19/01/2012 - 14:53

Syrie vẫn trong tình trạng nguy hiểm

Quân nổi loạn tại Syrie công khai phô trương lực lượng chống chính phủ tại các trung tâm thành phố. Ảnh: Reuters

Dự kiến vào ngày 21-1 tới, ngoại trưởng các nước Liên đoàn A-rập (AL) sẽ nhóm họp tại Thủ đô Cairo của Ai Cập để xem xét báo cáo của nhóm quan sát viên AL đánh giá tình hình an ninh tại Syrie. Nếu báo cáo này gây bất lợi cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, dư luận lo ngại sẽ có sự can thiệp quân sự từ bên ngoài.

Bạo lực tiếp diễn

Trưởng phòng điều hành quan sát viên của AL, ông Adnan al-Khodair, vừa cho biết tổ chức này đã quyết định cử thêm 10 thành viên mới tới Syrie để tham gia phái bộ giám sát việc thực thi thỏa thuận hòa bình đã ký giữa AL và Syrie hồi trung tuần tháng 12 năm ngoái. Hiện AL có 155 quan sát viên ở Syrie. Một nguồn tin AL hôm qua còn cho biết chính quyền Damas đã đồng ý cho phép phái bộ AL tiếp tục duy trì sứ mạng tại Syrie thêm một tháng sau khi thời hạn kết thúc vào ngày 19-1 tới. Tuy nhiên, chưa rõ các nước thành viên AL có tán thành hay không khi phương Tây và phe đối lập Syrie cáo buộc phái bộ nhỏ nhoi này đã bị chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad “lèo lái” và không thể chấm dứt các hành động bạo lực tại Syrie.

Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, hơn 5.400 người đã thiệt mạng trong làn sóng biểu tình kéo dài suốt 10 tháng qua tại Syrie. Chính quyền Syrie cho biết 2.000 nhân viên an ninh đã thiệt mạng. Trong một diễn biến mới nhất, hãng thông tấn SANA của Syrie đưa tin ngày 17-1, một vụ đánh bom ven đường nhằm vào lực lượng an ninh và dân thường tại tỉnh Idlib đã làm 4 người thiệt mạng và 5 người bị thương. Quả bom phát nổ gần một xe buýt nhỏ, khiến chiếc xe bị hư hại. Trước đó, SANA đưa tin tối 16-1, một “nhóm khủng bố có vũ trang” đã phóng lựu đạn vào một chốt kiểm soát quân sự cách thủ đô 9km, làm một sĩ quan thiệt mạng và 5 binh sĩ bị thương. Chính phủ Syrie khẳng định tình trạng bạo lực tại nước này do các nhóm vũ trang và các phần tử khủng bố tiến hành với sự hỗ trợ từ bên ngoài nhằm gây bất ổn Syrie.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon hôm 16-1 tuyên bố rằng tình trạng bạo lực ở Syrie đã trở nên “không thể chấp nhận được” và ông thúc giục Hội đồng bảo an phải có hành động quyết định đối với nước này. Trong buổi tiếp Quốc vương Jordanie Abdullah tại Nhà Trắng ngày 17-1, Tổng thống Barack Obama cũng phát biểu rằng Mỹ “đang phải tiếp tục chứng kiến mức độ bạo lực không thể chấp nhận được ở Syrie”.

“Phát pháo” từ Qatar

Tranh cãi xung quanh nghị quyết mới của Nga về Syrie

Hội đồng Bảo an LHQ ngày 17-1 đã tổ chức các cuộc họp kéo dài bàn về bản dự thảo nghị quyết mới của Nga liên quan tới Syrie. Trước các cuộc họp này, Mỹ, Pháp và Đức tuyên bố dự thảo nghị quyết mới của Nga là “không thể chấp nhận được”. Các nước phương Tây phản đối đề nghị của Nga, trong đó cho rằng cả Chính phủ Syrie và phe đối lập đều có trách nhiệm như nhau trước tình trạng bạo lực ở nước này. Theo nguồn tin của một số nhà ngoại giao, sau cuộc họp kéo dài này, các bên vẫn chưa thể thu hẹp được những khoảng cách.

Cách đây vài ngày, Quốc vương Qatar Hamad bin Khalifa Al Thani đã trở thành nhà lãnh đạo cấp cao A-rập đầu tiên công khai kêu gọi các nước A-rập can thiệp quân sự vào Syrie. Lời kêu gọi của ông Al Thani được cho là “rất có trọng lượng” bởi vai trò và tham vọng của Qatar đã thể hiện rõ trong cuộc chiến tại Libye. Trước Quốc vương Al Thani, Thủ tướng Recep Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ là nhà lãnh đạo Hồi giáo đầu tiên ngoài khối A-rập lên tiếng thúc giục quốc tế lật đổ chế độ al-Assad.

Trước đề nghị của Qatar, Bộ Ngoại giao Syrie, ngày 17-1, ra tuyên bố “kịch liệt bác bỏ” mọi kế hoạch đưa binh sĩ A-rập đến Syrie. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Syrie khẳng định: “Nhân dân Syrie phản đối mọi sự can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ của mình dù dưới danh nghĩa nào, và sẽ đương đầu với mọi âm mưu xâm phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Syrie”.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết