28/09/2012 - 08:40

Tác hại của rượu đối với tim mạch

Theo dõi sức khỏe bệnh nhân mắc bệnh tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ.

Bệnh tim mạch là một sát thủ thầm lặng gây tử vong cho hàng triệu người mỗi năm, là gánh nặng của gia đình và xã hội. Có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh như: hút nhiều thuốc lá, uống nhiều rượu bia, nồng độ cholesterol trong máu cao, tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường, lối sống ít vận động... Do đó, ngoài việc tích cực điều trị, thì việc kiêng cử trong ăn uống được xem là một biện pháp phòng tránh và điều trị bệnh tim mạch hữu hiệu.

Anh L.T.M (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) nhập viện khi đã bị suy tim độ 3. Anh thường gặp những cơn khó thở và tức ngực. Sau khi làm các xét nghiệm, siêu âm tim, kiểm tra hệ mạch vành, anh M. được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh cơ tim giãn, do uống nhiều rượu bia. Anh M. cho biết: "Khoảng 4 năm nay, tôi thường uống rất nhiều rượu, hơn nửa lít rượu/ngày. Tôi cứ tưởng uống nhiều rượu sẽ mắc các bệnh về gan thôi, không ngờ mắc thêm bệnh cơ tim giãn. Các bác sĩ khuyên tôi bỏ hẳn rượu để kết quả điều trị tốt hơn, tránh trường hợp bệnh tiến triển nặng và nguy cơ đột tử cao". Bệnh cơ tim giãn có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như: nhiễm siêu vi, nhiễm trùng, ký sinh trùng, nhưng nhiều nhất là do uống quá nhiều rượu bia.

Siêu âm tim là phương pháp hữu hiệu giúp chẩn đoán, theo dõi tiến triển của bệnh cơ tim giãn, đồng thời loại trừ nguyên nhân khác gây bệnh cơ tim giãn như bệnh tim bẩm sinh, bệnh van tim,... Trên siêu âm, tim của bệnh nhân co bóp rất kém, giãn buồng tim, có thể có huyết khối trong buồng tim và đây là nguy cơ gây đột quỵ, đột tử.

Bệnh cơ tim giãn thường gặp ở nam giới hơn phụ nữ và triệu chứng rất mơ hồ. Giai đoạn đầu người bệnh chỉ thấy hơi mệt nên rất ít người đi khám ngay mà thường kéo dài một vài năm. Do không được phát hiện sớm nên nhiều người bệnh vẫn tiếp tục uống rượu bia, có thể dẫn đến suy tim cấp, choáng váng, đột quỵ, ngất hay đột tử. Đa số người bệnh bị đột tử vì rối loạn nhịp hoặc do khối huyết trong buồng tim chạy lên não, làm tắc mạch máu cấp tính.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Phong, Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết: Uống nhiều rượu là một trong những nguyên nhân sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, làm giảm hiệu quả điều trị. Các nghiên cứu cho thấy, uống ít hơn 60ml rượu nguyên chất (khoảng 680ml bia, 95ml rượu whiskey, 285ml rượu vang) mỗi ngày, không ảnh hưởng xấu đến bệnh tim mạch. Tuy nhiên, đối với người mắc bệnh cơ tim do rượu thì tuyệt đối phải kiêng cử rượu bia, sống lành mạnh là việc làm đơn giản, không tốn kém và vô cùng hiệu quả trong phòng ngừa bệnh cơ tim giãn do rượu. Càng uống nhiều rượu, mức độ rủi ro của bệnh càng tăng. Cũng theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Phong, có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch, nhưng người dân có thể thực hiện các biện pháp phòng bệnh ngay khi còn khỏe mạnh như: có chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt hợp lý, lành mạnh, hạn chế rượu, không hút thuốc lá, chăm chỉ vận động, khống chế cân nặng, kiểm tra huyết áp và kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường...

Kiêng cử trong ăn uống được xem là biện pháp phòng tránh và điều trị các bệnh tim mạch, giúp cải thiện triệu chứng, giảm bớt lượng thuốc cần uống hằng ngày, tăng tác dụng của một số thuốc điều trị. Trong khẩu phần ăn hằng ngày, cần hạn chế muối và tránh tối đa các thức ăn có vị mặn như: nước chấm, cá khô, chà bông, mắm... Việc hạn chế và giảm mặn đến mức nào sẽ tùy từng bệnh lý và từng giai đoạn bệnh mà bác sĩ sẽ có những lời khuyên cụ thể (thông thường dưới 6 gram muối mỗi ngày). Giảm chất béo trong chế độ độ ăn hàng ngày (thường có nhiều trong mỡ động vật, phô mai, kem, bơ, các món xào, rán…), lượng cholesterol trong khẩu phần ăn hằng ngày dưới 250mg. Chúng ta có thể dùng dầu thực vật như: dầu phộng, đậu nành, cải thay cho mỡ động vật; sử dụng loại thịt ít béo như: thịt bò, gà nạc, heo thăn, cá nạc, đậu... Người bệnh tim không cần ăn kiêng chất đạm nếu không bị bệnh khác kèm theo, chẳng hạn như suy thận...

Nên có chế độ ăn giàu Can xi và Ka li có nhiều trong sữa và các chế phẩm của sữa; rau, quả, khoai, đậu như: rau dền, dưa chuột, bắp cải, su hào, xà lách, đậu cô ve, cà chua, cà rốt, dừa, cam, chanh, chuối, mận, dưa hấu. Nên ăn nhiều rau quả để cung cấp đủ vitamin, chất khoáng và nhiều chất xơ. Liều lượng nước uống hằng ngày của người bệnh cũng cần tuân thủ tốt theo lời khuyên của bác sĩ cho từng bệnh lý và từng giai đoạn bệnh. Nếu bệnh chỉ ở mức độ nhẹ, việc hạn chế uống nước là không cần thiết, nhưng nếu suy tim nặng hoặc suy thận, nên hạn chế nước uống khoảng 1 lít nước mỗi ngày.

Chăm chỉ vận động, tập luyện thể dục thể thao cùng các hoạt động thể lực một cách thích hợp không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn giảm thiểu các tác động của bệnh tim mạch. Mỗi ngày, nên tập luyện thể dục từ 30-60 phút và mỗi tuần nên tập luyện tối thiểu 4 lần. Người bệnh không nhất thiết tập những bài tập nặng, tập quá sức nhưng cần nhất là duy trì tập luyện thường xuyên mới đạt hiệu quả cao.

Bài, ảnh: Lê Khải

Chia sẻ bài viết