưởng cũ cùng các hệ lụy của chúng, đó là:

- Lấy doanh nghiệp nhà nước (DNNN) làm động lực trung tâm: Trong giai đoạn 2006 - 2009, DNNN chiếm 45% tổng đầu tư của khu vực doanh nghiệp, nhưng chỉ đóng góp 28% cho GDP và 19% cho tăng trưởng GDP; 24% việc làm và âm 22% cho việc làm mới; 20% giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) và 8% tăng trưởng GTSXCN.

- Tăng trưởng theo chiều rộng: Tỷ lệ đầu tư toàn xã hội quá lớn (hiện nay là 40% - 42% GDP). Đóng góp của đầu tư cho tăng trưởng GDP tăng rất nhanh (từ 5% vào năm 1990 lên 45% năm 2000 và trên 60% năm 2010). Đồng thời đóng góp của nhân tố năng suất tổng hợp cho tăng trưởng giảm rất nhanh (từ gần 50% vào năm 1990 xuống 40% năm 2000 và khoảng 20% năm 2010).

- Đầu tư công kém hiệu quả: ICOR của khu vực công hiện cao gấp rưỡi ICOR chung của nền kinh tế và gấp đôi ICOR của khu vực dân doanh.

- Đầu tư cao kéo theo việc mở rộng tín dụng: Nếu như năm 1995, tổng đầu tư tích lũy mới chỉ khoảng 100% GDP thì năm 2010, tỷ lệ này lên tới gần 400% GDP. Để đáp ứng lượng đầu tư khổng lồ này, tổng dư nợ tín dụng tăng từ 25% GDP năm 1995 lên 50% năm 2003 và 135% năm 2010.

- Điều hành vĩ mô bất cập: Tiếp tục sử dụng “hệ điều hành cũ” cho một nền kinh tế mới. Trong nền kinh tế mới này, khu vực nhà nước chỉ còn chiếm khoảng 1/4 GDP, Việt Nam đã gia nhập WTO, nền kinh tế rất mở với kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương 150% - 160% GDP, dư địa can thiệp trực tiếp của “hệ điều hành” đã bị thu hẹp rất nhiều.

Hệ quả là bất ổn vĩ mô lặp đi lặp lại với tần suất ngày càng dày, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Tín dụng nhiều, tiết kiệm giảm, đầu tư cao, nhưng hiệu quả thấp, dẫn đến: Lạm phát cao (vì nhiều tiền nhưng ít hàng); lãi suất cao và đồng tiền chịu sức ép giảm giá (do lạm phát cao); thâm hụt ngân sách lớn (vì chi tiêu quá nhiều); thâm hụt thương mại lớn (vì cầu trong nước quá cao nhưng năng lực sản xuất kém); bong bóng tài sản (vì quá nhiều tiền nhưng lợi nhuận của hoạt động sản xuất thấp).

Nhân tố cần thiết của cơ cấu và mô hình tăng trưởng mới

Với mục tiêu sống còn trong giai đoạn hiện nay là khôi phục lại ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế và duy trì tăng trưởng cao một cách bền vững để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nội dung quan trọng của tái cấu trúc theo mô hình tăng trưởng mới phải tập trung vào những mặt sau:

a) Tái cấu trúc bắt đầu từ khu vực nhà nước, trong đó quan trọng nhất là hệ thống ngân sách, đầu tư công và DNNN. Nhiệm vụ này phải được ưu tiên số một và nhanh chóng thực hiện vì ít nhất ba nguyên nhân:

Thứ nhất, khu vực DNNN chiếm dụng rất nhiều nguồn lực nhưng đóng góp cho tăng trưởng GDP, tạo việc làm mới, GTSXCN và kim ngạch xuất khẩu lại không tương xứng.

Kết quả hoạt động của 3 khu vực kinh tế

Nguồn. Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính, Quỹ Tiền tệ quốc tế. Số liệu năm 2009 là ước tính. Số liệu việc làm của hai giai đoạn 2001-2005 và 2006-2008.

Thứ hai, việc dồn quá nhiều nguồn lực cho khu vực nhà nước khiến cho khu vực dân doanh dù rất năng động nhưng bị chèn ép, không có đủ nguồn lực để phát triển.

Thứ ba, khu vực nhà nước là khu vực duy nhất mà Chính phủ có thể can thiệp trực tiếp một cách mạnh mẽ, do vậy nếu có chính sách đúng đắn thì có thể đem lại kết quả rõ nét nhất trong thời gian nhanh nhất.

Một số chính sách cụ thể cần ưu tiên thực hiện:

1- Giảm quy mô, đồng thời tăng hiệu quả của đầu tư công.

2 - Xem lại một cách toàn diện chính sách phân cấp, đặc biệt là phân cấp đầu tư và quản lý cho địa phương và các tập đoàn nhà nước để hạn chế tối đa tình trạng đầu tư dàn trải và kém hiệu quả như hiện nay.

3 - Giảm quy mô, đồng thời tăng hiệu quả của khu vực DNNN:

- Xác định lại vai trò của Nhà nước trong mối quan hệ với thị trường. Kiên định nguyên tắc Nhà nước chỉ làm những gì mà khu vực tư nhân không muốn và/hoặc không thể thực hiện. Đồng thời, cần hiểu thị trường là thể chế song hành khách quan chứ không “nằm dưới” và chịu sự chi phối vô điều kiện của Nhà nước. Chỉ trên cơ sở “phân nhiệm” rõ giữa Nhà nước và thị trường thì Nhà nước mới có thể xác định đúng nên làm gì và không nên làm gì.

- Buộc các DNNN phải cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.

- Đẩy mạnh cổ phần hóa với mục tiêu rõ ràng là thu hút các nhà đầu tư chiến lược từ hàng ngũ các công ty đa quốc gia hàng đầu.

- Kiên quyết chấm dứt tình trạng DNNN đầu tư tràn lan ra ngoài lĩnh vực hoạt động chính.

- Minh bạch tới mức tối đa có thể (trừ những trường hợp đặc biệt, ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, hay đối ngoại) hoạt động của khu vực DNNN bằng cách công khai báo cáo kiểm toán của tất cả các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, tăng cường sự giám sát của các nhà chuyên môn cũng như của xã hội.

- Đánh giá một cách khách quan, toàn diện chương trình thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước để từ đó có chính sách tiếp theo cho phù hợp.

b) Tái cấu trúc đầu tư theo hướng giảm quy mô và tăng hiệu quả đầu tư toàn xã hội

Bên cạnh việc giảm quy mô và tăng hiệu quả đầu tư của Chính phủ và của DNNN, cần thay đổi cơ bản chính sách thu hút FDI để nguồn vốn này trở thành một động lực của quá trình cải cách cơ cấu.

1 - Cần có quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn công nghệ được phép nhập khẩu vào Việt Nam, một mặt để nâng cấp nền công nghệ của quốc gia, mặt khác để không biến Việt Nam thành “bãi thải” công nghiệp của thế giới.

2 - Có chính sách khuyến khích thỏa đáng đối với những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Mức độ khuyến khích cần song hành với mức độ yêu cầu chuyển giao công nghệ cho đối tác trong nước.

c) Kỷ luật tài khóa

Lạm phát ở Việt Nam có ba tầng nguyên nhân. Tầng thứ nhất, dễ thấy nhất, là do chính sách tiền tệ nới lỏng và do chi phí đẩy.Tầng thứ hai, cơ bản hơn, là do chính sách tài khóa mở rộng, trong đó một tỷ lệ lớn nguồn lực được phân bổ cho những đối tượng sử dụng kém hiệu quả. Tầng thứ ba, tầng gốc rễ, là do cơ cấu kinh tế lạc hậu và mô hình tăng trưởng chạy theo chiều rộng, hiệu quả thấp.

Để thay đổi cơ cấu kinh tế, cần bắt đầu với chính sách tài khóa. Để thay đổi chính sách tài khóa, cần bắt đầu với kỷ luật tài khóa. Kỷ luật tài khóa ở Việt Nam đã bị buông lỏng trong một thời gian dài. Kết quả là tỷ lệ đầu tư đã trở nên rất lớn, nợ công tăng nhanh, thâm hụt ngân sách luôn ở trong tình trạng báo động, trong khi hiệu quả của chi tiêu lại thấp. Để tăng cường kỷ luật tài khóa, cần ưu tiên thực hiện những chính sách sau:

1 - Gộp các khoản chi trong và ngoài ngân sách trong một ngân sách hợp nhất để tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cho chính sách tài khóa. Hiện nay đang tồn tại một thực tế là có không dưới 7 nguồn số liệu (cả trong nước cũng như quốc tế) về thâm hụt ngân sách của Việt Nam, nhưng các số liệu này đều khác nhau và số liệu thâm hụt ngoài ngân sách thực thì chưa rõ.

2 - Xác định lộ trình nhằm đưa thâm hụt ngân sách về mức bền vững (dưới 3%). Trong dài hạn phải tiến tới cân bằng ngân sách, trừ những trường hợp phải ứng phó với khủng hoảng hay thiên tai.

3 - Giảm thâm hụt ngân sách không phải bằng việc tăng thu (hay tận thu) như hiện nay mà là giảm chi trên cơ sở tăng hiệu quả chi tiêu. Tỷ lệ huy động ngân sách của Việt Nam hiện nay là quá cao so với các nước đang phát triển (có tỷ lệ huy động ngân sách khoảng 15% - 20% GDP). Số liệu quyết toán cho thấy tỷ lệ chi ngân sách năm 2009 lên tới 43% GDP. Ngay cả khi trừ đi các khoản chi chuyển nguồn thì tỷ lệ chi như thế thực sự có tính “hủy diệt” đối với sức sống của doanh nghiệp và nguồn thu trong tương lai.

4 - Tỷ lệ chênh lệch giữa vốn đầu tư thực tế từ ngân sách và vốn đầu tư dự kiến theo kế hoạch không được cao hơn tỷ lệ lạm phát. Nếu áp dụng nguyên tắc này cho năm 2010 với lạm phát 11,75%, vốn đầu tư từ ngân sách dự kiến là 125.500 tỉ đồng, thì vốn đầu tư thực tế không được vượt quá 142.500 tỉ đồng. Trên thực tế, vốn đầu tư ngân sách thực hiện của năm 2010 ước chừng 180.000 tỉ đồng, tức là cao hơn mức dự kiến tới 45%. Nếu thực hiện theo quy tắc đề xuất ở đây thì có thể tiết giảm ngân sách gần 40.000 tỉ đồng, tương đương 2% GDP, nhờ đó đưa mức bội chi ngân sách về 3,6%, thay vì 5,6% theo ước toán.

Còn tiếp

Theo Tạp chí Cộng sản

* PGS. TS TRẦN ĐÌNH THIÊN Viện Trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam * TS VŨ THÀNH TỰ ANH Giám

Chia sẻ bài viết